15:35 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Vụ 42 ô tô rơi xuống biển Quảng Nam: Bảo Việt đang né trách nhiệm với đối tác Phương Anh?

HUÊ MINH | 20:09 01/06/2024

(THPL) - Đã hơn 05 tháng kể từ thời điểm 42 xe ô tô rơi xuống biển mất tích và 03 xe ô tô bị hư hỏng, Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Phương Anh (Công ty Phương Anh) vẫn chưa nhận được bồi thường tổn thất. Dù đã nhiều lần kiến nghị nhưng phía Tổng Công ty bảo hiểm Bảo Việt (HOSE: BVH) vẫn chưa có câu trả lời chính thức “có hay không” bồi thường cho Phương Anh.

Tháng 12/2023, Công ty Phương Anh đã thuê Công ty cổ phần Vận tải biển Vinafco (Công ty Vinafco; UPCOM: VFC) vận chuyển 15 container (bên trong có 45 xe ô tô, gồm: 29 xe điện, 16 xe xăng) từ cảng Chùa Vẽ (Hải Phòng) đi cảng Bến Nghé (TP Hồ Chí Minh). Các container được sắp xếp trên tàu Morning Vinafco, khởi hành từ ngày 20/12/2023 đến 22/12/2023 thì cập cảng Tiên Sa (Đà Nẵng).

Theo Công ty Vinafco, đến 17h30 ngày 22/12/2023, tàu rời cảng Tiên Sa tiếp tục hành trình, khi đến vùng biển Quảng Nam thì gặp phải thời tiết xấu, gió Đông Bắc cấp 7 giật cấp 8 - 9, biển động mạnh, sóng cao khoảng 6m làm con tàu lắc ngang rất mạnh khiến 37 container hàng hóa trên tàu rơi xuống biển, mất tích, trong đó có 14 container của Công ty Phương Anh (01 container còn lại bị nghiêng khiến các xe ô tô bên trong bị va đập, hư hỏng).

Tàu Morning Vinafco gặp sự cố khiến 37 container rơi xuống biển

Đối với lô hàng 15 container này, trước đó Công ty Phương Anh đã ký Hợp đồng nguyên tắc bảo hiểm hàng hóa số TCT.DBHH.HH.23.HD82 với Công ty Bảo Việt. Nội dung Hợp đồng ghi rõ: Hàng hóa được bảo hiểm là xe ô tô nguyên chiếc các loại và linh kiện, phụ tùng xe ô tô mới; Xe ô tô nguyên chiếc được vận chuyển bằng phương thức tàu biển hoặc phương tiện chuyên dùng để chở ô tô, hàng vận chuyển nội địa bằng đường thủy nội địa và đường biển.

Khi sự cố xảy ra, Công ty Phương Anh đã thông báo ngay cho Công ty Bảo Việt theo đúng trình tự, thủ tục, nội dung đã được quy định tại Điều 9 Hợp đồng nguyên tắc bảo hiểm để kịp thời giám định nhằm xác định đúng mức độ tổn thất, nguyên nhân gây tổn thất; đồng thời tiến hành các thủ tục, hồ sơ đề nghị bồi thường thiệt hại.

Hình ảnh container sau sự cố trên tàu Morning Vinafco

Thiệt hại của Công ty Phương Anh đã rõ, số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng, nhưng đã 05 tháng trôi qua, vấn đề bồi thường bảo hiểm vẫn chưa được Công ty Bảo Việt giải quyết. Tại buổi làm việc ngày 22/5/2024, đại diện Công ty Bảo Việt cho rằng: Hiện nay, theo báo cáo của Công ty cổ phần Giám định Phương Bắc Hà Nội (Công ty Nori Hà Nội) thì nguyên nhân dẫn đến sự cố không thuộc rủi ro được bảo hiểm. Công ty Bảo Việt sẽ có văn bản trả lời cho Công ty Phương Anh về việc có chi trả bồi thường hay không. Còn đến thời điểm hiện tại (ngày 22/5/2024) Công ty Bảo Việt chưa có căn cứ nào để bồi thường cho Công ty Phương Anh.

Trước quan điểm của Công ty Bảo Việt, ông Bùi Văn Hảo - Tổng Giám đốc Công ty Phương Anh bức xúc: “Câu trả lời của Công ty Bảo Việt là biểu hiện của hành vi né tránh, thoái thác trách nhiệm, bội tín với khách hàng. Hàng năm, Công ty Phương Anh đã bỏ ra hơn chục tỷ đồng để mua bảo hiểm của Công ty Bảo Việt nhưng khi có sự cố như trong sự việc này, thay vì nỗ lực hỗ trợ khách hàng, phía Công ty Bảo Hiểm lại quanh co, bẻ câu, chẻ chữ trong Hợp đồng bảo hiểm để chối bỏ trách nhiệm, không thể hiện rõ thiện chí bồi thường cho Công ty Phương Anh”.

Các thông báo về sự cố của tàu Morning Vinafco

Cũng theo đại diện Công ty Phương Anh, kết quả giám định của Công ty Nori Hà Nội có nhiều điểm không hợp lý, không chính xác, không đúng thực tế xảy ra. Nếu Công ty Bảo Việt căn cứ vào báo cáo thiếu chính xác này để từ chối bồi thường là điều không thể chấp nhận được. Đối chiếu các điều kiện bảo hiểm chung và điều khoản mở rộng thì Công ty Bảo Việt sẽ phải bồi thường 100% tổn thất và Công ty Phương Anh bảo lưu quyền yêu cầu bồi thường tổn thất đối với 45 xe ô tô nêu trên.

Từ thiệt hại thực tế xảy ra, quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường và quan điểm giải quyết Công ty Bảo Việt như lâu nay, Tổng Giám đốc Công ty Phương Anh thẳng thắn: “Đề nghị Tổng Giám đốc Công ty Bảo Việt và các cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng vào cuộc, kiểm tra, xem xét, giải quyết bồi thường. Nếu chậm chễ hoặc không thực hiện, Công ty Phương Anh sẵn sàng chấm dứt toàn bộ các hợp đồng bảo hiểm khác đã và đang giao kết Công ty Bảo Việt cũng như chuyển hồ sơ vụ việc này tới trọng tài hoặc tòa án để được giải quyết”.

Liên quan đến nội dung hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng vận chuyển hàng hóa, những điểm bất hợp lý trong báo cáo giám định của Nori Hà Nội, quá trình giải quyết kiến nghị và trách nhiệm của Công ty Bảo Việt đối với sự cố nêu trên sẽ được Thương hiệu và Pháp luật phản ánh ở kỳ sau!

(còn nữa)

HUÊ MINH

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu