14:26 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

CPI tháng 10 giảm 0,2%, dự báo tăng trong những tháng cuối năm

21:22 29/10/2021

(THPL) - Tính chung 10 tháng năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản 10 tháng tăng 0,84%.

Theo tin từ Tổng cục Thống kê, dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, nhiều địa phương nới lỏng giãn cách giúp lưu thông, vận chuyển hàng hóa thuận lợi, nhu cầu tích trữ hàng tiêu dùng của người dân giảm. Đồng thời, nguồn cung hàng hóa được đảm bảo khiến giá lương thực, thực phẩm trong tháng giảm.

So với tháng trước, CPI tháng 10/2021 giảm 0,2% (khu vực thành thị giảm 0,2%; khu vực nông thôn giảm 0,21%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 3 nhóm giảm giá so với tháng trước, 8 nhóm tăng giá. 

Theo báo VTC News, 3 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức giảm cao nhất với 1,28% do nguồn cung dồi dào. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 10/2021 giảm 0,26%, chủ yếu do giá tiền thuê nhà giảm để hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong đại dịch COVID-19; giá điện sinh hoạt, nước sinh hoạt giảm do thời tiết sang thu nên nhu cầu sử dụng giảm. Và nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,04%, tập trung giảm ở giá điện thoại di động và phụ kiện điện thoại di động đối với các mẫu hàng cũ.

CPI tháng 10 giảm 0,2%, dự báo tăng trong các tháng cuối năm. Ảnh minh họa

Theo Tổng cục Thống kê, trong 8 nhóm hàng tăng giá, nhóm giao thông có mức tăng so với tháng trước cao nhất với 2,51% làm CPI chung tăng 0,24 điểm phần trăm do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào ngày 25/9/2021, 11/10/2021 và 26/10/2021; trong đó, giá xăng A95 tăng 2.940 đồng/lít, giá xăng E5 tăng 2.970 đồng/lít, giá dầu diezen tăng 2.690 đồng/lít.

Nhóm giáo dục tháng 10/2021, tăng 0,25% so với tháng trước làm CPI chung tăng 0,02 điểm phần trăm; trong đó, dịch vụ giáo dục tăng 0,22% do một số địa phương tăng học phí mầm non, học phí đại học mặc dù có một số địa phương đã thực hiện miễn, giảm học phí năm học 2021 - 2022…

Trước những thông tin trên, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê dự báo, từ nay tới cuối năm, các yếu tố khiến CPI giảm trong thời kỳ giãn cách xã hội sẽ không còn, Các yếu tố này có thể làm cho CPI dùng của hai tháng cuối năm tăng cao so với mức tăng giá bình quân 10 tháng năm 2021.

Còn đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, một số nguyên nhân gây áp lực lên mặt bằng giá trong 2 tháng cuối năm như một số mặt hàng thiết yếu biến động tăng giá do chi phí nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển logistics tăng mạnh như: Thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật liệu xây dựng; giá mặt hàng xăng dầu, LPG trong nước tăng do tác động tăng mạnh từ giá xăng dầu thế giới; giá gạo trong nước có xu hướng tăng theo giá gạo xuất khẩu trong một số thời điểm đầu năm; giá một số mặt hàng thực phẩm tăng cục bộ vào thời điểm ngày lễ, Tết theo quy luật nhưng sớm trở lại bình thường sau Tết.

Tuy nhiên trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, đời sống kinh tế của người dân rất khó khăn khiến tổng cầu nền kinh tế chưa hồi phục; một số lĩnh vực vẫn chịu tác động mạnh của dịch bệnh như dịch vụ văn hóa, giải trí du lịch giảm mạnh, tiêu dùng cơ bản ở mức thấp, giá các mặt hàng thực phẩm cơ bản ổn định...Vì vậy, đại diện Bộ Tài chính dự báo, lạm phát cho cả năm 2021 cơ bản được kiểm soát ở mức thấp, đảm bảo chỉ tiêu do Quốc hội đã đề ra. Theo đó, dự báo CPI bình quân năm 2021 so năm 2020 tăng khoảng 2,07 – 2,18%. CPI tháng 12/2021 so với tháng 12/2020 tăng khoảng 3,02 – 3,28%.

Báo Tin tức cho hay, theo đánh giá của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), diễn biến khủng hoảng năng lượng toàn cầu chưa tạo áp lực lớn cho các tháng cuối năm 2021, nhưng sẽ tạo áp lực rõ ràng lên kinh tế Việt Nam trong các năm 2022 khi giá nguyên, nhiên vật liệu ở mức cao chịu ảnh hưởng từ giá thế giới; nhu cầu tiêu dùng theo quy luật tăng trong dịp Tết Nguyên đán cũng như tổng cầu nền kinh tế sẽ có những hồi phục khi dịch bệnh được kiểm soát.

Giá xăng dầu trên thế giới sẽ tiếp tục ở mức cao, không loại trừ khả năng tiếp tục tăng khi nhu cầu của các nước vẫn ở cao trong quá trình tái hồi phục kinh tế; giá một số mặt hàng nguyên liệu cho sản xuất kinh doanh tiếp tục ở mức cao như: Sắt thép, phân bón, thức ăn chăn nuôi do nhu cầu thế giới vẫn ở mức cao và nguồn cung chưa đáp ứng; giá gạo có thể tăng nhẹ trong các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022; giá lợn hơi hiện ở mức rất thấp và dự báo khó có thể giảm sâu hơn...

Vì vậy CPI năm 2022 được một số chuyên gia kinh tế dự báo có thể vượt mức 4% nếu diễn biến chung trên thị trường thế giới có nhiều bất lợi trong trường hợp khủng hoảng năng lượng tiếp tục leo thang.

Bảo An (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu