17:12 ngày 10/10/2024 | HOTLINE : 094.210.6666 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 36,3 tỷ USD trong 8 tháng

13:51 30/08/2022

(THPL) – Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính chung 8 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt khoảng 66,2 tỷ USD, tăng 8,7% so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu ước khoảng 36,3 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ 2021.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tháng 8/2022, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước gần 4,4 tỷ USD, tăng 32% so với tháng 8/2021, tăng 0,3% so với tháng 7/2022; trong đó, nhóm nông sản chính đạt trên 1,8 tỷ USD, lâm sản chính đạt trên 1,4 tỷ USD, thủy sản đạt 893,8 triệu USD và chăn nuôi đạt 41,6 triệu USD,…

Tính chung 8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước gần 36,3 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu nông sản chính đạt gần 15 tỷ USD, tăng 7,4%; lâm sản chính ước đạt trên 11,8 tỷ USD, tăng 6,2%; thủy sản đạt trên 7,5 tỷ USD, tăng 35,3%; chăn nuôi đạt 258,6 triệu USD, giảm 12,2%; đầu vào sản xuất đạt gần 1,7 tỷ USD, tăng 48,2%.

Trong 8 tháng năm 2022, có 07 sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 02 tỷ USD gồm: cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, sản phẩm gỗ. Nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm ngoái, như: Cà phê đạt trên 2,8 tỷ USD (tăng 40,3%); cao su đạt trên 2,0 tỷ USD (tăng 8,1%); gạo đạt trên 2,3 tỷ USD (tăng 8,1%); hồ tiêu đạt khoảng 712 triệu USD (tăng 8,2%); sắn và sản phẩm sắn đạt 941 triệu USD (tăng 22,5%); cá tra đạt trên 1,7 tỷ USD (tăng 82,6%); tôm đạt gần 3,0 tỷ USD (tăng 22,0%); gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 11,0 tỷ USD (tăng 6,5%); mây, tre, cói thảm đạt 592 triệu USD (tăng 1,8%); phân bón các loại đạt 780 triệu USD (tăng 163,6%); thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt 770 triệu USD (tăng 10,3%).

Bên cạnh đó, có những mặt hàng giảm kim ngạch xuất khẩu gồm: Nhóm hàng rau quả đạt gần 2,2 tỷ USD (giảm 13,9%); hạt điều đạt gần 2,1 tỷ USD (giảm 10,4%); sản phẩm chăn nuôi đạt 258,6 triệu USD (giảm 12,3%). Đáng chú ý, dù giá trị xuất khẩu nhóm gỗ và sản phẩm gỗ tăng 6,5% nhưng giá trị xuất khẩu của sản phẩm gỗ lại giảm 3,4% với giá trị trên 7,7 tỷ USD.

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 36,3 tỷ USD trong 8 tháng. Ảnh minh hoạ

Cũng theo Bộ NN&PTNT, về thị trường xuất khẩu, 8 tháng năm 2022, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất, đạt gần 9,6 tỷ USD (chiếm 26,4% thị phần). Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc với giá trị xuất khẩu đạt khoảng 6,5 tỷ USD (chiếm 17,8% thị phần). Thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt trên 2,7 tỷ USD (chiếm 7,4% thị phần). Thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt trên 1,7 tỷ USD (chiếm 4,7% thị phần).

Báo Công thương cho hay, ở chiều ngược lại, 8 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản ước trên 29,9 tỷ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt trên 18,3 tỷ USD, tăng 1,1%; nhóm hàng thủy sản ước đạt trên 1,9 tỷ USD, tăng 37,5%; nhóm lâm sản chính ước đạt trên 2,2 tỷ USD, tăng 3,6%; nhóm sản phẩm chăn nuôi đạt gần 2,1 tỷ USD, giảm 10,8%; nhóm đầu vào sản xuất ước đạt gần 5,4 tỷ USD, tăng 12,0%.

Về thị trường nhập khẩu, khu vực châu Á chiếm 31,7% thị phần xuất khẩu sang Việt Nam, thứ 2 là châu Mỹ chiếm 25,5%, châu Đại Dương chiếm 5,9%, châu Âu chiếm 4,2% và châu Phi chiếm 3,6% thị phần. Hoa Kỳ, Trung Quốc, Argentina và là 3 thị trường cung cấp các mặt hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất cho Việt Nam trong 8 tháng năm 2022, với thị phần trong tổng giá trị nhập khẩu ước đạt lần lượt là 8,52% (nhưng giá trị nhập khẩu giảm 3,0%), 8,49% (+20,0%) và 8,34% +13,53%).

Theo báo Chính phủ, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các đại sứ quán, tham tán thương mại, tham tán nông nghiệp tăng cường xúc tiến, quảng bá theo hình thức trực tuyến đối với các sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường lớn (Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nga, Brazil) và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng (Nhật Bản - Hàn Quốc, ASEAN, Australia- New Zealand, Trung Đông).

Đồng thời, ngành nông nghiệp đã gia tăng các ngành hàng xuất khẩu có giá trị, chất lượng như các loại quả tươi chủ lực (xoài, thanh long, chanh leo, nhãn, vải... đã xuất khẩu đi nhiều quốc gia). Cùng với đó, ngành cũng chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường để gia tăng các sản phẩm chăn nuôi, duy trì chuỗi cung ứng thủy sản an toàn cho tiêu dùng trong nước và đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu; gia tăng số sản phẩm, doanh nghiệp được phép xuất khẩu sang các thị trường, trong đó có những thị trường yêu cầu cao về chất lượng, an toàn thực phẩm. Đặc biệt về lâm sản, các thị trường lớn xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU…, giá trị xuất khẩu lâm sản và lâm sản ngoài gỗ tăng theo hằng năm.

Minh Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu