03:46 ngày 22/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

CPI của cả nước tăng 1,94% trong tháng 1/2022

Bảo An (tổng hợp) | 18:24 30/01/2022

(THPL) - Tháng 1/2022 là tháng cận Tết Nguyên đán 2022 nên nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Do đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 0,19% so với tháng trước.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tháng 1/2022 là tháng giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần nên nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo quy luật tiêu dùng vào dịp Tết; giá xăng dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới là những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2022 tăng 0,19% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2021, CPI tháng 1/2022 tăng 1,94%; lạm phát cơ bản tháng 1/2022 tăng 0,66%.

Được biết, CPI tháng 1/2022 tăng 0,19% trong đó: khu vực thành thị tăng 0,2%; khu vực nông thôn tăng 0,19%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 7 nhóm tăng giá và 4 nhóm giảm giá.

Theo TTXVN cho hay, các nhóm hàng tăng giá, gồm: nhóm giao thông tháng 1/2022 tăng cao nhất với 14,55% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 1,41 điểm phần trăm; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 3,51% so với cùng kỳ năm trước do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 8,23% theo giá nguyên vật liệu đầu vào. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,75% chủ yếu do chi phí vận chuyển tăng và nguồn cung thuốc lá giảm.

Bên cạnh đó, nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tháng 1/2022 tăng 0,88% so với cùng kỳ năm trước; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,22%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,25%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,57%.

CPI của cả nước tăng 1,94% trong tháng 1/2022. Ảnh minh họa

Ở chiều ngược lại, có 4 nhóm hàng giảm giá: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,14% chủ yếu do giá thực phẩm giảm 1,69%. Nhóm giáo dục giảm 3,78% do trong học kỳ I năm học 2021-2022, một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương miễn, giảm học phí. Nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,65% do giá phụ kiện điện thoại thông minh giảm. Nhóm văn hóa, giải trí, du lịch giảm 0,11% do giá du lịch trọn gói và giá khách sạn, nhà khách giảm khi chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19.

Theo Tổng cục Thống kê, một số nguyên nhân làm giảm CPI tháng 1/2022 so với cùng kỳ năm trước như: giá thực phẩm tháng 1/2022 giảm 0,09% so với tháng trước do Trung Quốc siết chặt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 tại một số cửa khẩu khiến nông sản của Việt Nam bị ùn tắc, thương lái ngừng mua làm cho giá rau tươi, khô và chế biến giảm 6,05% so với tháng trước, trong đó giá su hào giảm 16,72%; bắp cải giảm 12,47%; đỗ quả tươi giảm 9,42%. Giá quả tươi và chế biến tháng 01/2022 giảm 0,59% so với tháng trước, chủ yếu ở mặt hàng thanh long và dưa hấu.

Báo VnExpress thông tin thêm, lạm phát là một trong những vấn đề được chú ý của năm nay. Theo giới phân tích, khi nền kinh tế thế giới dần phục hồi, giá cả hàng hóa có xu hướng gia tăng, một số mặt hàng như xăng dầu đã tăng rất cao, nhiều nước phát triển đã ghi nhận mức lạm phát cao nhất lịch sử. Với nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam khó tránh khỏi làn sóng này.

Bên cạnh đó, áp lực lạm phát cũng có thể đến từ gói hỗ trợ kinh tế mới được thông qua. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội lo ngại lạm phát có thể tăng mạnh khi đưa tiền vào lưu thông và kích ở cả phía cung và cầu.

Bảo An (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu