13:41 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Vụ 42 ô tô rơi xuống biển (kỳ 2): Cục Hàng hải giao xác minh, điều tra sự cố tàu Morning Vinafco

HUÊ MINH | 08:32 17/06/2024

(THPL) - Cục Hàng hải Việt Nam đã có văn bản số 2450/CHHVN-ATANHH giao Cảng vụ Hàng hải TP Hồ Chí Minh và Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng cùng xác minh, làm căn cứ điều tra sự cố tàu Morning Vinafco (thuộc Công ty cổ phần Vận tải biển Vinafco; MCK: VFC) rơi container trên vùng biển thuộc tỉnh Quảng Nam. Lô hàng này đã được Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Phương Anh mua bảo hiểm hàng hóa tại Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt (MCK: BVH)

Nguy cơ ô nhiễm môi trường biển

Như Thương hiệu và Pháp luật đã đưa tin, tháng 12/2023, Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Phương Anh (Công ty Phương Anh) đã ký hợp đồng thuê Công ty cổ phần Vận tải biển Vinafco vận chuyển 15 container (bên trong có 45 xe ô tô, gồm: 29 xe điện, 16 xe xăng) từ cảng Chùa Vẽ (Hải Phòng) đi cảng Bến Nghé (TP Hồ Chí Minh), tuy nhiên có 14/15 container đã mất tích, 1/15 bị nghiêng khiến 03 xe ô tô bên bị va đập, hư hỏng, gây thiệt hại tại thời điểm đó hơn 30 tỷ đồng.

Mới đây, ngày 11/06/2024, Cảng vụ Hàng hải TP Hồ Chí Minh đã có văn bản số 614/CVHHTPHCM-ATANHH gửi Công ty Phương Anh, thông báo nội dung từ ngày 06/06/2024 Cục Hàng hải Việt Nam đã giao Cảng vụ Hàng hải TP Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng và các cơ quan, đơn vị liên quan khác xác minh sự cố rơi container trên biển (sự cố hàng hải). Căn cứ vào kết quả xác minh, tổ chức điều tra vụ sự cố hàng hải nếu có đủ căn cứ khẳng định đã xảy ra sự cố tàu Morning Vinafco rơi container trên biển.

Tàu Morning Vinafco

Hiện, Công ty Phương Anh đã cung cấp cho các bên liên quan thông tin như: số hiệu các container bị thất lạc; xác nhận khối lượng toàn bộ (VGM) của từng container bị thất lạc; các bằng chứng về thời điểm 15 container nói trên được tập kết đến cảng Chùa Vẽ - Hải Phòng và sẵn sàng xếp lên tàu; chi tiết thông số hàng hóa được sắp xếp, vận chuyển trong từng container (lượng nhiên liệu, dầu nhớt và các chất gây ô nhiễm kèm theo (nếu có) trên các xe ô tô, hình ảnh sắp xếp, phương pháp chằng buộc, giấy chứng nhận chẳng buộc...); tài liệu chứng minh các container bị thất lạc đã được xếp lên tàu Morning Vinafco (Bill of lading, cargo manifest);…

Trao đổi với phóng viên về hoạt động điều tra hàng hải, Luật sư Nguyễn Văn Hoàng (thuộc đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-BGTVT thì điều tra tai nạn hàng hải là việc xác định điều kiện, hoàn cảnh, nguyên nhân hay những khả năng có thể là nguyên nhân gây ra tai nạn. Tai nạn phải được điều tra đúng quy định, kịp thời, toàn diện và khách quan. Giám đốc Cảng vụ hàng hải có trách nhiệm ra quyết định thành lập Tổ điều tra và trong trường hợp cần thiết thì sẽ ra quyết định tạm giữ tàu biển để thu thập chứng cứ phục vụ công tác điều tra. Trong quá trình điều tra, nếu phát hiện có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì sẽ thông báo (và cung cấp hồ sơ, tài liệu, chứng cứ) cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Về nội dung điều tra tai nạn hàng hải, Luật sư Nguyễn Văn Hoàng cho biết thêm: Tổ điều tra sẽ thực hiện các bước yêu cầu những người liên quan đến tai nạn tường trình những vấn đề họ biết về điều kiện, hoàn cảnh, diễn biến của tai nạn và đối tượng liên quan đến tai nạn; yêu cầu thuyền trưởng, người có trách nhiệm cung cấp bản sao các nhật ký của tàu, hải đồ khu vực tàu bị nạn và các biên bản, tài liệu cần thiết khác về tàu và trang bị, thiết bị trên tàu; yêu cầu tổ chức phân cấp và giám sát kỹ thuật tàu, chủ tàu, đại lý tàu biển, tổ chức thông tin hàng hải, trung tâm phối hợp tìm kiếm - cứu nạn hàng hải, trung tâm điều hành hệ thống giám sát giao thông tàu thuyền, bảo đảm an toàn hàng hải, hoa tiêu hàng hải và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khác cung cấp thông tin cần thiết để phục vụ điều tra tai nạn; kiểm tra, thu thập bản sao các giấy tờ đăng ký, đăng kiểm, bảo hiểm của tàu, các giấy tờ cần thiết khác có liên quan và các loại chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên để phục vụ điều tra tai nạn; ghi âm, chụp ảnh, ghi hình, khảo sát, trưng cầu giám định và thực hiện những công việc khác nếu thấy cần thiết đối với việc điều tra tai nạn; tổng hợp, xác minh, phân tích, đánh giá và đề xuất kết luận nguyên nhân gây ra tai nạn. Trong trường hợp cần thiết, Giám đốc Cảng vụ hàng hải sẽ quyết định trưng cầu ý kiến của tổ chức phân cấp và giám sát kỹ thuật tàu hoặc các cơ quan chuyên môn liên quan.

Hình ảnh container bị nghiêng, lật

Trong tình huống này, trong các container bên trong có chứa ô tô, có thể có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển. Bởi 29 xe ô tô điện sử dụng pin Lithiun dung lượng cao và tất cả 42 ô rơi xuống biển đều có chứa dầu nhớt trong máy móc, thuộc trường hợp gây nguy hiểm hoặc nếu không được khắc phục sẽ gây nguy hiểm cho an toàn của tàu, con người hoặc môi trường. Nếu sau quá trình xác minh Cảng vụ Hàng hải TP Hồ Chí Minh xác định chính xác số lượng pin có trong xe điện, kết hợp với lượng dầu máy sẽ tiến hành điều tra hàng hải theo quy định của pháp luật về môi trường.

Bảo hiểm, Vinafco “đùn đẩy” trách nhiệm?

Ông Bùi Văn Hảo - Tổng Giám đốc Công ty Phương Anh cho biết, khi có sự cố, Công ty Phương Anh đã phải bồi thường cho chủ sở hữu của 45 xe ô tô với số tiền hơn 30 tỷ đồng. Đây là số tiền lớn, thế nhưng đã gần 06 tháng, Công ty cổ phần Vận tải biển Vinafco, Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt đều đang có biểu hiện thoái thác trách nhiệm.

Được biết, tại Hợp đồng vận chuyển hàng hóa số 01-PA/VFC 2019 và Phụ lục XXIII được ký kết giữa Công ty Phương Anh với Công ty cổ phần Vận tải biển Vinafco đã nêu rõ “hàng hóa bị tổn thất do hư hỏng, mất mát trong quá trình vận chuyển hoàn toàn do lỗi chủ quan của bên B gây nên thì trách nhiệp và mức độ bồi thường của bên B sẽ được xác định cụ thể theo quy định của Luật hàng hải Việt Nam và các văn bản liên quan khác”. Tuy nhiên, trước câu hỏi về trách nhiệm, đại diện Công ty cổ phần Vận tải biển Vinafco cho rằng: Công ty có tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu của Công ty Bảo Việt. Việc xác định nguyên nhân sự cố, bảo hiểm đã có yêu cầu đơn vị giám định độc lập để giám định nhưng đến nay vẫn chưa nhận được báo cáo giám định. Vì chưa nhận được báo cáo giám định nên chưa có cơ sở để thực hiện tạm ứng theo yêu cầu bồi thường. Mặt khác, Công ty cũng không tìm được quy định về thời hạn để nhận được báo cáo giám định từ các bên liên quan...

Còn phía Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, tại Hợp đồng nguyên tắc bảo hiểm hàng hóa vận chuyển số TCT.DBHH.HH.23.HD82 được ký với Công ty Phương Anh cũng nêu rõ về quy tắc bảo hiểm hàng hóa vận chuyển nội địa – QTND2016 và điều khoản mởi rộng. Thế nhưng, đại diện Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt cũng cho rằng: Theo báo cáo của Công ty cổ phần Giám định Phương Bắc Hà Nội (Nori Hà Nội) thì nguyên nhân dẫn đến sự cố không thuộc rủi ro được bảo hiểm.

Như vậy, Công ty cổ phần Vận tải biển Vinafco và Công ty Phương Anh đều mua bảo hiểm của Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt nhưng khi có sự cố, đơn vị bảo hiểm này đã “chỉ định” cho Nori Hà Nội giám định. Tuy nhiên, kết quả giám định của Nori Hà Nội và câu trả lời của bảo hiểm đã khiến lãnh đạo Công ty Phương Anh vô cùng bức xúc: “Công ty cổ phần Vận tải biển Vinafco, Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt đều bội tín, làm ăn theo kiểu “chợ búa”, khi có sự cố thì tìm cách đùn đẩy, thoái thác trách nhiệm với Công ty Phương Anh”, ông Bùi Văn Hảo nêu.

Báo cáo của Nori Hà Nội

Vậy Nori Hà Nội – đơn vị giám định theo chỉ định của Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt đã thu thập được gì? Trong văn bản đề ngày 31/05/2024 gửi Công ty Phương Anh, Nori Hà Nội cho biết: 13h30 ngày 24/12/2023, tàu Morning Vinafco cập cảng Bến Nghé (TP Hồ Chí Minh). Ngay sau khi tàu cập cảng, giám định viên đã tiếp cận, làm việc với thuyền viên. Thuyền viên đã cung cấp 3 giấy tờ gồm: danh sách thuyền viên, bảng thông số tàu, sơ đồ xếp hàng; Thuyền viên không cung cấp các giấy tờ như: giấy chứng nhận chẳng buộc container, nhật ký hàng hải, số tay chằng buộc, các thông tin thời tiết thực tế được ghi nhận lại,…

Tại thời điểm đó, các container tại Bay 16 và 20 đang bị nghiêng đổ sang mạn phải. Giám định viên đã tiếp cận và chụp ảnh, ghi nhận lại tình trạng tàu, tình trạng container và một số thiết bị chằng buộc container. Sau khi cảng cho tiến hành dỡ hàng hóa tại khu vực bị sự cố, thuyền viên và đơn vị sửa chữa do chủ tàu thuê đã tiến hành thay thế toàn bộ các kết cấu hư hỏng như hộp chân để khóa container, khóa gù container, tăng đơ chằng buộc, bằng các thiết bị mới. Ngày hôm sau 25/12/2023, giám định viên tiếp tục có mặt trên tàu nhưng phía thuyền viên tàu đã không hợp tác để cung cấp các thông tin liên quan đến việc chẳng buộc/lashing hàng hóa. Ngày 30/12/2023, khi tàu cập cảng Hải Phòng, giám định viên cùng với một số đơn vị giám định bảo hiểm hàng hóa khác đã tiếp cận tàu để đề nghị hợp tác giám định. Tuy nhiên, phía thuyền viên tàu không hợp tác, yêu cầu các giám định viên rời tàu và xóa tất cả các hình ảnh liên quan tới tàu.

Cũng theo Nori Hà Nội, quá trình tiếp cận hiện trường và giám định tình trạng tàu, tình trạng container cũng như thu thập hồ sơ, tiếp cận phỏng vấn thuyền viên trên tàu hết sức khó khăn và hạn chế do phía tàu, chủ tàu không hợp tác.

Dù vậy, dựa trên các văn bản phát hành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết hợp với thực tế giám định hiện trường và tất cả những hồ sơ/chứng từ có được, Nori Hà Nội đã kết luận: Sự cố rơi các container xảy ra trên tàu Morning Vinafco nhiều nguyên nhân, yếu tố kết hợp. Nguyên nhân gần/trực tiếp dẫn đến sự cố rơi container là do kết cấu giữ chân đế container trên nắp hầm hàng (hộp chân đế container) có tình trạng kém, han gỉ, ăn mòn nghiêm trọng dẫn tới việc không đảm bảo khả năng giữ cố định an toàn cho container khi tàu hành trình trong điều kiện thời tiết có sóng, gió mùa Đông Bắc cấp 6, cấp 7. Khi các lực lắc ngang, lắc dọc, chuyển động lên xuống của tàu gây ra bởi điều kiện sóng gió vượt quá khả năng chịu tải của một số Hộp chân đế dẫn tới bị bung rách, kéo theo hệ quả các kết cấu chằng buộc còn lại cũng không đủ khả năng để giữ cố định container trên tàu...

Trước kết luận này, Công ty Phương Anh có phản ứng khá gay gắt. “Kết luận của Nori Hà Nội là thiếu căn cứ, thiếu khách quan”, bởi như chính đơn vị này thừa nhận, “việc thu thập hồ sơ, tiếp cận phỏng vấn thuyền viên trên tàu hết sức khó khăn và hạn chế” nhưng vẫn đưa ra được kết luận. Mặt khác, “Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt căn cứ vào kết quả đánh giá của Nori Hà Nội để từ chối bồi thường cho Phương Anh là điều không thể chấp nhận được”, ông Bùi Văn Hảo khẳng định.

Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt thua kiện

Theo Báo Lao động, ngày 13/06/2024, HĐXX phiên toà phúc thẩm, TAND TP Đà Nẵng đã tuyên án, buộc Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt phải thanh toán cho Công ty cổ phần Dệt may 29.3 số tiền hơn 50 tỉ đồng. Trước đó, Công ty cổ phần Dệt may 29.3 đã ký Hợp đồng bảo hiểm cháy nổ và rủi ro với Tổng Công ty bảo hiểm Bảo Việt. Cơn bão số 5, năm 2022 đã gây thiệt hại nặng nề cho nguyên liệu may của Công ty cổ phần Dệt may 29.3 nên yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt cho rằng, Công ty cổ phần Dệt may 29.3 chỉ mua bảo hiểm cho đơn hàng thuộc sở hữu của công ty để loại trừ trách nhiệm bảo hiểm của hàng hóa gia công và không đồng ý bồi thường bảo hiểm. Qua hai phiên xét xử, tại phiên tòa phúc thẩm HĐXX TAND TP Đà Nẵng đã tuyên buộc Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt phải thanh toán cho Công ty cổ phần Dệt may 29.3 với tổng số tiền là hơn 50 tỉ đồng.

HUÊ MINH

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu