02:36 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Xuất khẩu gạo ghi nhận mức tăng kỷ lục sau 8 tháng

Tú Anh (T/h) | 11:50 11/09/2023

(THPL) - Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo trong 8 tháng qua đạt gần 6 triệu tấn, tăng tới 20% so cùng kỳ và hoàn thành 89% kế hoạch cả năm. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay.

Với mức xuất khẩu trên đã đưa kim ngạch xuất khẩu gạo 8 tháng lên gần 3,2 tỷ USD, tăng hơn 34% về giá trị. Trong số các thị trường nhập khẩu, Philippines, Trung Quốc, Indonesia và Gana nhập khẩu gạo của Việt Nam nhiều nhất với mức tăng trưởng 3% đến gần 1.500% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo dự báo, trong 4 tháng cuối năm 2023, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhờ số lượng đơn hàng hàng tốt từ nhiều thị trường mới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu lo ngại nguồn cung không đủ đáp ứng, do nhu cầu ở nhiều nước trên thế giới tăng đột biến.

Liên quan đến xuất khẩu gạo, tại hội nghị ở Cần Thơ đầu tháng 8/2023, ông Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông (ORICO) dẫn số liệu từ USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ) đánh giá tỷ lệ tồn kho trên tỷ lệ tiêu dùng của Việt Nam chỉ khoảng 11% trong khi đó mức an toàn khoảng 22%. Sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ đến thời điểm này, con số chỉ còn 8,5%.

Theo ông Việt Anh, việc thực hiện hợp đồng của các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nếu không có gạo giao. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng, ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp. Vì vậy, ông rất mong cơ quan chức năng có biện pháp bình ổn thị trường.

Xuất khẩu gạo ghi nhận mức tăng kỷ lục sau 8 tháng. Ảnh minh hoạ

Liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hoá, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2023 ước đạt 32,37 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng trước, đánh dấu tháng thứ 4 liên tiếp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng.

Về nguyên nhân xuất khẩu phục hồi, theo Thứ trưởng  Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, đến từ những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều chính sách được ban hành kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tiễn, hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp.

Từ nay đến cuối năm 2023, dù có những tín hiệu tích cực, song dự báo bối cảnh kinh tế thế giới cũng còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Để thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, cần tiếp tục hỗ trợ tối đa trong tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, giảm chi phí cho doanh nghiệp,… qua đó doanh nghiệp xuất nhập khẩu có động lực duy trì sản xuất kinh doanh, có nguồn vốn nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu theo các đơn hàng mới.

Để mở rộng thị trường xuất khẩu, Bộ Công Thương đang phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan, các địa phương, doanh nghiệp, các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài để đẩy mạnh công tác phát triển thị trường, các hoạt động xúc tiến thương mại, tháo gỡ rào cản, vướng mắc, cảnh báo sớm về biện pháp phòng vệ thương mại của các nước, đặc biệt là các nước mà Việt Nam đang có kim ngạch xuất khẩu lớn để hỗ trợ cho doanh nghiệp kịp thời, cụ thể và hiệu quả nhất.

Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các FTA, trong đó đặc biệt là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA, hay các Hiệp định FTA mới với Israel để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các Hiệp định.

Tú Anh (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu