03:06 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Việt Nam - Điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2020

Huyền Chi | 15:23 25/01/2021

(THPL) - Dịch bệnh COVID - 19, thiên tai hoành hành khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2020 thấp nhất trong nhiều năm qua, song Việt Nam vẫn là một trong số rất ít quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP dương, với mức tăng 2,91% so với năm trước, thuộc nhóm nước có tăng trưởng cao nhất thế giới.

“Điểm sáng”  trong bức tranh kinh tế toàn cầu u ám

Trong bối cảnh các tổ chức quốc tế đều dự báo kinh tế toàn cầu năm nay tăng trưởng âm khoảng 4%, song Việt Nam vẫn là một trong số rất ít quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP dương, với mức tăng 2,91% so với năm trước, thuộc nhóm nước có tăng trưởng cao nhất thế giới. 

Xuất siêu năm nay của Việt Nam đạt mức cao kỷ lục từ trước tới nay 19,1 tỷ USD. Đáng chú ý là thị trường EU, do tác động của COVID-19, xuất khẩu vào thị trường này vẫn tăng trưởng âm từ đầu năm, cho tới khi EVFTA có hiệu lực vào tháng 8/2020.

Đặc biệt, Việt Nam càng là điểm đến hấp dẫn hơn trong bối cảnh COVID-19 khi nhiều nhà đầu tư quốc tế đã dịch chuyển về Việt Nam trong năm qua, góp phần lớn vào giá trị tăng thêm ngành công nghiệp.

Với mức tăng 2,91% so với năm trước, Việt Nam thuộc nhóm nước có mức tăng trưởng cao nhất thế giới. (ảnh: internet)

Dù vốn đầu tư toàn xã hội năm nay có mức tăng thấp nhất 10 năm qua, thế nhưng mức tăng vốn thực hiện từ NSNN năm nay lại đạt cao nhất trong cả giai đoạn, lên tới 34,5%.

Giữ đà tăng trưởng dương trong khi lạm phát vẫn được kiểm soát tốt, cùng năng suất lao động tăng 5,4% so với năm ngoái, đạt 5.081 USD/lao động, còn giúp hạn chế tối đa tác động của dịch bệnh tới túi tiền của từng người dân, giúp kinh tế Việt Nam tạo điểm nhấn trong bức tranh u ám của 2020.

Quy mô nền kinh tế của Việt Nam hiện đã trong top 40 thế giới. Không chỉ là chuyện quy mô nữa, với thách thức COVID-19 chưa từng có, đó còn là minh chứng cho cả chất lượng tăng trưởng của Việt Nam nữa. Điều đó rõ nhất qua đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế.

Cũng tại một diễn biến khác, tờ Asia Times nhận định: Việt Nam là một trong số ít những điểm sáng của bức tranh kinh tế ảm đạm toàn cầu, "được nhiều hơn mất" sau cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu. Hàng loạt các cơ quan truyền thông lớn như New York Times, Forbes, Bloomberg, CNN… cũng nhắc tới Việt Nam như một "điểm sáng" của thế giới, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Cả nước chung tay khống chế COVID-19

Ngày 23/02/2020, Việt Nam ghi nhận ca nhiễm đầu tiên tại với hai trường hợp cha con người Trung Quốc. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã trải qua hai đợt dịch Covid-19 lớn với 1.549 ca mắc. Trong số này, có 693 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 35 ca tử vong là bệnh nhân có bệnh lý nền nặng. Số người mắc và tử vong do Covid-19 của chúng ta tương đối thấp so với các nước trên thế giới.

Ngay từ những ngày đầu, Việt Nam đã có những quyết sách chiến lược, có chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo từ Trung ương tới địa phương, có sự quyết tâm và đồng thuận của các cấp ủy đảng, của Chính phủ, các bộ, ban, ngành và toàn thể nhân dân trong công cuộc đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 và đã đạt được một số kết quả ban đầu trong việc chiến thắng giặc Covid-19.

Năm 2020 là năm của tinh thần, của ý chí người Việt Nam vươn lên trong mọi khó khăn, thử thách (ảnh: internet)

Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt như: Công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra là Bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu và đã áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên toàn quốc vào tháng 4/2020; hạn chế nhập cảnh, cách ly tập trung toàn bộ người từ nước ngoài về; truy vết người tiếp xúc gần, người tiếp xúc với người tiếp xúc; khoanh vùng, cách ly dập dịch…

Một trong những thành công lớn nhất của Việt Nam là việc thực hiện kiên trì 5 phương châm (ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch), 4 nguyên tắc (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Trong đó, việc cách ly tập trung trên diện rộng với thời gian 14 ngày tất cả các trường hợp nhập cảnh về Việt Nam là nỗ lực rất lớn của chúng ta nhằm kiểm soát các nguồn có nguy cơ mắc bệnh.

Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới và cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong số ít quốc gia có hoạt động chống dịch hiệu quả nhất thế giới trong bối cảnh là nước có thu nhập trung bình thấp, đầu tư cho y tế còn nhiều hạn chế.

Khi dịch Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng, một lần nữa Việt Nam lại thành công trong việc áp dụng các chiến thuật trên. Bộ Y tế thành lập Bộ Chỉ huy tiền phương tại Đà Nẵng để chỉ đạo chống dịch, huy động hơn 300 giáo sư, bác sĩ, chuyên gia hàng đầu của Bộ, của các bệnh viện đầu ngành vào giúp Đà Nẵng khoanh vùng, dập dịch và điều trị bệnh nhân nặng.

Có thể nói, năm 2020 là năm của tinh thần, của ý chí người Việt Nam vươn lên trong mọi khó khăn, thử thách, của những chỉ đạo và quyết sách kịp thời; của những doanh nghiệp xoay sở "vượt bão", nơi các doanh nhân – "những người lính thời dịch" nỗ lực từng ngày trong cuộc chiến bảo vệ sinh kế.

Huyền Chi

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu