07:26 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Ấn Độ có thể ​​duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo đến năm 2024, gạo Việt hưởng lợi?

Tú Linh (t/h) | 16:14 20/11/2023

(THPL) - Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, dự kiến duy trì hạn chế xuất khẩu trong năm tới. Động thái này có thể khiến giá gạo tiếp tục neo ở mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008.

Giá gạo thấp hơn và lượng hàng dự trữ dồi dào đã giúp Ấn Độ trở thành một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới trong thập niên qua. Nước này chiếm gần 40% thương mại gạo toàn cầu trong năm 2022. Các quốc gia châu Phi như Benin và Senegal nằm trong số những nước mua gạo hàng đầu từ Ấn Độ.

Tuy nhiên, Thủ tướng Narendra Modi, người sẽ tái tranh cử vào năm tới, đã nhiều lần thắt chặt các hạn chế đối với xuất khẩu gạo nhằm kiểm soát giá trong nước và bảo vệ người tiêu dùng Ấn Độ.

Liên quan đến xuất khẩu gạo, trước đó ngày 20/7, Ấn Độ cấm xuất khẩu một số loại gạo đã khiến giá gạo toàn cầu tăng vọt thêm 100 USD/tấn.

Ấn Độ có thể ​​duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo đến năm 2024. Ảnh minh hoạ

Trong diễn biến liên quan, El Nino đang ảnh hưởng đáng kể đến việc sản xuất lương thực ở châu Á – khu vực chiếm đến 90% sản lượng gạo toàn cầu. Thị trường toàn cầu sẽ càng khó khăn hơn khi hiện tượng thời tiết cực đoan này ảnh hưởng nặng nề đến việc sản xuất gạo ở các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Indonesia, với thời gian ảnh hưởng lên đến 100%.

Không những vậy, ngoài hiện tượng El Nino có thể kéo dài trong nhiều tháng, việc sản xuất lúa gạo của khu vực châu Á còn bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan khác như: Lũ lụt lớn ở Pakistan do Biển Ả Rập ấm lên khiến mùa màng thiệt hại nặng nề.

Tất cả những tình trạng trên đang đè nặng lên triển vọng phục hồi sản xuất gạo của thị trường châu Á nói riêng và toàn cầu nói chung, buộc các quốc gia phải đưa ra giải pháp phù hợp để đảm bảo nguồn cung lương thực trong nước và quốc tế, tránh xảy ra tình trạng khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Chính sách của Ấn Độ được cho mang lại lợi ích lớn cho người tiêu dùng tại quốc gia đông dân nhất thế giới nhưng lại gây khó khăn cho nhiều nhóm dân cư ở các nước châu Á và châu Phi, nơi hàng tỷ người phụ thuộc vào nguồn cung gạo.

Đơn cử như ở Tây Phi, Nigeria nằm trong số những nước bị ảnh hưởng lớn bởi chi phí gia tăng. Gạo, nguyên liệu chính để làm món jollof, món ăn phổ biến tại nhiều gia đình Nigeria, đã tăng 61% trong tháng 9. Lạm phát lương thực hàng năm đã tăng lên 30,6% trong tháng đó khi lạm phát chung tăng 26,7% - tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 8/2005.

Ngành gạo Mỹ cho rằng lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ là không cần thiết. Peter Bachmann, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của USA Rice cho biết: “Ấn Độ hiện có quá đủ lượng dự trữ”. “Trong khi các nhà xuất khẩu đang được hưởng lợi lớn trong ngắn hạn, khi Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm trong những tháng tới, họ sẽ một lần nữa bóp méo đáng kể giá gạo thế giới”.

Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được hưởng lợi lâu dài từ cơ hội này nếu như Việt Nam đa dạng hóa, mở rộng thị trường. Theo ông Phạm Thái Bình - tổng giám đốc Công ty CP công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) cho rằng, Ấn Độ đang xem xét lệnh cấm xuất khẩu gạo, nguồn cung gạo trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng. Chưa kể, giá gạo Thái Lan tăng do đồng baht tăng giá trở lại khiến chúng ta có lợi thế rất lớn về xuất khẩu.

Gạo là lương thực chính của gần một nửa dân số thế giới, 90% nguồn cung toàn cầu đến từ châu Á. Khi Ấn Độ (chiếm khoảng 40% hoạt động thương mại gạo trên toàn cầu) cân nhắc cấm xuất khẩu hầu hết các loại gạo, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho rằng Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn.

Tương tự, ông Nguyễn Duy Thuận, tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, nhìn nhận: "Ấn Độ cấm xuất khẩu là một cơ hội cho gạo Việt Nam và Thái Lan có thể bán được cao giá hơn. Đồng thời tiêu thụ hết lượng lúa hàng hóa tăng thêm do năng suất tăng từ vụ đông xuân 2023. Cơ hội này cũng tạo điều kiện để khách hàng quốc tế nhìn nhận Việt Nam là một nguồn cung cấp lương thực ổn định, đáng tin cậy cho nhu cầu lương thực thế giới".

Theo ông Nguyễn Duy Thuận, để có thể tận dụng cơ hội này, gạo Việt Nam cần chứng minh được các điều kiện khác nhau như: chất lượng an toàn, phù hợp với từng thị trường tiêu thụ; truy xuất được nguồn gốc để tạo lòng tin với người tiêu dùng và cơ quan quản lý; bảo vệ môi trường để sản xuất bền vững; liên kết chặt các khâu trong chuỗi sản xuất, kinh doanh để giảm chi phí giá thành...

Ngoài ra, ký hợp đồng bán dài hạn để các đối tác yên tâm mua hàng ổn định, nông dân yên tâm sản xuất; hệ thống tín dụng cung cấp đủ vốn để sản xuất, lưu kho và tái đầu tư thiết bị chế biến.

"Nếu làm được các điều này thì Việt Nam có thể chuyển cơ hội riêng lẻ này thành nền tảng sản xuất và cung ứng bền vững cho thị trường lương thực quốc tế", ông Thuận nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến xuất khẩu gạo, ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, Ấn Độ đang xuất khẩu gạo tới hơn 150 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Việc hạn chế xuất khẩu gạo trắng từ quốc gia này sẽ tạo cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam trong thời gian tới, vì người mua chuyển hướng sang gạo của Thái Lan và Việt Nam.

"Tuy nhiên, gạo Việt cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo trong dài hạn; phối hợp với nông dân để nâng cao chuỗi giá trị toàn ngành, đảm bảo gia tăng cả về giá lẫn sản lượng gạo xuất khẩu", ông Nam cho biết.

Trước đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã nâng dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay tiếp tục vượt 7 triệu tấn, chủ yếu do nhu cầu từ một số quốc gia châu Á gia tăng. Với dự báo này, Việt Nam sẽ đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu gạo trong năm nay, sau Ấn Độ (khoảng 22,5 triệu tấn) và Thái Lan (khoảng 8,5 triệu tấn), chiếm 12,7% thương mại gạo toàn cầu..

Tú Linh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu