02:10 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Vụ án "Tranh chấp hôn nhân và gia đình" ở Phú Thọ: Hội đồng xét xử vi phạm nội dung vụ án? (Kỳ 2)

| 09:17 11/08/2017

(THPL) - Bản án phúc thẩm số 42/2016/HNGĐ-PT ngày 5/12/2016 của TAND tỉnh Phú Thọ xét xử vụ án “Tranh chấp hôn nhân và gia đình” mà anh Nguyễn Thế Nam là nguyên đơn đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, hội đồng xét xử vi phạm nội dung vụ án, xâm phạm đến quyền và lợi ích của gia đình anh? Bản án với nhiều tình tiết cần làm rõ, liệu có đủ căn cứ để thi hành án?

Vừa qua, Thương hiệu và Pháp luật nhận được đơn cầu cứu của anh Nguyễn Thế Nam (sinh năm 1972), ngụ xóm Quang Trung, xã Phúc Khánh, huyện Yên Lập, Phú Thọ.

Theo nội dung đơn cầu cứu, bản án phúc thẩm số 42/2016/HNGĐ-PT ngày 5/12/2016 của TAND tỉnh Phú Thọ xét xử vụ án “Tranh chấp hôn nhân và gia đình” mà anh Nguyễn Thế Nam là nguyên đơn, đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Đồng thời, trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử gồm Thẩm phán Nguyễn Việt Tiến - Chủ tọa phiên tòa, các Thẩm phán: Vũ Anh Tuấn, Vũ Tiền Bằng, đã vi phạm nội dung vụ án, xâm phạm đến quyền và lợi ích của gia đình anh.

Về vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, Thương hiệu và Pháp luật đã đăng tải trong bài viết: "Bản án của TAND tỉnh Phú Thọ vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng?".

Bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Phú Thọ được cho là vi phạm nghiêm trọng tố tụng và HĐXX vi phạm nội dung vụ án. 
Về vấn đề Hội đồng xét xử vi phạm nội dung vụ án, anh Nguyễn Thế Nam trình bày như sau:

Hội đồng xét xử phúc thẩm chỉ xem xét đến việc có chữ ký của vợ anh Nam - chị Đặng Thị Huyền, trên giấy tờ vay mượn và trên hợp đồng chuyển nhượng đất giữa gia đình anh Nam với Trịnh Thị Thùy để xác định đây là tài sản chung của vợ chồng Nam là xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của bố mẹ anh Nam, cụ thể:

Thứ nhất, nguồn gốc nhà, đất đang tranh chấp thuộc quyền sở hữu của bố mẹ anh Nam. Đây là đất cha ông để lại, không phải đất được Nhà nước giao.

Thứ hai, năm 1998, bố mẹ anh Nam tách đất cho riêng 2 anh em anh Nam, nhưng UBND huyện Yên Lập lại cấp sổ đỏ ghi tên "Hộ anh Nguyễn Thế Nam". Do đó, anh Nam thắc mắc:

UBND huyện Yên Lập khi cấp sổ đỏ cho anh Nam có thể hiện ý chí chủ quan của bố mẹ anh Nam là chỉ cho riêng con trai hay không? Việc bố mẹ anh Nam chỉ cho riêng anh Nam thể hiện rất rõ tại Đơn xin tách đất thổ cư.

Năm 1998, anh Nam và chị Huyền vẫn ở chung với bố mẹ anh Nam, có tên trong hộ khẩu gia đình nhưng không đứng tên là chủ hộ. Vậy anh Nam là chủ hộ khi nào, có phải hộ độc lập không mà khi cấp sổ đỏ UBND huyện Yên Lập lại xác định "Hộ anh Nguyễn Thế Nam"?. Anh Nam cho biết đến năm 2007, anh Nam mới được bố đẻ cho thay ông đứng tên chủ hộ trong sổ hộ khẩu gia đình.

Tuy nhiên, Tòa án cấp phúc thẩm đã không xem xét đến 2 căn cứ này mà lại cho rằng hộ anh Nam có chị Huyền. Nếu tòa tính hộ gia đình thì sẽ có 6 nhân khẩu và cả 6 nhân khẩu đều có quyền và nghĩa vụ ngang nhau đối với tài sản này.

Thứ ba, theo quy định của pháp luật, chỉ khi Nhà nước giao đất cho hộ gia đình thì mục "Người sử dụng đất" trên sổ đỏ mới ghi tên là "Hộ gia đình", còn đất tặng cho, thừa kế thì phải thể hiện ý chí, nguyện vọng của người tặng cho, người để lại di sản thừa kế.

Thứ tư, Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ vào 02 giấy tờ để xác định tài sản chung của anh Nam và chị Huyền là trái pháp luật, bởi:

Khi vay tiền ngân hàng, làm thủ tục công chứng, công chứng viên thường yêu cầu cả hai vợ chồng cùng ký tên vào văn bản công chứng. Việc vợ hoặc chồng cùng ký tên không có nghĩa tài sản đó là tài sản chung của vợ và chồng mà chỉ xác định nghĩa vụ cùng thanh toán của vợ và chồng cho ngân hàng. Nên Tòa án cấp phúc thẩm xác định, chị Huyền ký tên vào các văn bản để vay tiền ngân hàng thì đương nhiên chị Huyền là đồng sở hữu là trái với pháp luật.

Khi chuyển nhượng đất cho chị Trịnh Thị Thùy, theo yêu cầu của chị Thùy, cả gia đình gồm 4 người: bố, mẹ anh Nam, anh Nam, chị Huyền phải cùng có tên và ký tên trong hợp đồng chuyển nhượng để tránh xảy ra tranh chấp sau này. Việc chị Huyền ký tên không có nghĩa là chị Huyền là đồng sở hữu.

"Nếu cho rằng, đây là tài sản chung của tôi và chị Huyền dựa trên sổ đỏ, giấy tờ vay tiền và có hợp đồng chuyển nhượng thì chưa đầy đủ", anh Nam nói.

Bởi lẽ, theo anh Nam, trong sổ đỏ ghi “Hộ anh Nam”, mà tại thời điểm “Hộ anh Nam” có 6 người, gồm: bố, mẹ anh Nam, anh Nam, chị Huyền, 2 cháu nội (Nguyễn Song Lâm và Nguyễn Sinh Trường). Như vậy, phải chia cho 6 khi tranh chấp đất đai. Thực chất, anh Nam chưa đứng tên chủ hộ độc lập.

Ngoài ra, trong các giấy tờ vay ngân hàng và chuyển nhượng đất có ghi đồng sở hữu là 4 người, gồm: bố, mẹ anh Nam, anh Nam, chị Huyền và có đủ chữ ký của 4 người. Như vậy, phải chia cho 4 người khi tranh chấp đất đai.

Từ những luận cứ nêu trên, anh Nam bức xúc cho rằng: Phải chăng Tòa án cấp phúc thẩm đã không xem xét đầy đủ nguồn gốc đất đai, chứng cứ tài liệu có trong hồ sơ để rồi xác định sai quyền lợi của chị Huyền với tài sản chung là nhà, đất; bỏ sót quyền lợi của bố mẹ anh Nam đối với nhà, đất đang tranh chấp?

Một bản án với nhiều tình tiết cần phải làm rõ, liệu có đủ căn cứ để thi hành án hay không?

Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Kỳ 3: Vụ án "Tranh chấp hôn nhân và gia đình": TAND tỉnh Phú Thọ không xem xét đầy đủ chứng cứ đối với các khoản vay nợ? 

Nhóm PV

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu