19:28 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Big C tạm dừng nhập sản phẩm dệt may của doanh nghiệp Việt: Cần phải có quy định về tỷ lệ hàng Việt tại Big C

Mạnh Nghiệp | 08:57 08/07/2019

(THPL) - Vừa qua, Tập đoàn Central Group Việt Nam, đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị BigC, gửi thông báo tới các nhà cung cấp Việt Nam cho biết sẽ tạm ngừng đặt hàng may mặc của các nhà cung cấp theo hợp đồng hợp tác thương mại đã được ký kết giữa 2 bên. Việc ngừng nhập sản phẩm dệt may đã khiến nhiều nhà cung cấp sản phẩm may mặc cho Big C tại Việt Nam bất ngờ, hoang mang. Tuy nhiên, hãng này cho biết, việc đình chỉ đó chỉ là “tạm thời”.

Cụ thể, Tập đoàn Central cho biết nhằm chuẩn bị cho kế hoạch tái cấu trúc ngành hàng may mặc của Tập đoàn tại thị trường Việt Nam, đơn vị này quyết định tạm dừng hoạt động thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp ngành hàng may mặc tại Việt Nam, kể từ tháng 7/2019.

"Kể từ tháng 7 cho đến khi có thông báo mới, chúng tôi sẽ tạm thời ngừng đặt hàng của đối tác theo Hợp đồng Hợp tác Thương mại ký kết giữa đối tác và Central Group Việt Nam", thông báo của Central nêu rõ. Việc tạm ngừng đặt hàng tạm thời nói trên được lý giải là do có sự thay đổi chiến lược trong phát triển mô hình ngành hàng may mặc cho phù hợp với chỉ đạo của Tập đoàn Central tại Thái Lan. Sau động thái nói trên của "đại gia" Thái Lan, nhiều nhà cung cấp sản phẩm may mặc Việt Nam đang hợp tác với BigC đối diện với tình hình khó khăn.

Một số chuyên gia lo ngại, nếu tiền lệ này được thông qua, có thể hàng loạt các sản phẩm Việt Nam khác trong siêu thị do nước ngoài sở hữu, sẽ từng bước bị đẩy ra ngoài, nhường chỗ cho các sản phẩm ngoại nhập.

Bộ Công Thương đang nghiên cứu các giải pháp để bảo vệ hàng hóa trong nước tại hệ thống siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài (Ảnh: Internet)

Công văn của Central Group gửi các đối tác thông báo ngừng nhập hàng

Trao đổi với phóng viên Thương hiệu và Pháp luật về vấn đề này, Luật sư Lê Hiếu - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: “Về mặt nguyên tắc, theo tôi được biết, trong Luật Cạnh tranh có quy định bất kỳ doanh nghiệp bán lẻ nào cũng không được từ chối đối với đơn vị cung ứng nếu không có lý do chính đáng. Nếu không có lý do chính đáng mà tạm ngừng thì sẽ vi phạm Luật Cạnh tranh. Trước đó, ngay từ thời điểm Central Group mua lại hệ thống BigC năm 2016, BigC đã tỏ rõ quan điểm của mình là luôn ưu tiên hàng Việt Nam nhưng sau một thời gian hoạt động thì lời tuyên bố này đã trở thành vô nghĩa. Vì vậy, cần làm rõ hành động này của BigC mang mục đích gì, từ đó mới có giải pháp cho vấn đề này”.

Ngay sau khi việc Big C phân biệt đối xử với hàng Việt, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương chiều ngày 4/7, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình giao Bộ Công thương tìm hiểu thông tin Big C từ chối nhận hàng may mặc Việt Nam. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương kiểm tra liệu có tình trạng phân biệt đối xử với hàng hóa Việt Nam ngay trên lãnh thổ không? Ông cũng cho biết trước đó từng nghe những cảnh báo về tình trạng này.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương chiều 4/7, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết cơ quan này đã có cuộc họp với tập đoàn Central Group và đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam. Kết thúc buổi làm việc, Central Group cam kết ngay trong hôm nay (4/7) sẽ mở đơn hàng cho 50 trong số 200 nhà cung cấp hàng may mặc Việt Nam.

Về quan điểm của Bộ Công Thương trong vụ việc này, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Bộ đánh giá cao những gì nhà đầu tư nước ngoài như Central Group đã làm được như: Tạo việc làm, đóng góp thu ngân sách, thiết lập hệ thống bán lẻ, giúp tiêu thụ hàng nông sản, đưa hàng từ người sản xuất đến người tiêu dùng,.. “Quan điểm của chúng tôi một mặt là hoan nghênh và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng mặt khác kiên quyết bảo vệ quyền lợi của DN Việt Nam, người tiêu dùng, người dân Việt Nam”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định: “Việc giải quyết của Big C với 200 nhà cung cấp về mặt hàng may mặc trước hết là việc của doanh nghiệp, được giải quyết trên cơ sở hợp đồng đã ký với Big C và đối tác Việt Nam; phải tuân thủ quy định khác của pháp luật Việt Nam như các nội dung liên quan đến luật cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng... ”.

Theo các chuyên gia kinh tế và người tiêu dùng, các cơ quan nhà nước phải nhanh chóng vào cuộc để tránh những câu chuyện lặp lại như Big C. Trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long lên tiếng: “Trong quá trình hội nhập, Việt Nam đã ký rất nhiều Hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA)...

Thông qua các Hiệp định trên, có thể nhận thấy rằng trình độ sản xuất của chúng ta vẫn còn rất thấp mà trong quá trình hội nhập thì năng lực cạnh tranh là yếu tố quan trọng nhất. Quan điểm của cá nhân tôi thì các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc, thậm chí nếu có vi phạm Luật Cạnh tranh thì bên cạnh những chế tài và biện pháp quyết liệt cũng cần có ứng xử một cách kịp thời. Nếu chúng ta không xử lý một cách kịp thời, nghiêm minh theo đúng pháp luật thì những sự việc như trên chắc chắn sẽ còn tiếp diễn và tiếp tục gây hại cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, bản thân các doanh nghiệp cũng cần có sự nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Doanh nghiệp không thể cứ ỷ lại vào lòng tốt của các đối tác nước ngoài bởi đã đầu tư kinh doanh thì mục tiêu đầu tiên phải là lợi nhuận. Mặt hàng dệt may chỉ là mặt hàng đầu tiên chứ không phải là mặt hàng cuối cùng sẽ gặp phải trường hợp như trên, chỉ khi mặt hàng của Việt Nam có thế mạnh hơn thì các doanh nghiệp nước ngoài mới không thể thay thế bằng hàng của các nước khác được. Nếu các nhà sản xuất trong nước đưa ra những sản phẩm tốt, giá cả phải chăng, chắc chắn sản phẩm đứng vững trên thị trường, tận dụng được thế mạnh "sân nhà" để phát triển”.

Mạnh Nghiệp

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu