02:14 ngày 27/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Xăng dầu tăng mạnh khiến CPI quý I tăng 1,92%

18:59 29/03/2022

(THPL) - Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Ba tăng 0,7% so với tháng Hai và CPI bình quân quý I tăng 1,92% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá nhà ở thuê tăng trở lại sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát; giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và giá xăng dầu là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2022 tăng.

Cụ thể, CPI tháng 3 tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 1,91% so với tháng 12/2021 và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm ngoái. CPI bình quân quý I tăng 1,92% so với cùng kỳ năm 2021.

Lạm phát cơ bản tháng 3 tăng 0,29% so với tháng trước, tăng 1,09% so với cùng kỳ năm trước. Quý I, lạm phát cơ bản bình quân tăng 0,81% so với bình quân cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,92%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng.

Báo Dân trí đưa tin, cũng theo Tổng cục Thống kê, giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới. Chỉ số giá vàng tháng 3/2022 tăng 4,51% so với tháng trước; tăng 9,36% so với cùng kỳ năm trước; bình quân quý I năm 2022, chỉ số giá vàng trong nước tăng 3,52%.

 Ảnh minh họa

Liên quan đến chỉ số giá tiêu dùng, theo TTXVN, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết CPI trong quý I năm nay vẫn thấp hơn mức tăng của quý I các năm 2017-2020.

Theo bà Oanh, giá nhiên liệu thế giới và giá nhà ở thuê tăng trở lại sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, cộng thêm giá các loại hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu “ăn theo” giá nguyên liệu đầu vào và giá xăng dầu, là những nguyên nhân chính khiến CPI tháng Ba tăng 0,7% so với tháng Hai.

Cụ thể, chỉ số giá nhóm giao thông tăng tới 4,8%, ảnh hưởng từ việc giá xăng, dầu trong nước tăng trên 13% (tại đợt điều chỉnh ngày 1/3; 11/3 và 21/3).

Trong quý, giá xăng dầu tổng cộng đã điều chỉnh 7 đợt, theo đó giá xăng A95 tăng 5.900 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 5.780 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 6.060 đồng/lít. Như vậy, bình quân quý I, giá xăng dầu trong nước tăng gần 49% so với cùng kỳ và tác động làm CPI chung tăng 1,76 điểm phần trăm. Ngoài ra, giá gas trong nước cũng biến động theo giá gas thế giới, bình quân quý này giá gas đã tăng 21,04% so với cùng kỳ, góp phần làm CPI chung tăng 0,31 điểm phần trăm.

Bà Oanh phân tích kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi, theo đó nhu cầu nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao, trong khi nguồn cung bị đứt gãy khiến giá cả hàng hóa trên thị trường quốc tế có xu hướng tăng mạnh.

Điều này khiến cho áp lực lạm phát tăng cao tại nhiều nước, gồm cả những nền kinh tế hàng đầu (như Mỹ, Nhật Bản và các nước châu Âu). Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tháng Hai đã tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2021 và đây là mức cao nhất kể từ tháng 1/1982. Tương tự, Nhật Bản ghi nhận tháng thứ 6 liên tiếp có chỉ số giá tiêu dùng tăng hay lạm phát tại Anh cũng đánh dấu mức cao nhất trong 30 năm qua.

Thêm vào đó, xung đột giữa Nga và Ukraina cùng các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ và các nước đối với Nga (nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất và xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ hai trên thế giới) đã đẩy giá năng lượng toàn cầu lên cao, đặc biệt nguồn cung giảm mạnh cho các nước châu Âu (vốn phụ thuộc đáng kể vào việc nhập khẩu năng lượng từ Nga). Ngoài ra, Nga cũng là nước xuất khẩu phân bón và lúa mì quan trọng. Do vậy, tình trạng thiếu hụt hai mặt hàng này cũng làm tăng giá lương thực toàn cầu và gây áp lực lạm phát thêm trầm trọng.

Phương Linh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu