10:40 ngày 27/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Việt Nam đàm phán mua 20 triệu liều vắc xin Sputnik V phòng COVID-19 trong năm 2021

20:36 02/06/2021

(THPL) - Thông tin này được GS.TS Nguyễn Thanh Long - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế đưa ra sau cuộc làm việc với Quỹ đầu tư trực tiếp Nga về vấn đề vắc xin phòng COVID-19 chiều ngày 02/6/2021.

Báo Sức khỏe và Đời sống đưa tin, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, hiện nay nhu cầu vắc xin trên toàn cầu rất lớn, Việt Nam đang nỗ lực tiếp cận các nguồn vắc xin phòng COVID-19 để có thể tăng độ bao phủ tiêm chủng cho người dân Việt Nam sớm nhất và nhanh nhất. Tuy nhiên, do Việt Nam là nước triển khai các biện pháp chống dịch hiệu quả, kiểm soát dịch tốt nên việc cung ứng vắc xin của các nước cho Việt Nam vẫn theo lộ trình, kế hoạch mà các nhà sản xuất, phân phối đã đưa ra.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long làm việc với Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga về vaccine COVID-19

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng thông tin, ngay từ tháng 8/2020, Việt Nam đã có thư ngỏ đề xuất mua vắc xin phòng COVID-19 của Nga, tuy nhiên vì điều kiện sản xuất nên chưa đảm bảo cung ứng cho các nước, trong đó có Việt Nam. Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã liên tục chủ động đàm phán với phía Nga để có vắc xin sớm nhất phục vụ nhu cầu tiêm chủng của nhân dân. Đến hôm nay, phía Nga đã đồng ý cung ứng cho Việt Nam 20 triệu liều vắc xin trong năm 2021.

“Đây là một kết quả tích cực cho quá trình đàm phán liên tục, không ngừng của Bộ Y tế để có vắc xin”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Bên cạnh đó để đảm bảo an ninh vắc xin trong những năm tiếp theo, Bộ Y tế xác định việc hợp tác trong sản xuất, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin là rất cần thiết, vì vậy Bộ Y tế đã giao các đơn vị của Bộ khẩn trương đàm phán, thống nhất với đối tác về vấn đề này.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian qua, Công ty Vabiotech, đơn vị đầu tiên của Bộ Y tế đã hợp tác với phía Nga và dự kiến đến tháng 7/2021 sẽ tiến hành đóng ống, gia công vắc xin phòng COVID-19 của Nga tại Việt Nam với công suất dự kiến 5 triệu liều/tháng. Đây là kết quả rất quan trọng để phía Nga có thể tiến hành chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin cho Việt Nam trong thời gian tới.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị của Bộ và đề nghị các doanh nghiệp, tập đoàn tiếp tục trao đổi, hợp tác chặt chẽ với phía Nga trong chuyển giao công nghệ để có thể thiết lập nhà máy sản xuất vắc xin công suất lớn tại Việt Nam nhằm đảm bảo thị trường trong nước cũng như hướng đến xuất khẩu trong tương lai.

“Trong cuộc đàm phán chiều nay, phía Nga hoàn toàn ủng hộ những đề xuất này của phía Việt Nam”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin và bày tỏ hy vọng những đề xuất này sớm đi vào thực tiễn để đảm bảo vắc xin cho Việt Nam trong tương lai.

Theo Báo VietNamNet, ngay từ tháng 5/2020, Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan đã tích cực đàm phán, tiếp cận tất cả nguồn vắc xin phòng COVID-19, mục tiêu sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường. Bên cạnh nguồn vắc xin của Nga, Bộ đã nỗ lực đàm phán với các nguồn vắc xin khác như COVAX; Astrazeneca; Pfizer, Moderna, Johnson&Johnson…

38,9 triệu liều vắc xin Astrazeneca qua nguồn COVAX  được đàm phán thành công và đang dần được chuyển về Việt Nam. Bộ Y tế cũng đăng ký với COVAX để mua thêm vắc xin theo cơ chế cùng chia sẻ chi phí.

Bên cạnh đó, Việt Nam đàm phán thành công và ký kết với Pfizer/BioNTech về việc cung ứng 31 triệu liều vắc xin Covid-19. Tháng 11/2020, nước ta cũng đàm phán và ký kết với Astrazeneca khoảng 30 triệu liều.

“Như vậy, đối với nguồn cung ứng của Nga, Mỹ và Anh, có thể nói chúng ta đã dần hướng tới mục tiêu mua đủ 150 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 trong năm 2021 để tiêm chủng cho 75% dân số Việt Nam theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Chính phủ”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Ông cũng cho biết thêm, Bộ Y tế vẫn đang tích cực đàm phán để tăng thêm nguồn cung ứng vắc xin cho Việt Nam, hướng tới mục tiêu miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021 đầu năm 2022.

Lâm Tới (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu