09:46 ngày 29/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Dự báo xuất khẩu gạo tiếp tục thuận lợi trong năm 2024

17:44 22/12/2023

(THPL) - Năm 2024, xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục thuận lợi do thế giới thiếu hụt 5 triệu tấn gạo và Ấn Độ có khả năng sẽ duy trì hạn chế xuất khẩu gạo sang năm tới.

Hiện, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam vẫn giữ ở mức cao kỷ lục 663 USD/tấn. Vùng giá này đã được duy trì từ đầu tháng 12 tới nay.  Xuất khẩu gạo lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 11/2023 đạt 7,75 triệu tấn về sản lượng và 4,41 tỷ USD về giá trị, tăng tương ứng 16,2% và 36,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Phân tích tình hình thị trường xuất khẩu gạo năm 2024, lãnh đạo Cục Chất lượng - Chế biến và Phát triển thị trường cho biết, sản lượng gạo toàn cầu có thể đạt kỷ lục gần 520 triệu tấn, đồng thời mức tiêu thụ cũng tiến sát 525 triệu tấn. Như vậy, thế giới sẽ thiếu hụt 5 triệu tấn gạo trong năm tới. Hơn nữa, lượng gạo tồn kho toàn cầu giảm, chỉ còn hơn 160 triệu tấn nên đây là thời cơ lớn cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Ngoài ra, nhu cầu nhập khẩu của các nước sẽ biến động. Một số quốc gia sẽ giảm nhập như Brazil, Ai Cập, Ghana…, nhưng một số nước, trong đó có bạn hàng lớn của Việt Nam là Indonesia, lại dự báo tăng nhập khoảng 600.000 tấn, hay như Philippines - một đối tác quan trọng khác của Việt Nam – ngay trong năm 2023 này ước nhập khẩu  hơn 2,8 triệu tấn gạo, trong đó: 90% khối lượng nhập là từ Việt Nam; 4,5% từ Thái Lan (126.560 tấn); 4,3% từ Myanmar (120.538 tấn), còn lại đến từ Pakistan, Ấn Độ, Campuchia.

Dự báo xuất khẩu gạo tiếp tục thuận lợi trong năm 2024. Ảnh minh hoạ

Dự báo về thị trường nửa đầu năm 2024, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, xuất khẩu gạo tiếp tục thuận lợi do nhu cầu thế giới cao. Chính vì vậy, ngành hàng gạo trong nước tiếp tục tận dụng thời cơ, đưa ra các giải pháp phù hợp để phát triển bền vững. Nội dung này cũng được nhiều doanh nghiệp, chuyên gia quốc tế quan tâm trong thời gian tham gia Festival Quốc tế lúa gạo Việt Nam tại Hậu Giang vừa qua.

Một số khách hàng đến từ Trung Quốc sau khi tiếp xúc, tìm hiểu về doanh nghiệp, họ đã cam kết bao tiêu từ 150.000 - 200.000 tấn gạo mỗi năm được sản xuất từ nhà máy chế biến gạo của Tập đoàn Tân Long. Theo đại diện doanh nghiệp, nhờ có hệ thống silo trữ lúa lớn, giữ chất lượng lúa được tươi lâu và đồng đều qua thời gian dài, doanh nghiệp tự tin có thể đáp ứng được yêu cầu của các thị trường lớn.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhận định, thời gian qua thị trường lúa gạo có nhiều biến động và khó đoán định do một số nước dừng xuất khẩu, các vấn đề địa chính trị, xung đột toàn cầu, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan. Theo kịch bản an toàn nhất mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính toán, mỗi năm Việt Nam còn dư khoảng 13 - 14 triệu tấn lúa, tương đương hơn 7 triệu tấn gạo. Do đó, ngành nông nghiệp Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các quốc gia để ký các bản ghi nhớ về cung cấp lúa gạo trong thời gian dài.

Theo khuyến nghị của Thứ trưởng Trần Thanh Nam, trong tình hình nguồn cung gạo thiếu hụt so với như cầu, các quốc gia nhập khẩu gạo nên “đặt hàng trước” với Việt Nam bằng việc ký kết các bản ghi nhớ. Điều này sẽ giúp Việt Nam có thêm động lực để xây dựng những vùng nguyên liệu chuyên canh phục vụ xuất khẩu, giúp ích trực tiếp cho người nông dân...

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023 - 2024 sẽ đạt gần 518 triệu tấn. Trong khi tổng mức tiêu thụ là 525 triệu tấn, tăng 2,8 triệu tấn so với năm trước. Chính vì vậy, dự báo nhu cầu nhập khẩu sẽ tăng, trong đó có Philippines. 

Với những nhận định về thị trường lúa gạo thế giới, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ tập trung cắt bớt các khâu trung gian để giảm giá bán, tập trung công tác khuyến nông để giúp người nông dân sản xuất một cách bền vững, hiệu quả.

Thanh Mai (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu