13:04 ngày 29/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường EU tăng trưởng khả quan

13:39 09/09/2021

(THPL) - Theo số từ Tổng cục Hải quan, từ đầu năm 2021 cho đến nay, cho dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thị trường kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường EU vẫn tăng trưởng khả quan. Triển vọng xuất khẩu sang thị trường EU được dự báo vẫn còn nhiều cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ.

Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới thị trường EU trong tháng 7/2021 đạt 44,5 triệu USD, tăng 22,1% so với tháng 7/2020. Tính chung trong 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường EU đạt 396,9 triệu USD, tăng 34,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu tới thị trường EU trong 7 tháng đầu năm 2021, đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng có tỷ trọng xuất khẩu tăng khá, kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ tới thị trường EU đạt 331,7 triệu USD, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất phòng khách và phòng ăn, ghế khung gỗ là 2 mặt hàng chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ. Tốc độ tăng trưởng mạnh nhất là mặt hàng đồ nội thất văn phòng và đồ nội thất nhà bếp.

Xuất khẩu gỗ sang EU. Ảnh minh họa

Trong 7 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới các thị trường EU đều tăng trưởng khá. Dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu là thị trường Đức đạt 80,3 triệu USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 20,2% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới EU. Tiếp theo là thị trường Pháp đạt 78,4 triệu USD, tăng 29,5%; Hà Lan đạt 63,4 triệu USD, tăng 50%; Bỉ đạt 40,5 triệu USD, tăng 55,7%...

Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam - EU. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại nhiều tỉnh thành trên cả nước khiến tình hình sản xuất chế biến gỗ bị ảnh hưởng nặng nề, dẫn tới nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cước vận tải tăng cao, đóng cửa nhà máy vì giãn cách xã hội…, điều này sẽ làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường EU và cản trở đà tăng trưởng trong xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường này.

Số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 8/2021 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường EU đạt 28,4 triệu USD, giảm 16,3% so với tháng 8/2020. Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường EU ước đạt 425,3 triệu USD, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Các chuyên gia dự báo, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường EU trong nửa cuối năm 2021 giảm từ 10 - 12% so với nửa đầu năm 2021.

Để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nói chung và xuất khẩu sang thị trường EU nói riêng, ngày 7/9/2021, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã có Công văn số 68/HHG-VP gửi Thủ tướng chính phủ và các Bộ, ngành kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành gỗ để duy trì sản xuất và tái phục hồi. Theo đó, đề nghị nâng hạng ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động ngành gỗ từ mức 13/16 lên mức 8/16 trong bảng xếp hạng của Bộ Y tế; đề nghị các địa phương cho phép doanh nghiệp tự lựa chọn áp dụng phương thức “3 tại chỗ” hoặc “2 tại chỗ” tùy theo tình hình thực tế; cho phép người lao động của doanh nghiệp được di chuyển đến các tỉnh khác để làm việc sau khi đã tiêm đủ 2 hoặc 1 mũi vắc xin và thực hiện nghiêm túc 5K; cho phép các doanh nghiệp tự test Covid-19 đối với người lao động của mình và được các cơ quan chức năng công nhận kết quả test của doanh nghiệp....

Đồng thời đề nghị ngành ngân hàng giảm lãi suất đối với nguồn vốn vay hiện tại và vốn vay mới, với mức giảm lãi suất xuống còn từ 4-4,5%/năm thay vì mức lãi suất quá cao như hiện nay. Giãn nợ gốc và trả lãi từ 6 tháng tới 12 tháng để doanh nghiệp có đủ thời gian ổn định sản xuất; hỗ trợ cho doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất từ 3-6 tháng áp dụng đối với ngân hàng thương mại, với mức lãi suất thấp từ 2-3%....

Ngoài ra, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương bố trí quỹ đất để quy hoạch các khu, cụm công nghiệp tập trung ở các địa phương có nhiều doanh nghiệp ngành gỗ, nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp liên kết sản xuất tốt hơn, có hệ thống kho bãi chứa hàng và dự trữ nguyên liệu sản xuất đáp ứng nhu cầu mở rộng, phát triển sản xuất và kịp thời ứng phó trong bối cảnh bất thường khi hoạt động xuất/nhập khẩu gặp khó khăn.

Lưu Kỳ (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu