10:29 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Xuất khẩu hàng hóa 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục phải vượt khó

Quốc Cường | 08:27 15/07/2020

(THPL) - Theo thông tin từ Tổng cục Hải Quan, nửa đầu năm 2020 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 122,78 tỷ USD (tăng 0,2% so với cùng kỳ 2019) đó là thông tin đáng mừng. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bộ Công Thương đã đưa ra dự báo, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nửa cuối năm 2020 vẫn tiếp tục còn gặp nhiều khó khăn.

Nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với toàn cầu, các mức tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, giao thương, xuất nhập khẩu phụ thuộc rất lớn vào kinh tế thế giới. Dù Việt Nam đã khống chế dịch COVID-19 một cách rất ấn tượng, hoạt động kinh tế nội địa đang dần hồi phục.  Tuy nhiên, hiện tại phần lớn nền kinh tế của các quốc gia bạn hàng đều đang rất lao đao và căng thẳng vì đối phó với đại dịch. Việt Nam cũng không thể nằm ngoài vùng ảnh hưởng tiêu cực. Trên cơ sở đó,  Bộ Công Thương dự báo, những tháng cuối năm 2020 sẽ có 3 yếu tố chính gây cản trở đà tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.

 Xuất khẩu hàng hóa 6 tháng cuối năm 2020 sẽ tiếp tục phải vượt khó 

Thứ nhất, trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới cập nhật tháng 6/2020, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế toàn cầu có thể giảm 4,9% trong năm 2020, giảm 1,9 điểm phần trăm so với dự báo của tháng 4/2020, do dịch COVID-19 diễn biến nghiêm trọng hơn dự đoán.

Thứ hai, dịch COVID-19 đang có dấu hiệu bùng phát trở lại tại một số quốc gia như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ… và để chủ động đối phó với làn sóng lây nhiễm mới hàng loạt các biện pháp siết chặt quản lý con người và hàng hóa đã được thực thi, ảnh hưởng lớn đến giao thương, xuất nhập khẩu hàng hóa. 

Cụ thể như tại Trung Quốc (thị trường xuất khẩu lớn nhất nhì của Việt Nam). Thành phố Bắc Kinh đã phải hủy bỏ toàn bộ các chuyến bay nội địa, hạn chế đi lại, cấm người dân đi du lịch, đồng thời tăng cường rà soát nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng các mặt hàng thực phẩm trên địa bàn. Chính quyền Quảng Tây siết chặt kiểm tra hàng hóa, gồm các loại giấy tờ như chứng nhận đạt chuẩn chất lượng, chứng nhận nguồn gốc xuất xứ và chứng từ mua hàng đối với nông sản dùng làm thực phẩm. Thành phố Đông Hưng nơi có chung đường biên giới với Móng Cái (Quảng Ninh) cũng tăng cường kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng sản phẩm đối với thủy sản và các loại thịt tại chợ, siêu thị và khách sạn trên địa bàn.

Trước tình hình trên, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp và hộ sản xuất nông sản, thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc cần chủ động tăng cường giám sát chất lượng, tuân thủ nghiêm các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực thẩm, truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Tích cực theo dõi nắm bắt thông tin thị trường, để chủ động trong việc đưa hàng lên các cửa khẩu biên giới, giảm thiểu rủi ro và thời gian thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu.

Yếu tố khó khăn thứ ba là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8 tới đây. Mặt tích cực là sẽ mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại  là sức ép cạnh tranh rất lớn tại thị trường nội địa Việt Nam,  khi EVFTA có hiệu lực, lộ trình giảm thuế được triển khai, nhiều sản phẩm với tiêu chuẩn cao của Châu Âu sẽ có cơ hội vào Việt Nam với mức giá cạnh tranh hơn rất nhiều so với hiện nay. Người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi nhưng các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất hàng hóa, thực phẩm trong nước sẽ phải nỗ lực hơn nhiều nữa để bảo vệ thị phần của mình tại nội địa.

Quốc Cường

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu