06:59 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Xuất khẩu gỗ lập kỷ lục trong năm 2021

08:07 26/01/2022

(THPL) - Giá trị xuất khẩu lâm sản trong năm 2021 lập kỷ lục với 15,96 tỷ USD, tăng 21% so với 2020 và tăng 117% so với kế hoạch. Đặc biệt, xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ đạt 1,2 tỷ USD, tăng 40%.

Năm 2021 cũng ghi nhận kỷ lục về con số xuất siêu. Theo đó, nhập khẩu nguyên liệu gỗ năm 2021 đạt 2,93 tỷ USD, như vậy, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản xuất siêu trên 13 tỷ USD.

Năm 2021, giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp đạt 48,6 tỷ USD, trong đó  lâm nghiêp chiếm 1/3, xuất siêu toàn ngành nông nghiệp là 4 tỷ USD. Như vậy, ngành lâm nghiệp có đóng góp đáng kể vào giá trị xuất siêu và khẳng định tính bền vững của nguồn nguyên liệu trong nước được tạo dựng bởi sự liên kết của doanh nghiệp và người trồng rừng cả nước.

Báo Chính phủ đưa tin, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ từng gặp áp lực lớn trong cạnh tranh thương mại khi Mỹ có 2 cuộc điều tra, trong đó có điều tra theo mục 301 của Cơ quan Thương mại Mỹ. “Điều đáng mừng là, qua 7 đợt đàm phán, chúng ta đã thống nhất được với bạn ký được một thỏa thuận dừng việc điều tra”.

Nhờ thành công của việc ký thỏa thuận cấp Chính phủ, năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ sang Mỹ đạt tới 9,4 tỷ USD.

Xuất khẩu gỗ lập kỷ lục trong năm 2021. Ảnh minh họa

Báo Nông nghiệp VN đưa tin, trong thời điểm các tỉnh phía Nam giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, chỉ còn 141/265 doanh nghiệp chế biến gỗ duy trì hoạt động, với số lượng công nhân đang làm việc khoảng 30.700/119.300 lao động trước khi giãn cách. Trong 134 doanh nghiệp đang ngừng sản xuất, 17 doanh nghiệp có ca dương tính với COVID-19 và 117 doanh nghiệp không đáp ứng "3 tại chỗ".

100% doanh nghiệp gỗ phục vụ thị trường nội địa, chiếm 25% số lượng doanh nghiệp toàn ngành, ngừng hoạt động. Doanh thu sụt giảm 90%.

Trước tình hình khó khăn trên, Bộ NN&PTNT đánh giá, nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, chế biến gỗ rất lớn. Nhằm duy trì sản xuất, đảm bảo thực hiện các đơn hàng doanh nghiệp đã ký kết, Bộ NN&PTNT đã gửi báo cáo đến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố kiến nghị xem xét, chỉ đạo, hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đang triển khai "3 tại chỗ" được ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 trong thời gian giãn cách xã hội.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT còn kiến nghị Phó Thủ tướng, UBND các tỉnh, thành phố hỗ trợ và hướng dẫn doanh nghiệp chủ động mua và tự triển khai xét nghiệm nhanh và xét nghiệm PCR miễn phí. Đồng thời, Bộ kiến nghị các đơn vị liên quan cho phép các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm nguồn vaccine phòng COVID-19 để tiêm cho công nhân lao động, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Nhờ những biện pháp quyết liệt, kịp thời của Bộ NN&PTNT, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt và vượt mục tiêu đề ra trong năm 2021.

Theo lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2022, ngành lâm nghiệp phấn đấu tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc duy trì ổn định 42%, nâng cao chất lượng rừng. Trồng rừng tập trung đạt 240 nghìn ha; trồng 122 triệu cây phân tán để đảm bảo tiến độ thực hiện đề án trồng 1 tỷ cây xanh. Khai thác gỗ đạt 31,5 triệu mét khối, đáp ứng 80% nhu cầu nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ trong nước. Giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 16,3 tỷ USD; thu dịch vụ môi trường rừng đạt khoảng 3.000 tỷ đồng.

Để đạt được các mục tiêu này, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ phấn đấu thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch Bộ giao; đồng thời triển khai hiệu quả Luật Lâm nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp. Tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu; tập trung thực hiện phối hợp trong việc ngăn chăn tình trạng gian lận thương mại của một số doanh nghiệp xuất khẩu.

Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; triển khai các hoạt động về bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; sử dụng môi trường rừng bền vững; triển khai hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng…

Đặc biệt, lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, trong giai đoạn tới, ngành lâm nghiệp sẽ chú trọng nâng cao chất lượng rừng, đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp để nâng cao cuộc sống của người trồng rừng.

Bảo An (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu