08:03 ngày 02/11/2024 | HOTLINE : 094.210.6666 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Xuất khẩu gỗ có thể cán đích 14,5 tỷ USD trong năm 2021

11:05 01/11/2021

(THPL) - Theo tin từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), nếu các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục được kiểm soát như hiện nay, thì khả năng đạt 14-14,5 tỷ USD xuất khẩu gỗ là có thể hoàn thành.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 10 tháng năm nay, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ đã đạt khoảng 12,8 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo VTV News đưa tin, khảo sát từ Tổ chức lâm nghiệp Forest Trends cho thấy, 2 tháng cuối năm, doanh nghiệp gỗ cần vượt qua 3 khó khăn lớn nhất về y tế, thiếu hụt lao động và những biến động về lưu thông nguyên vật liệu, hàng hóa.

"Hiện đơn hàng của chúng tôi đã tăng gấp 3 lần so với trước giãn cách, đủ sức sản xuất đến 3/2022. Số lao động quay trở lại làm việc đạt 75%, nhưng cũng có nghĩa chúng tôi còn thiếu 25% lao động", ông Justin Wheatcroft, Quản lý Công ty Square Roots, Bình Dương, cho biết.

Xuất khẩu gỗ có thể cán đích 14,5 tỷ USD trong năm 2021. Ảnh minh họa

Liên quan đến xuất khẩu gỗ, báo Lao động cho hay, ông Nguyễn Minh Nhật - Giám đốc Công ty TNHH Ván ép Nhật Nam, chia sẻ: Từ trước khi bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội, doanh nghiệp này đã chủ động lên phương án, kịch bản đề phòng rủi ro, đảm bảo duy trì sản xuất. Lực lượng công nhân lao động trong nhà máy tách biệt hoàn toàn với bên ngoài để dịch bệnh không “thẩm thấu” vào doanh nghiệp; bộ phận vận chuyển vận tải thuê bên ngoài để tách biệt hoàn toàn với nhà máy, đảm bảo nguồn công nhân trong nhà máy luôn "xanh" với COVID-19.

Theo ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Viforest, Viforest đã tiến hành khảo sát nhanh các doanh nghiệp ngành gỗ trong thời gian từ 10 – 21/10/2021, kết quả cho thấy có 46% số doanh nghiệp ngành gỗ cho  biết doanh thu năm 2021 sẽ không thay đổi so với năm 2020.

Chủ tịch Viforest Đỗ Xuân Lập khẳng định: “Có thể thấy được rằng, ngành gỗ Việt đang trên đà phục hồi và có cơ hội rộng mở ở thị trường đầu ra. Các doanh nghiệp đã và đang tích cực, chủ động để thích ứng và đón các cơ hội lớn và chủ động kiếm phương án để thích nghi với điều kiện mới, từ việc giữ chân người lao động, tìm kiếm ổn định nguồn cung nguyên liệu đến cả việc ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại để giảm thiểu phụ thuộc nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng sản phẩm”.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận rằng, ngành gỗ cũng đang đứng trước một số khó khăn lớn, đặc biệt về khía cạnh cạnh tranh mà 1 doanh nghiệp FDI đã chia sẻ: Sản phẩm ở Việt Nam sản xuất ra có thể có giá thành cao hơn so với sản xuất tại nhà máy của nước họ hay tại các nước láng giềng ở Châu Âu hay các công ty Trung Quốc. Điều này đòi hỏi ngành gỗ và Tổng cục Lâm nghiệp cần có những chiến lược mới về thị trường, chủng loại sản phẩm, công nghệ và lao động.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Nghị quyết 128 của Chính phủ đã khơi thông, giúp doanh nghiệp khôi phục hoạt động và tự chủ động những hình thức tổ chức sản xuất thích ứng với tình hình dịch bệnh.

"Chúng ta đã có khởi sắc, đặc biệt từ tháng 10 này, đã có sự tăng trưởng trở lại. Mục tiêu 14,5 tỷ USD xuất khẩu năm 2021 vẫn có thể đạt được. Các doanh nghiệp đã có kế hoạch, chiến lược để phục hồi tái sản xuất rất cụ thể, trong đó có lộ trình cho giai đoạn 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng", ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục Trưởng - Tổng cục Lâm Nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chia sẻ.

Trong thời gian tới, để đảm bảo phát triển ngành gỗ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đưa ra các chính sách phát triển vùng nguyên liệu gỗ, bên cạnh đó là kế hoạch chủ động về nguồn nguyên phụ liệu trong nước và mở rộng các thị trường nhập khẩu gỗ rừng trồng hợp pháp.

Phương Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu