02:54 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Vĩnh Phúc: Bất thường trong gói thầu mua sắm tại Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Tường

09:58 21/08/2020

(THPL) - Giá trang thiết bị trúng thầu được “mông má” cao hơn rất nhiều so với giá thị trường, trong khi tỷ lệ tiết kiệm trong gói thầu đạt… siêu thấp. Đó là chính là nghi vấn về sự thiếu minh bạch trong công tác đấu thầu của Công ty TNHH đầu tư THH mà chủ đầu tư là Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc).

Người ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu này chính là ông Phan Quốc Hào, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Tường.

Theo đó, ngày 7/8/2020, ông Phan Quốc Hào (đại diện chủ đầu tư) đã ký quyết định Số 398/QĐ-GD&ĐT về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu “Mua sắm thiết bị” thuộc Dự án: “Mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học cho các trường tiểu học trên địa bàn huyện năm 2020”.

 

Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu do ông Phan Quốc Hào ký

Đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH đầu tư THH (Địa chỉ đăng ký tại số Nhà 45 Lk 4 Kdt Nam Đầm Vạc F Khải Quang,Thành phố Vĩnh Yên,Vĩnh Phúc; người đại diện pháp luật là bà Nguyễn Thị Thanh Hiếu). Đây là gói thầu đấu thầu rộng rãi, qua mạng; giá gói thầu 4.233.500.000 đồng và giá trúng thầu là 4.216.566.000 đồng, tiết kiệm cho nhà nước chỉ gần 23 triệu đồng, tỷ lệ tiết kiệm rất thấp chỉ đạt 0.4%.

Theo thống kê, từ tháng 8 năm 2017 đến nay, Công ty TNHH đầu tư THH đã tham gia 12 gói thầu và chưa trượt bất cứ gói thầu nào. Đây là nhà thầu khá quen thuộc với Phòng GD&ĐT các huyện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Các gói thầu nhà thầu này tham gia đều trúng thầu với giá rất sát.

Cụ thể ở gói thầu Mua sắm thiết bị do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tam Dương làm chủ đầu thư có giá là 2.970.440.000 đồng và giá trúng thầu 2.962.690.000 đồng, chỉ tiết kiệm được gần 8 triệu đồng, tỷ lệ tiết kiệm quá thấp chỉ là 0,2%.

Tiếp đến cũng một gói thầu Mua sắm thiết bị do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tam Dương làm chủ đầu tư (mở thầu ngày 30/11/2019) có giá 4.866.630.000 đồng và giá trúng thầu 4.858.878.000 đồng, chỉ tiết kiệm được hơn 7 triệu đồng, tỷ lệ tiết kiệm chỉ là 0,1%.

Trong khi đó Tỷ lệ tiết kiệm trung bình khi đấu thầu qua mạng năm 2019 theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là 5,63%. Đối chiếu số liệu này mới thấy tỷ lệ tiết kiệm trong các gói thầu , Công ty TNHH đầu tư THH tham gia là quá thấp.

 

Giá trúng thầu (trên) và giá thị trường (dưới) có sự chênh lệch không nhỏ

Trở lại với gói thầu “Mua sắm thiết bị” thuộc Dự án: “Mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học cho các trường tiểu học trên địa bàn huyện năm 2020” (Số TBMT: 20200743033; mở thầu vào ngày 26/07/2020) do Phòng GĐ&ĐT huyện Vĩnh Tường làm chủ đầu tư, trong quá trình tìm hiểu về công tác đấu thầu, PV nhận được phản ánh của bạn đọc nghi vấn lập khống dự toán trong quá trình tổ chức đấu thầu, dẫn đến việc giá trang thiết bị trúng thầu cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Cụ thể:

- Ghế hội trường gỗ tự nhiên - GHT11 Hòa Phát (Theo Chương V của E-HSMT) giá trúng thầu là: 1.146.000 đồng nhưng trên thị trường cao nhất chỉ khoảng 677.000 đồng. Như vậy, với 755 chiếc ghế này này, việc thẩm định giá quá cao có thể gây thiệt hại cho nhà nước trên 354 triệu đồng.

- Bàn giáo viên – Phục Hưng (Theo Chương V của E-HSMT) giá trúng thầu là: 1.934.000 đồng nhưng trên thị trường cao nhất chỉ khoảng 1.400.000 đồng. Như vậy, với 343 chiếc bàn này này, việc thẩm định giá quá cao có thể gây thiệt hại cho nhà nước trên 180 triệu đồng.

- Ghế giáo viên – Phục Hưng (Theo Chương V của E-HSMT) giá trúng thầu là: 650.000 đồng nhưng trên thị trường cao nhất chỉ khoảng 320.000 đồng. Như vậy, với 343 chiếc ghế này này, việc thẩm định giá quá cao có thể gây thiệt hại cho nhà nước trên 110 triệu đồng.

- Ghế phòng họp hội đồng – Phục Hưng (Theo Chương V của E-HSMT) giá trúng thầu là: 1.262.000 đồng nhưng trên thị trường cao nhất chỉ khoảng 420.000 đồng. Như vậy, với 210 chiếc ghế này này, việc thẩm định giá quá cao có thể gây thiệt hại cho nhà nước trên 170 triệu đồng.

Để xác minh thông tin, Phóng viên Thương hiệu và Pháp luật đã khảo sát giá thiết bị theo đúng các thông số nêu trong HSMT (trong đó có cả phí vận chuyển lắp đặt, VAT…) của hầu hết các cơ sở sản xuất sản phẩm nêu trong gói thầu, trong đó có cả sản phẩm của thương hiệu Hòa Phát, Phục Hưng và thấy rằng những thông tin bạn đọc phản ánh là hoàn toàn có cơ sở.

Để làm rõ những nghi vấn này, PV đã đặt lịch làm việc với Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Tường. Trong buổi làm, vị đại diện cơ quan này khẳng định phía chủ đầu tư đã tuân thủ tất cả các quy định, thủ tục, trình tự trong quá trình đấu thầu gói thầu này; không có việc nâng giá thiết bị trong dự toán và giá trúng thầu các thiết bị là sát với giá thị trường.

Tuy nhiên, khi PV đề nghị được cung cấp những tài liệu liên liên quan đến dự toán, lựa chọn nhà thầu, văn bản thẩm định giá, căn cứ thẩm định giá trang thiết bị thì vị đại diện Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Tường trả lời rằng chưa thể cung cấp cho PV những tài liệu này được.

Trả lời PV qua điện thoại, ông Trần Việt Cường, Bí thư huyện Vĩnh Tường khẳng định sẽ cho kiểm tra thông tin liên quan đến gói thầu này, nếu có dấu hiệu vi phạm sẽ tiến hành thanh, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật.

Câu hỏi mà dư luật đặt ra là: Liệu có những khuất tất gì đằng sau việc Giá trang thiết bị trúng thầu bị đẩy lên cao hơn rất nhiều so với giá thị trường, trong khi tỷ lệ tiết kiệm trong các gói thầu đạt… siêu thấp. Dù biết rằng hợp đồng giữa chủ đầu tư và đơn vị trúng thầu là thỏa thuận khung nhưng chủ đầu tư đã dựa trên những cơ sở nào để lập dự toán cho các gói thầu này? Việc khảo sát giá thực sự diễn ra như thế nào?

Những nội dung này Thương hiệu và Pháp luật sẽ chuyển tải tới độc giả trong kỳ tiếp.

Kim Sinh

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu