07:06 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Việt Nam thu về gần 4,8 tỷ USD từ xuất khẩu gạo trong năm 2023

17:30 02/01/2024

(THPL) - Đến nay, Việt Nam đã khẳng định được vị thế là quốc gia xuất khẩu gạo lớn, nằm trong top 3 cùng với Ấn Độ và Thái Lan. Nguồn cung gạo từ Việt Nam trong năm qua đã góp phần bảo đảm an ninh lương thực tại nhiều quốc gia.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, năm 2023, sản lượng lúa cả nước đạt 43,4 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm 2022. Giá trị xuất khẩu gạo đã đạt kỷ lục với 4,78 tỷ USD, tăng 38,4% so với năm 2022.

Giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam chỉ tính riêng trong 2 tháng gần đây, liên tục lập đỉnh và cao nhất là mốc 663 USD/tấn vào đầu tháng 12, là mức giá rất cao trong nhiều năm trở lại đây.

Trong năm 2023, thị trường gạo toàn cầu gặp nhiều biến động, nguồn cung hạn chế do thời tiết và chính sách hạn chế xuất khẩu của nhiều quốc gia. Giá gạo đã liên tục phi mã trong một số thời điểm từ nửa cuối tháng 7 và kéo dài cho tới thời điểm này. Bước sang năm 2024 các chuyên gia dự báo, giá gạo thế giới vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao vào năm 2024.

Theo nhận định của Bộ NN&PTNT, năm 2024, sản lượng gạo toàn cầu có thể đạt kỷ lục gần 520 triệu tấn, đồng thời, mức tiêu thụ cũng tiến sát 525 triệu tấn. Như vậy, thế giới sẽ thiếu hụt 5 triệu tấn gạo trong năm tới. Lượng gạo tồn kho toàn cầu giảm, chỉ còn hơn 160 triệu tấn. 

Trong khi đó, Ấn Độ, nhà xuất khẩu 40% tổng lượng gạo thế giới, có thể sẽ duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo trong năm 2024. Do đó, nhiều khả năng, giá gạo toàn cầu sẽ vẫn duy trì ở mức cao kỷ lục kể từ sau cuộc khủng hoảng gạo năm 2008. Giá gạo Việt Nam xuất khẩu dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao 640 - 650 USD/tấn trong những tháng đầu năm.

Xuất khẩu gạo thu về gần 4,8 tỷ USD trong năm 2023. Ảnh minh hoạ

Hiện, Việt Nam đã khẳng định được vị thế là quốc gia xuất khẩu gạo lớn, nằm trong Top 3 cùng với Ấn Độ và Thái Lan. Nguồn cung gạo từ Việt Nam trong năm qua đã góp phần bảo đảm an ninh lương thực tại nhiều thị trường.

Về thị trường xuất khẩu, Philippines là thị trường số 1 của gạo Việt Nam chiếm khoảng 35% thị phần gạo xuất khẩu. Trong 11 tháng năm 2023, lượng gạo xuất sang quốc gia này đạt 2,63 triệu tấn, tương ứng 1,41 tỷ USD. Tiếp đến là Indonesia, Trung Quốc và các quốc gia châu Phi. Hiện một số nước, trong đó, có bạn hàng lớn của Việt Nam là Indonesia, Philipines nói rằng sẽ tăng nhập khẩu gạo từ Việt Nam trong năm tới, phục vụ nhu cầu tiêu dùng và đảm bảo dự trữ. Trong đó, Indonesia dự báo tăng nhập khẩu khoảng 600.000 tấn trong năm 2024.

Với những thuận lợi trên, phía Bộ Công thương cho rằng, giá gạo đang khá thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhưng để tránh rủi ro từ thị trường Ấn Độ, doanh nghiệp sẽ phải chủ động nắm bắt thông tin, chuẩn bị kịch bản sản xuất kinh doanh, dự trữ và ký kết các đơn hàng xuất khẩu mới khi giá gạo có biến động.

Bên cạnh đó, thách thức lớn nhất là gạo Việt Nam đa phần chưa có thương hiệu; tỷ trọng xuất khẩu các sản phẩm chất lượng thấp vẫn còn cao… Do đó, để duy trì tăng trưởng bền vững, ngành lúa gạo cần tiếp tục cơ cấu lại theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị và bảo đảm gia tăng về giá trị hơn số lượng.

Theo đó, mối liên kết của các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân được khuyến khích cần đẩy mạnh nâng cao chất lượng, chuyển dịch cơ cấu, chủng loại... nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phù hợp với Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đến năm 2030.

Liên quan đến xuất khẩu gạo, GS TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia ngành lúa gạo nhấn mạnh, ngành lúa gạo cần kiên trì chiến lược phát triển hạt gạo theo hướng chất lượng và giá trị. Phát triển nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam theo hướng hiện đại, thân thiện môi trường hay còn gọi là nền nông nghiệp Net Zero. Phát triển vựa lúa-cá-tôm-trái cây ở đồng bằng sông Cửu Long theo hướng "thuận thiên" mà Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu đã vạch ra.

Hiện các doanh nghiệp lớn của cả nước như Tập đoàn Lộc Trời, Tập đoàn Tân Long, Tập đoàn Thái Bình Seed… đã và đang “bắt tay” với người nông dân nhằm tạo ra chuỗi cung ứng bền vững cho ngành lúa gạo. Đồng thời dần hướng tới sản xuất gạo theo đúng tiêu chuẩn mà thị trường yêu cầu. Sản xuất thứ mà thế giới cần thay vì thứ mà ta có chính là giải pháp quan trọng giúp phát triển bền vững ngành lúa gạo Việt Nam.                                 

Tú Chi (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu