16:16 ngày 19/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Xuất khẩu rau quả đạt gần 2 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm

08:29 12/08/2020

(THPL) - Theo thông tin từ Bộ NNPTNT, 7 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu rau quả của Việt Nam ước đạt gần 2 tỷ USD, ngoại trừ thị trường Trung Quốc và Singapore có trị giá xuất khẩu giảm, hầu hết các thị trường còn lại đều có trị giá xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, theo số liệu tổng kết trong 2 quý đầu năm 2020, Trung Quốc chiếm 59,4% thị phần xuất khẩu rau quả của Việt Nam với trị giá xuất khẩu đạt 1,04 tỷ USD, giảm 29,3% so với cùng kỳ năm 2019. Ngoại trừ Trung Quốc và Singapore là 2 thị trường có trị giá xuất khẩu giảm, các thị trường còn lại hầu hết đều có trị giá xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, Hàn Quốc đạt 81,7 triệu USD (tăng 25,5%); Thái Lan đạt 79,4 triệu USD (tăng 234,2%); Hoa Kỳ đạt 77 triệu USD (tăng 9,8%); Nhật Bản đạt 68,2 triệu USD (chiếm 3,9%, tăng 13,1%).

(Hình minh họa)

Với thị trường rau quả nhập khẩu, ước tính trị giá nhập khẩu 7 tháng đầu năm 2020 đạt 708 triệu USD, giảm 37,7% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng kết trong 2 quý đầu năm 2020, Trung Quốc, Australia là 2 thị trường cung cấp rau quả nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam cũng đều giảm về giá trị xuất khẩu rau quả sang Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc là thị trường có trị giá giảm 35,2%, Australia giảm 12,5%. Riêng Hoa Kỳ tăng 27,5%.

Điểm đáng lưu ý cho xuất khẩu rau quả của Việt Nam, là những động thái siết chặt các quy định nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc trong thời gian tới, thông tin từ Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc) cho biết, chính quyền Quảng Tây đang thực hiện nghiêm chế độ quản lý hàng hóa đưa vào tiêu thụ tại các chợ, siêu thị, tăng cường kiểm tra các loại giấy tờ như chứng nhận đạt chuẩn chất lượng, chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ, chứng từ mua hàng đối với hàng nông sản dùng làm thực phẩm. Cấm mua bán, tàng trữ các loại thực phẩm không phù hợp với tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Các trường hợp kinh doanh thực phẩm nhập khẩu phải cung cấp chứng từ kiểm nghiệm kiểm dịch của cơ quan hải quan, Ngoài ra, kể từ ngày 01/7/2020, các phương tiện vận tải của Việt Nam nhập cảnh Trung Quốc đều đã phải mua bảo hiểm phương tiện.

Theo đánh giá của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, dù xuất khẩu rau quả sang các thị trường khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc đều tăng nhưng vẫn không đủ bù đắp được sự sụt giảm của thị trường Trung Quốc. Dự báo, năm nay xuất khẩu rau quả có thể vẫn sẽ bị sụt giảm khoảng 10% so với năm 2019. Tuy nhiên với Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) , Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), rau quả Việt Nam cũng có nhiều cơ hội bứt phá mạnh mẽ và bền vững tại các thị trường mới, thay vì lệ thuộc lớn vào Trung Quốc.

Tuy nhiên, cũng cần đặc biệt lưu ý là thị trường  EU có hàng loạt những quy định rất chặt chẽ an toàn thực phẩm, hàng rào kỹ thuật sản xuất, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng chất cấm…  Nếu vi phạm, doanh nghiệp sẽ bị trả hàng, gây thiệt hại không chỉ riêng cá nhân doanh nghiệp mà cả ngành rau quả Việt Nam. Do đó, việc sản xuất an toàn theo hướng GAP là yêu cầu bắt buộc.

Quốc Cường

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu