15:12 ngày 22/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng nhẹ trong tháng 8/2021

Minh Đức (tổng hợp) | 14:49 29/08/2021

(THPL) - Theo số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố sáng 29/8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2021 tăng 0,25% so với tháng trước và tăng 2,82% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Tổng cục Thống kê, giá lương thực, thực phẩm tăng tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2021 tăng nhẹ so với tháng trước. Tuy nhiên, tính chung 8 tháng năm 2021, CPI tăng 1,79% so với cùng kỳ năm 2020 và là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản 8 tháng năm 2021 tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Báo Kinh tế và Đô thị cho hay, so với tháng trước, CPI tháng 8/2021 tăng 0,25%; trong đó, khu vực thành thị tăng 0,34%, cao hơn mức tăng 0,14% của khu vực nông thôn. Nguyên nhân chủ yếu do chỉ số giá nhóm lương thực, thực phẩm của khu vực thành thị có mức tăng cao.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 4 nhóm tăng giá so với tháng trước, 4 nhóm giảm giá, 3 nhóm giữ giá ổn định (nhà ở và vật liệu xây dựng; thiết bị và đồ dùng gia đình; hàng hóa và dịch vụ khác).

Chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng nhẹ trong tháng 8/2021. Ảnh minh họa

Theo Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), một số nguyên nhân làm tăng CPI trong 8 tháng năm 2021 là giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 14 đợt làm cho giá xăng A95 tăng 4.660 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 4.380 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 3.290 đồng/lít. So với cùng kỳ năm trước, giá xăng dầu trong nước bình quân 8 tháng năm nay tăng 22,86%, làm CPI chung tăng 0,82 điểm phần trăm.

Cùng với đó, giá dịch vụ giáo dục 8 tháng tăng 4,44% so với cùng kỳ năm trước làm CPI chung tăng 0,24 điểm phần trăm. Giá dịch vụ giáo dục tăng do ảnh hưởng từ đợt tăng học phí năm học mới 2020-2021 theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ.

Báo VOV đưa tin, bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, có một số nguyên nhân làm giảm CPI 8 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, giá các mặt hàng thực phẩm 8 tháng giảm 0,38% so với cùng kỳ năm trước...

Ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến người dân hạn chế đi lại. Theo đó giá vé tàu hỏa 8 tháng giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước; giá vé máy bay giảm 19,85%; giá du lịch trọn gói giảm 2,76%...Chỉ số giá vàng tháng 8 giảm 0,49% so với tháng trước.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 8/2021 giảm 0,02% so với tháng trước, tăng 0,98% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 8 tháng năm 2021, lạm phát cơ bản tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,79%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, giá xăng, dầu, điện và giá gas tăng.

Như vậy, mức lạm phát cơ bản tháng 8/2021 và 8 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước đều là mức thấp nhất kể từ năm 2011

CPI tháng 8/2021 của Hà Nội tăng 0,77%

Theo Cục Thống kê TP Hà Nội cho biết, chỉ số CPI tháng 8/2021 trên địa bàn tăng 0,77% so với tháng trước và tăng 2,81% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 8 tháng của năm 2021 tăng 1,49% so với bình quân cùng kỳ.

Trong tháng, có 8/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng so với tháng trước. Tăng cao nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, với mức tăng 2,21% (thực phẩm tăng 3,27%; lương thực tăng 0,74%), tác động làm tăng CPI chung 0,69%, nguyên nhân do trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, việc đi lại cung ứng hàng hóa lương thực, thực phẩm trên địa bàn cũng như với các tỉnh gặp nhiều khó khăn...

Có 2/11 nhóm hàng có chỉ số CPI giảm so với tháng trước là: Giao thông giảm 0,24% (tác động làm giảm CPI chung là 0,02%), do giảm giá xăng, dầu và nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,05%. So với tháng trước, chỉ số giá vàng giảm 0,52% và chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,41%.

Minh Đức (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu