18:11 ngày 13/11/2024 | HOTLINE : 094.210.6666 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

TS Lê Đăng Doanh: Việt Nam đủ lực đón “đại bàng” FDI về "làm tổ”

09:36 15/02/2021

(THPL) - Năm 2020, trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng nền kinh tế trong nước đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng, với mục tiêu đón các “đại bàng” FDI về làm “tổ”. Tuy nhiên, để xây những “cái tổ” đủ khỏe, đủ chứa được “đại bàng” là chuyện không hề dễ dàng. Xung quanh vấn đề này, PV của TH&PL đã có cuộc trao đổi với TS Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương.

Thưa ông, Việt Nam đã thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài, đồng thời chấp nhận các ưu đãi đặc biệt cho những dự án lớn, các tập đoàn đa quốc gia. Đây có thể coi là tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế trong năm 2021 và các năm tiếp theo hay không?

TS Lê Đăng Doanh: Đúng vậy, theo tôi Việt Nam đang có nhiều ưu thế trong việc thu hút nguồn vốn FDI, cụ thể như nền kinh tế vĩ mô ổn định, điều kiện địa lý có nhiều điểm thuận lợi, môi trường kinh doanh thông thoáng, nguồn nhân lực dồi dào.. vân vân...

TS Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương. Ảnh: Dân Trí 

Đặc biệt hơn, trong khi thế giới vẫn còn vật lộn với khó khăn và đang lo ngại dịch bệnh, việc “thoát” Covid-19 trước đã tạo cho Việt Nam cơ hội kết nối, khôi phục những đứt gẫy của nền kinh tế do hậu quả của đại dịch. Nhờ đó, cơ may phục hồi và bứt lên trước sẽ “sáng” hơn nhiều nền kinh tế khác. Tất nhiên, kỳ vọng Việt Nam thay thế Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu có lẽ hơi “lãng mạn”.

Trên nhiều mặt, chúng ta đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để hiện thực hóa các cơ hội đó. Nhưng để đạt được mức “thực sự sẵn sàng”, nhất là ở tầm chiến lược, gắn với yêu cầu thu hút FDI “thế hệ mới”, Việt Nam còn phải làm nhiều việc. Ta hay nói đến việc “làm tổ đón đại bàng”, song chưa định hình rõ thế nào là “tổ đại bàng” đúng nghĩa. Nguồn nhân lực chất lượng cao, hệ thống logistics tốt, môi trường kinh doanh thông thoáng, và đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp bản địa đủ năng lực, những yếu tố chủ chốt cấu thành nên cái gọi là “tổ đại bàng” đích thực của ta, còn khá thiếu và yếu…

Vậy theo ông, các yếu tố nào cần được khắc phục để có thể cạnh tranh trong thu hút với các quốc gia láng giếng có cùng “hấp lực”? Và chúng ta phải có những giải pháp gì để có thể đón và giữ chân các “đại bàng” FDI?

TS Lê Đăng Doanh: Tất nhiên, Việt Nam có những lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ mạnh như Ấn Độ, Indonesia trong thu hút đầu tư nước ngoài. Gần kề thị trường Trung Quốc, là thành viên CPTPP, đã ký FTA với EU, hay độ tin cậy của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, kinh tế toàn cầu đang suy yếu… tất cả những điều này đang mang lại cho Việt Nam sức hấp dẫn đầu tư và thương mại vượt trội.

Nói về hạn chế, khó khăn, chúng ta đã bàn quá nhiều, giờ là lúc tìm ra các giải pháp làm sao để có thể đón được những doanh nghiệp FDI có chất lượng vào đất nước. Để làm được việc đó, cần phải giải quyết được 3 vấn đề lớn.

Thứ nhất, Việt Nam tiếp tục cải cách bộ máy quản lý, tăng tối ưu hóa, chuyển đổi số, giảm bớt các thủ tục phiền hà hơn nữa. Thứ hai, nâng cấp cơ sở hạ tầng, giao thông, vận tải, trong đó, hạ tầng đường bộ chưa đồng bộ, chi phí cho giao thông đường bộ nói riêng và chi phí logistics nói chung còn cao…

Thứ ba, chúng ta có lực lượng lao động trẻ, chi phí rẻ. Tuy nhiên trình độ chuyên môn lao động phổ thông còn thấp, thiếu những lao động tiếp cận với nền kinh tế số, thương mại điện tử. Điều này đòi hỏi phải thay đổi hệ thống giáo dục, đào tạo, dựa theo đó người lao động có thể tiếp tục học tập suốt đời, cập nhật kiến thức nhanh chóng đáp ứng yêu cầu của công việc.

Do đó, để bền vững đón “sóng” FDI, Việt Nam cần những bước chuyển mang tính lâu dài không đơn thuần là đưa ra các chính sách nhỏ lẻ mà cần đặt ra một chiến lược phát triển mới cho phù hợp với cục diện thế giới mới.

Ông đã từng nói để đón được “đại bàng” của thế giới, phải chăng chúng ta cần có thêm những “đại bàng mang quốc tịch Việt”, thưa ông?

TS Lê Đăng Doanh: Đúng vậy, Việt Nam phải có những “đại bàng” quốc tịch Việt Nam. Đó là những tập đoàn kinh tế Việt Nam thực sự hùng mạnh, đủ năng lực lôi kéo và dẫn dắt “đàn chim” Việt trong cuộc đua tranh quốc tế. Tôi chưa thấy nền kinh tế nào trở thành hùng mạnh, mà không dựa vào những “con đại bàng” dẫn dắt của chính mình. 

Đến nay, chúng ta vẫn chưa có chiến lược phát triển lực lượng doanh nghiệp quốc gia đúng nghĩa. Tôi xin nhấn mạnh khái niệm “lực lượng doanh nghiệp”. Về căn bản, ta mới có nỗ lực phát triển doanh nghiệp, chủ yếu thiên về số lượng, dựa trên nền tảng “xin - cho” và phân biệt đối xử. Kết cục là sức mạnh của lực lượng chủ công, doanh nghiệp nhà nước, bị bào mòn. Doanh nghiệp tư nhân Việt chủ yếu yếu kém kéo dài, thiếu động lực vươn lên. Việc thu hút đầu tư nước ngoài dựa trên căn bản “trao lợi thế” và “dành ưu đãi”, tuy giúp kéo về một lượng lớn doanh nghiệp nhưng đa phần là “chim sẻ”, sức ăn lớn, lợi ích mang lại cho phát triển quốc gia không tương xứng.

Muốn thực sự đón được các “đại bàng”, tạo ra lợi ích thực tế thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển, cần nhanh chóng thực hiện các đầu việc sau: Một, là định hình lại chiến lược phát triển, trong đó xác định cho đúng, cho rõ chức năng, vai trò của các loại hình doanh nghiệp, chủ thể kinh tế trong sơ đồ phát triển quốc gia trong giai đoạn mới. Hai, là phải nỗ lực xây dựng hệ thống thị trường và cơ chế vận hành và cạnh tranh thị trường lành mạnh, để cho “đại bàng” không bị “chim sẻ” lấn át…

Để giữ chân được “đại bàng” cần nhất những “chiếc tổ” đủ lớn. Vậy những điều kiện cần và đủ là gì, thưa ông?

TS Lê Đăng Doanh: Tôi cho rằng cần phải đặc biệt chú ý xây dựng “tổ đại bàng” đúng nghĩa, như đã nêu ở trên. “Tổ đại bàng” không phải chỉ là những khu công nghiệp tốt, được “lót ổ” bằng hệ thống cơ chế chính sách dựa nhiều vào ưu đãi, mà phải hiểu theo nghĩa rộng là toàn bộ môi trường kinh doanh cùng các điều kiện hoạt động (thể chế) bình đẳng, công khai và minh bạch.

Mỗi địa phương cần nhận ra thế mạnh của mình để phát huy, từ đó thu hút các nhà đầu tư phù hợp. Trong vùng, như vùng đồng bằng sông Hồng, các địa phương sớm triển khai các giải pháp để kết nối vùng, tạo thành mạng lưới khu công nghiệp có tính kết nối, hỗ trợ cao. Quá trình thu hút vốn đầu tư FDI, các địa phương cũng cần chú trọng đến việc đẩy nhanh công nghiệp phụ trợ với nhiều chính sách để doanh nghiệp trong nước lớn mạnh, kết nối với doanh nghiệp nước ngoài.

Phương Linh

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu