07:29 ngày 04/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là điểm sáng nổi bật về tăng trưởng kinh tế

09:23 01/01/2025

(THPL) - Năm 2024, với sự phục hồi mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước cả năm đạt trên 7%, Việt Nam thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Giữa bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những điểm sáng nổi bật tại khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.

Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những điểm sáng tăng trưởng kinh tế nổi bật tại khu vực Đông Nam Á và trên thế giới (Ảnh: 

Tăng trưởng GDP vượt mọi dự báo

Giữa bối cảnh khó khăn chung của toàn cầu, nền kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, trong nước chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, đặc biệt là sự tàn phá khốc liệt của siêu bão Yagi, nhưng Việt Nam đã đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu kinh tế- xã hội, nhiều kỷ lục mới được xác lập. 

Nền kinh tế nước ta phục hồi mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả tích cực, rõ nét, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước cả năm ước đạt khoảng trên 7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%), thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới. Con số này cũng vượt mọi dự báo của các tổ chức quốc tế, Việt Nam thuộc nhóm ít nước tăng trưởng GDP cao trong khu vực và trên thế giới. Chỉ tiêu tăng năng suất lao động lần đầu tiên vượt kế hoạch đề ra, sau 3 năm không đạt toàn diện. 

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư lớn. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt mức kỷ lục khoảng hơn 810 tỷ USD. Lần đầu tiên thu ngân sách đạt trên 2 triệu tỷ, vượt thu 324 nghìn tỷ. Thu hút FDI ước đạt gần 40 tỷ USD, nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới. Giá trị thương hiệu quốc gia đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32/193 quốc gia.

Các dự án tồn đọng, kéo dài được giải quyết cơ bản, trong đó nhiều dự án có tổng mức đầu tư nhiều tỷ USD. Đã báo cáo và đề xuất Bộ Chính trị đồng ý phương án xử lý hết 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, kéo dài và một số dự án đã có lãi. Tích cực xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; chuyển giao bắt buộc xong 2 ngân hàng thương mại trong diện kiểm soát đặc biệt.

Thành quả kinh tế 2024 đã tạo đà, tạo lực để hướng tới mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% và phấn đấu tăng trưởng 2 con số trong năm 2025 và những thập kỷ tới.

Lạc quan triển vọng tăng trưởng 2025

Năm 2025, Quốc hội Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,5-7%, nhưng Chính phủ kỳ vọng nền kinh tế sẽ tăng trưởng vượt mục tiêu này.

Nhiều tổ chức quốc tế cũng đều nhận định lạc quan về triển vọng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2025.

Seasia Stats, trang thống kê uy tín về các nước Đông Nam Á, mới đây đánh giá: với quy mô kinh tế đạt khoảng 506 tỷ USD, Việt Nam sẽ lọt tốp 15 nền kinh tế lớn nhất châu Á. Nhận định này được đưa ra dựa trên số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Theo đó, với 506 tỷ USD, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng nhờ sự bùng nổ sản xuất và đầu tư nước ngoài.

Cùng chung đánh giá lạc quan về kinh tế Việt Nam, trong báo cáo “Hướng đến năm 2025” mới đây, Vinacapital cũng dự báo tăng trưởng kinh tế của nước ta trong năm tới có thể đạt 6,5% nhờ vào các yếu tố trong nước, bao gồm việc tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của Chính phủ, sự phục hồi của thị trường bất động sản và chi tiêu tiêu dùng…

Chuyên gia của VinaCapital cho rằng, tiêu dùng chiếm hơn 60% nền kinh tế của Việt Nam. Do đó, nếu tiêu dùng tăng trưởng mạnh sẽ dễ dàng bù đắp cho sự suy giảm trong tăng trưởng xuất khẩu/sản xuất/lượng khách du lịch trong năm tới. Chính sách của Chính phủ cho thấy, sẽ tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng vào năm 2025 và hy vọng rằng, các biện pháp này sẽ giúp người tiêu dùng tự tin hơn trong việc tăng chi tiêu.

Theo ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital, một mức tăng vừa phải trong chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, chiếm khoảng 6% GDP, sẽ không đủ để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng đáng kể. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa tiến độ nhanh chóng trong các dự án như sân bay Long Thành và các tuyến đường vành đai mới của Hà Nội, cùng với sự phục hồi của thị trường bất động sản, sẽ có thể khiến người tiêu dùng cảm thấy tự tin hơn trong việc chi tiêu nhờ vào “hiệu ứng tài sản” liên quan đến giá trị của khu đô thị mà nhiều người tiêu dùng trung lưu Việt Nam sở hữu.

Nhận định về sự phục hồi ở hầu hết các nền kinh tế toàn cầu, ông Andea Coppola, chuyên gia kinh tế trưởng và quản lý chương trình Tăng trưởng công bằng, Tài chính và Thể chế của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Lào và Campuchia cho biết, lần đầu tiên sau nhiều năm đối mặt với các cú sốc tiêu cực, kinh tế toàn cầu đã ổn định trở lại vào năm 2024 với tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt 2,7%. Trong bối cảnh chi phí tài chính tăng cao cùng những bất ổn liên quan đến các diễn biến địa chính trị, tăng trưởng kinh tế năm 2024 được củng cố bởi lạm phát đang dần hạ nhiệt ở nhiều quốc gia nhờ giá hàng hóa, đặc biệt là giá năng lượng và lương thực giảm.

Ngoài ra, tác động trễ của làn sóng chính sách thắt chặt tiền tệ từ năm 2023 cũng đã phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã chuyển sang lập trường chính sách tiền tệ nới lỏng, giảm lãi suất nhằm thúc đẩy nhu cầu và hoạt động kinh tế. Yếu tố thứ ba, nhu cầu toàn cầu tăng mạnh, giúp củng cố thương mại và đầu tư, vốn là động lực quan trọng hỗ trợ hoạt động kinh tế toàn cầu.

Trong bối cảnh này, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Lào và Campuchia cho biết thêm: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng, trong năm 2024, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, nhờ sự phục hồi xuất khẩu và nhu cầu nội địa. Đây là một thành tựu đáng khen ngợi và tôi tin rằng, xu hướng tích cực này sẽ tiếp tục trong năm 2025”.

Hoàng Yến

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu