14:26 ngày 19/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Quản lý đầu tư tại chùa Hương: Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung từng chỉ đạo không làm dự án tâm linh

10:45 15/12/2018

(THPL) - Việc doanh nghiệp Xuân Trường đề xuất xây dựng Dự án du lịch tâm linh Hương Sơn (Hà Nội) với quy mô 1.000ha đã vấp phải sự phản đối của dư luận. Đáng chú ý, liên quan tới đầu tư ở khu vực chùa Hương, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung từng yêu cầu không nghiên cứu, đầu tư lĩnh vực tâm linh.

Bao trùm hết các ngả đường vào chùa Hương

Theo Tóm tắt Dự án đầu tư của Doanh nghiệp Xuân Trường gửi Thường trực Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội vào ngày 7/11/2018, Dự án “Khu du lịch tâm linh Hương Sơn” có quy mô 1.000ha. Trong số các hạng mục của Dự án, DN Xuân Trường sẽ nạo vét các dòng chảy để tạo đường thủy khoảng 30km nối từ Tam Chúc đến Suối Yến; xây dựng một tháp mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế cao 100m để thờ Xá Lợi Phật..“Bản đồ quy hoạch không gian Khu du lịch tâm linh Hương Sơn” gần như bám sát và bao trùm hết các ngả đường vào chùa Hương.

Đồ họa khu vực đề xuất làm Dự án du lịch tâm linh Hương Sơn 

Tại khu du lịch tâm linh Tam Chúc – Ba Sao – doanh nghiệp Xuân Trường đã xây dựng hai trạm kiểm soát ở hai đầu dự án

Trong đó, trục hành hương từ Chùa Hương sang Tam Chúc buộc phải đi qua cổng bán vé mà doanh nghiệp Xuân Trường kiểm soát. Đã có ý kiến lo ngại việc Dự án bao trùm các ngả đường sẽ hình thành các trạm thu phí trong tương lai, hay nắn dòng người hành hương về Hương Tích bằng ô tô sang khu vực Tam Chúc thay vì đến thẳng Suối Yến như hiện nay bằng những quyết định vì lợi ích nhóm. Do vậy, nhiều ý kiến của người dân khu vực Hương Sơn tỏ rõ sự bức xúc và lo ngại về sự xung đột trong vấn đề sinh kế của người dân địa phương. Nếu Dự án hình thành, rất có thể sẽ xảy ra một vụ “Đồng Tâm” thứ hai.

Nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng, chùa Hương là di sản văn hóa quốc gia, việc đầu tư phải đảm bảo giữ được yếu tố văn hóa vật thể và phi vật thể gốc, không thể ồ ạt mở rộng quy mô, làm biến dạng văn hóa truyền thống. Giáo sư – Tiến sĩ Bùi Quang Thanh, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Văn hóa, Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng ý tưởng doanh nghiệp Xuân Trường đưa ra là không hợp lý.

Chùa Hương đã có sự gắn kết giữa tín ngưỡng dân gian bản địa với phật giáo, nó đã có sự hài hòa. Tín ngưỡng dân gian bản địa chính là cái gốc Việt – Mường ở đó. Phật giáo, Đạo giáo vốn là ngoại lai khi vào Việt Nam đầu Công Nguyên đã phải dung hòa với tín ngưỡng để có sức lan tỏa cho tới tận ngày nay khi trải qua những va đập giữa tín ngưỡng và tôn giáo.

Chính vì vậy, nếu Xuân Trường xây một tháp Xá Lợi Phật cao hơn 100m mang đẳng cấp quốc tế là đề cao Phật giáo và không quan tâm đến tín ngưỡng. Cho nên, việc xây dựng Dự án tâm linh ở khu vực Hương Sơn là vấn đề cần hết sức lưu ý, không phải muốn làm thì làm, phải có phản biện khoa học, phản biện của cộng đồng không chỉ địa phương mà là nhân dân cả nước, không thể tùy tiện nối dòng, nắn dòng long mạch – Suối Yến hay xây tháp cao, kỳ vỹ ở khu vực vùng đệm hay trong một không gian văn hóa, tâm linh Quốc gia đặc biệt”.

Văn bản của DN Xuân Trường gửi Thường trực Thành ủy TP Hà Nội và UBND TP Hà Nội về việc đầu tư xây dựng khu du lịch tâm linh Hương Sơn.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung từng chỉ đạo không làm dự án tâm linh

Trao đổi với phóng viên, một cán bộ từng dự các cuộc họp kết luận về việc đầu tư tại chùa Hương cho biết, năm 2016, tại cuộc họp với các Sở, Ban, ngành TP.Hà Nội, khi bàn đến việc nghiên cứu, xây dựng Dự án tại khu vực xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung đã kết luận các Sở và địa phương hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện đúng quy hoạch được duyệt.

Trong đó, có nhấn mạnh việc: “Không nghiên cứu lĩnh vực tâm linh, tín ngưỡng” khi xây dựng dự án tại khu vực này. Kết luận này đã được ghi rõ trong một văn bản gửi tới các cơ quan, đơn vị liên quan. Đây là một kết luận thể hiện rõ quan điểm của Thành ủy, UBND TP. Hà Nội đối với vấn đề Quy hoạch tại khu vực chùa Hương và vùng lân cận thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức nhằm đảm bảo thực hiện nghiêm Quy hoạch Thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt. Đồng thời, đây cũng là quy định rõ ràng, minh bạch để các doanh nghiệp khi đề xuất nghiên cứu, xây dựng và triển khai các dự án tại khu vực này đảm bảo đúng quy định.

Chuyên gia phong thủy lo ngại

Trước thông tin có đề xuất sẽ nạo vét, khơi thông và mở dòng chảy để Suối Yến chảy về Hà Nam, ông Nguyễn Trọng Tuệ, Chủ tịch Câu lạc bộ phong thủy Thăng Long - Hà Nội cho rằng, Suối Yến quan trọng nhất là yếu tố cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, một nét văn hóa đã ăn sâu vào trong tiềm thức người dân. Người ta có quan niệm rằng, cứ đi Chùa Hương là phải đến Bến Đục, phải đi Đò Dọc, phải đi qua Suối Yến, nếu nạo vét khơi thông đi đường khác sang thì không còn ý nghĩa gì nữa.

Theo quan niệm về phong thủy trong cuốn sách từ thời Lê “An Nam Cửu Long Kinh”, địa mạch Quốc gia ta có phân ra ba đại chi. Khu vực phía bắc từ Tam Điệp, Ninh Bình ngược về phía bắc. Theo đó, địa mạch từ Lào Cai đổ về và chia ra làm ba chi. Trung chi chính là ở giữa là Thăng Long, Hà Nội; tả chi đổ ra hướng các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh; hữu chi là đổ về Ninh Bình, Tam Điệp, gọi là trấn Sơn Nam, là Thanh Long. Mỗi chi lại có thêm ba nhánh, tổng hợp lại gọi là Cửu Long Kinh là chín nhánh long mạch. Trong đó Chùa Hương nằm ở hữu chi. Mạch Chùa Hương là cả một đại mạch lớn. Phía dưới là kinh đô Hoa Lư, Ninh Bình, chính là Tràng.

Chuyên gia Nguyễn Trọng Tuệ

"Thông thường theo đại cục, thì có trung tâm cho đến tả thanh long, hữu bạch hổ. Tôi cho rằng nếu tác động vào mạch Chùa Hương, thì có nghĩa là tác động lên Bạch Hổ, khi động thì đương nhiên giữa là Thăng Long, Hà Nội sẽ động. Giống như khi dùng sắt chọc vào chân, tay sẽ tác động đến thần kinh là đau. Trong phong thủy có quy định, Thanh Long là cát thần, chủ về văn, nam, trưởng.  Còn Bạch Hổ là chủ về hung thần, võ, nữ, thứ. Nếu tác động vào suối Yến, có nghĩa là hung thần bị kích động, sẽ sinh biến loạn ở trung tâm là Thăng Long- Hà Nội. Tất cả những gì tác động không tốt vào khu vực Chùa Hương thì đều ảnh hưởng hết vào trung tâm.

Hơn nữa, trong thế đất Chùa Hương, có động Hương tích thế núi ôm lấy động, suối Yến chảy từ trong dãy núi ra và có rất nhiều chi lưu đổ dồn về. Như vậy động Hương Tích là đại huyệt phong thủy “phong thủy bảo địa”. Nếu Doanh nghiệp Xuân Trường nạo vét mà tác động vào suối Yến bằng bất kể hình thức nào thì sẽ làm cho khí mạch của huyệt bị thay đổi và suy giảm đi. Hệ lụy dẫn đến là ảnh hưởng tới địa mạch Quốc Gia. Bản thân địa mạch Chùa Hương hữu chi chính là địa mạch Quốc gia, như vậy là sẽ ảnh hưởng đến tất cả.

Địa mạch từ Hương Tích, Hoa Lư, Tràn An thuộc về hữu chi của Thành Thăng Long (Hà Nội). Suy ra chính là địa mạch Quốc gia cần được bảo vệ, tránh tác động.

Ngoài vấn đề tác động vào suối Yến, còn sự tác động tổng hợp, thứ nhất là tác động đến văn hóa, lịch sử; thứ hai tác động đến cảnh quan, thiên nhiên; thứ ba là tác động đến phong thủy, tâm linh… mà chỗ đó là đất phật cả nước hướng về. Bởi vậy không phải xây mới đền đài là tốt mà bảo tồn thiên nhiên mới là tốt.

Trong tâm thức của người dân, đi chùa Hương là một truyền thống. Chùa Hương không phải có quy mô lớn, tại sao thu hút được khách như thế, chính vì cảnh quan, tâm linh, nét văn hóa, trong đó văn hóa truyền thống mà đặc trưng là du xuân, trẩy hội. Cứ đi Chùa Hương là quy trình đầu tiên phải từ bến Đục, đến suối Yên, đò dọc… Nếu Doanh nghiệp Xuân Trường đục thông rồi rẽ nhánh ra một hướng khác dẫn đến cạn nước đi thì sẽ tác động đên nét văn hóa.

“Quan trọng nhất là bảo tồn, giữ gìn không được phá, không được vác máy lên đào tan ra như vậy là không được. Doanh nghiệp Xuân Trường đầu tư một dự án 15.000 tỷ, lợi nhuận thu về không nhỏ, xây dựng rồi thu phí… thì người dân phản ứng là điều đương nhiên. Tràng An là một điển hình mà Xuân Trường đã đầu tư du lịch tâm linh rồi thu phí người dân tham quan” – chuyên gia Nguyễn Trọng Tuệ nhận xét.

Đức Dũng

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu