01:47 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Tuyến buýt nhanh BRT của Hà Nội vận chuyển hơn 1,2 triệu lượt hành khách sau 3 tháng

| 14:29 15/05/2017

(THPL) - Sau 3 tháng đi vào hoạt động, xe buýt nhanh BRT đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ tích cực nhưng cũng chịu sức ép không nhỏ từ dư luận.

Tuyến buýt BRT đi vào hoạt động đã đánh dấu sự xuất hiện của loại hình vận tải công cộng (VTCC) khối lượng lớn đầu tiên của Hà Nội.

Kết quả khảo sát lấy ý kiến hành khách của Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho thấy, với những ưu thế như được chạy trên làn đường riêng; xe cỡ lớn; bán vé trong nhà chờ, giảm thiểu thời gian lên xuống... xe buýt BRT đã thực sự đạt được tiêu chí “nhanh” so với xe buýt thường, có tới 23,3% người dân trên tuyến đường đã chuyển từ xe cá nhân, xe ôm, taxi… sang sử dụng xe buýt BRT. Trong đó, lượng hành khách chuyển từ xe máy sang chiếm tỷ lệ lớn nhất với 16,3%; tỷ lệ nhỏ nhất là người dân chuyển từ ô tô cá nhân sang với 2,8%. 

Tuyến buýt BRT trên đường Lê Văn Lương.

Theo thống kê đến thời điểm này, tuyến buýt BRT 01 Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa đã vận chuyển hơn 1,2 triệu lượt hành khách và lượng khách vẫn tiếp tục tăng.

Trong giai đoạn miễn phí ban đầu từ 1/1 - 5/2, bình quân mỗi chuyến xe buýt BRT vận chuyển được 39 hành khách/lượt; 12.018 hành khách/ngày. Từ khi thu phí (6/2 tới nay), bình quân mỗi chuyến xe buýt BRT vận chuyển được 42,5 hành khách/lượt; 14.472 hành khách/ngày. Lượng hành khách tập trung trên mỗi chuyến xe phân bố không đều, giờ thấp điểm chỉ đạt 19,5 hành khách/lượt; nhưng vào giờ cao điểm lại đạt số lượng bình quân 75,9 hành khách/lượt; thậm chí có chuyến xe đạt 90 hành khách/lượt.

Theo nhận định của các chuyên gia, bên cạnh những thuận lợi thì tuyến buýt BRT phải đối diện với nhiều khó khăn như đại đa số người dân vẫn giữ thói quen sử dụng phương tiện cá nhân, thiếu sự tin cậy vào xe buýt nói chung và BRT nói riêng; hạ tầng trên tuyến vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu vận hành, thiếu sự kết nối hữu hiệu với các loại hình giao thông khác.

Lượng hành khách sử dụng BRT để đi làm, đi học vào các ngày làm việc trong tuần chỉ khoảng 4.000 - 5.000 hành khách/ngày, chiếm khoảng 30%; 70% lượng khách còn lại sử dụng BRT cho các mục đích khác. Như vậy lượng người trong độ tuổi lao động - nhóm đối tượng chính của vận tải công cộng - vẫn chưa đến với xe buýt BRT. 

Tình trạng xe buýt BRT bị các phương tiện khác lấn làn vẫn diễn ra phổ biến.

Về hạ tầng trên tuyến, dù đã có làn đường riêng, được phân cách rõ ràng nhưng trong giờ cao điểm, tình trạng xe buýt BRT bị các phương tiện khác lấn làn vẫn diễn ra phổ biến. Thực tế này đang gây ra rất nhiều khó khăn cho việc đảm bảo thời gian vận hành của xe buýt BRT. 

Chính vì vậy, giới chuyên gia nhận định, còn rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết ngay để giúp xe buýt BRT phát huy hết tính ưu việt của mình. Chẳng riêng gì xe buýt BRT mà cả xe buýt thường cũng cần được ưu tiên tối đa không gian lưu thông mới đáp ứng được yêu cầu về thời gian di chuyển của hành khách. Cần cải tạo quy hoạch thiết kế đô thị, kiến trúc cảnh quan, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho giao thông tiếp cận cũng như khu vực hành lang 2 tuyến VTCC hiện đại này, để tạo ra hình ảnh và sức sống mới cho hệ thống VTCC, thu hút người dân, đặc biệt là người trong độ tuổi lao động quan tâm, lựa chọn các loại hình VTCC.

>>> Hà Nội sẽ có 8 tuyến xe buýt nhanh BRT

>>> Bắt đầu thu phí buýt nhanh BRT từ ngày 6/2/2017

Diệu Huyền

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu