14:01 ngày 25/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Hà Tĩnh đẩy mạnh sản xuất chè sạch theo chuỗi

09:30 13/12/2017

(THPL) - Với sự tham gia hỗ trợ tích cực của dự án Phát triển nông nghiệp (CIDA) trong việc du nhập các bộ giống mới, thay đổi quy trình sản xuất..., chuỗi sản phẩm chè sạch đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân các xã vùng thượng huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh).

Gần một tuần nay dù thời tiết không thuận lợi, mưa dầm dề nhưng ông Trần Văn Tuần, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng chè công nghiệp Kỳ Thượng sáng nào cũng bắc loa kêu gọi các thành viên trong tổ tranh thủ thu hoạch chè, chuyển đến nhà máy để phơi sấy. Để thu hoạch được cả đồi chè mơn mởn phủ xanh núi rừng, hễ trời hửng mưa là bà con gùi sọt lên nương hái chè búp, báo Nông nghiệp Việt Nam đưa tin.

Ông Tuần cho biết, đặc thù cây chè khác với các cây trồng khác, khi chè bắt đầu cho thu hoạch thì cả năm đều “liền mắt liền tay”, cứ vài ba ngày lại phải lên nương hái một lần theo hình thức cuốn chiếu. Tuy nhiên, thời điểm búp chè ngon nhất, đẹp nhất rơi vào tháng 4, 5, 6 trong năm.

Hà Tĩnh sản xuất chè sạch theo chuỗi
Năng suất, hiệu quả kinh tế cây chè vùng thượng Kỳ Anh tăng lên đáng kể nhờ áp dụng quy trình sản xuất theo chuỗi giá trị. Ảnh: TN - TP/báo Nông nghiệp Việt Nam

“Mùa mưa bà con vất vả hơn thời tiết nắng ráo vì chè không phơi được mà phải đi sấy. Hơn nữa, khi thu hoạch phụ thuộc thời tiết nên nhiều hôm giờ người ta nghỉ trưa mình mới lên nương”, ông Trần Văn Tuần chia sẻ.

Gia đình ông Tuần làm 1,5 mẫu giống chè PH1, mấy ngày nay dù thu hoạch không đều nhưng sản lượng thu về đã được hơn 4 tạ. Thu hái xong, ông Tuần vận chuyển đến nơi tập kết để Xí nghiệp Chè 12/9 thu mua theo hợp đồng kinh tế.

Mặc dù vất vả nhưng hầu hết người dân xã Kỳ Thượng đều rất phấn khởi bởi từ khi xây dựng mô hình chuỗi sản phẩm chè đến nay năng suất chè búp tươi tăng lên đáng kể, bình quân đạt khoảng 17 tấn/ha. Đặc biệt, người dân được tiếp cận quy trình sản xuất mới theo hình thức liên kết với doanh nghiệp, áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, hạn chế sử dụng thuốc BVTV từ đó tạo ra sản phẩm chè an toàn.

Được biết, vào năm 2013, chuỗi sản phẩm chè thông qua sự hỗ trợ của dự án CIDA bắt đầu triển khai tại Kỳ Anh. Thông qua các tổ hợp tác, người trồng chè được hướng dẫn về kỹ thuật sản xuất đạt hiệu quả kinh tế, giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng tiếp cận với công nghệ, nguồn lực sản xuất và thị trường mới, tăng vị thế khả năng cạnh tranh.

Liên kết giữa nông dân với nhau để đáp ứng nhu cầu thị tường tốt hơn, đồng thời tăng khả năng quản lý về chất lượng sản phẩm, tiến đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường đối với các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Theo báo Hà Tĩnh, việc áp dụng các kiến thức trong sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đã giúp người dân thay đổi những hình thức canh tác lạc hậu, biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, biết ngăn ngừa và hạn chế rủi ro từ các mối nguy cơ ô nhiễm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm chè, môi trường và sức khỏe.

Mục tiêu của việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP của dự án chính là hình thành tư duy sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn theo định hướng thị trường cho bà con nông dân. Đồng thời, thúc đẩy các vùng sản xuất phát triển bền vững, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của nông dân, mang lại hiệu quả kinh tế cao; đáp ứng nhu cầu sản xuất của nông dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo.

chè sạch
Chuỗi sản phẩm chè sạch đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân các xã vùng thượng huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Ảnh: Báo Infonet

Ông Vũ Trung Tiến – Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng cho biết trên báo Infonet: “Với đặc thù là một xã miền núi, kinh tế khó khăn, xác định trồng chè công nghiệp sẽ đưa lại kinh tế cho người dân, cho nên từ năm 2012 trở lại đây, xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh trồng mới từ 15 - 40ha chè. Phong trào trồng chè ở đây ngày một phát triển mạnh, trở thành cây mũi nhọn xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế.

Thành công bước đầu từ mô hình trồng cây chè công nghiệp đã làm thay đổi nhận thức của người dân về phương thức sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất gắn với thị trường, việc ứng dụng các quy trình sản xuất, bảo quản, chế biến sau thu hoạch, góp phần thúc đẩy các vùng sản xuất chè có quy mô và bền vững đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng năng suất lao động, đảm bảo đúng lịch thời vụ, nâng cao hiệu quả sản xuất cho các hộ dân trên địa bàn miền núi xã Kỳ Thượng”.

Không những vậy, với hình thức sản xuất này thì nông dân mới có khả năng quản lý về chất lượng sản phẩm để tăng giá trị, tiến đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường đối với các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Mô hình chuỗi sản phẩm chè với các tiêu chí đạt chuẩn đã và đang mở ra những hướng đi mới cho bà con nông dân. Điều đó phản ánh sự hưởng ứng tích cực của chính quyền và người dân đối với chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị nông sản. Qua đó, tạo việc làm, nâng cao đời sống cho nông dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ phát triển ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu