13:29 ngày 27/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Triển khai thi công dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét

11:45 22/03/2024

(THPL) - Ngày 22/3/2024, tại Quảng Bình đã diễn ra Lễ triển khai thi công dự án cải tạo đường sắt khu vực Đèo Khe Nét, thuộc đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh - Dự án đường sắt đầu tiên ở Việt Nam được thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA từ Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam với giá trị hơn 2000 tỷ đồng.

Sáng nay (22/3), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng tham dự và nhấn nút thực hiện nghi thức triển khai thi công dự án cải tạo đường sắt khu vực Đèo Khe Nét, thuộc đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh. Đây là dự án đường sắt đầu tiên ở Việt Nam được thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA từ Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam với giá trị hơn 2.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cùng các đại biểu thực hiện nghi thức bấm nút triển khai thi công dự án.

Phát biểu tại lễ triển khai thi công dự án, ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, Chính phủ Hàn Quốc, thông qua Quỹ hợp tác phát triển kinh tế EDCF cung cấp khoản vay ODA trị giá 78 triệu USD để tài trợ dự án quan trọng này. EDCF cũng tài trợ dự án cải tạo khu gian Hòa Duyệt - Thanh Luyện, hai dự án này sẽ giải quyết hai điểm nghẽn trên tuyến đường sắt Hà Nội – TP.HCM và cải thiện tuyến đường sắt Bắc -Nam hiện hữu bằng việc nâng cao tốc độ và khả năng khai thác.

Dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét là dự án đầu tiên của EDCF trong lĩnh vực đường sắt tại Việt Nam. Dự án này được mong đợi sẽ củng cố hơn nữa sự hợp tác trong lĩnh vực đường sắt giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc. Dự án sẽ góp phần chuyển giao công nghệ tiên tiến của Hàn Quốc trong lĩnh vực đường sắt, cũng như củng cố hơn mối quan hệ giữa hai Chính phủ. 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trao quà, động viên cán bộ kỹ sư, công nhân của nhà thầu trên công trường

Cũng tại lễ triển khai thi công, ông Ngọ Trường Nam, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết: Việc chúng tôi giảm giá để trúng thầu xuất phát từ kinh nghiệm làm công trình sở trường là hầm đường bộ, đúc kết bài học trong công tác quản trị dự án, ứng dụng cải tiến phương pháp đào, kiểm soát tốt vật tư, vật liệu, nhân công,...góp phần tiết kiệm cho ngân sách nhà nước. Đây cũng là sự chủ động, nâng cao năng lực, kinh nghiệm để chuẩn bị đón đầu công việc phát triển đường sắt, metro của Việt Nam như quy hoạch phát triển của ngành giao thông đã đặt ra.

Để làm tốt các công việc, cần phải tập hợp được đội ngũ nhân sự, kết nối những doanh nghiệp có năng lực chuyên môn, tâm huyết, yêu ngành, yêu nghề và đặc biệt chủ động đào tạo, phát triển nhân lực chuyên sâu. Tập đoàn Đèo Cả sẽ xem dự án này là “thao trường” để triển khai công tác đào tạo. Người công nhân được đào tạo nâng cao tay nghề, kỹ sư có khả năng thực chiến, ứng dụng công nghệ, nhà quản lý có thêm năng lực quản trị. Qua đó, tiếp tục nghiên cứu học tập các mô hình đường sắt trên thế giới để sẵn sàng hòa nhập khi phát triển mạng lưới đường sắt, metro đã được hoạch định trong thời gian tới.

Ông Ngọ Trường Nam, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả phát biểu tại lễ triển khai dự án. 

Ông Ngọ Trường Nam cũng kiến nghị: “Thứ nhất, đối với Chủ đầu tư và tỉnh Quảng Bình: tiếp tục quan tâm, thúc đẩy để tháo gỡ các vướng mắc về đất rừng, hoàn thành công tác GPMB, hỗ trợ các Nhà thầu khi tiếp cận triển khai thi công, đảm bảo nguồn vật liệu cho dự án. Thứ hai, đối với Bộ GTVT: tổ chức tham quan, học tập các mô hình đầu tư, thiết kế, thi công đường sắt, metro trên thế giới, qua đó đồng hành hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam sớm tiếp cận, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào ngành đường sắt của nước ta.

Thứ ba, các bộ ngành trung ương, địa phương: cùng chung tay kiến nghị Chính phủ để sớm giải quyết các bất cập về định mức đơn giá của ngành GTVT nói chung và lĩnh vực đường sắt nói riêng. Đặc biệt, chúng tôi rất mong được sự đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ của lãnh đạo, chính quyền địa phương và toàn thể bà con nhân dân nơi dự án đi qua”.

Triển khai thi công dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét.

Về phía đại diện nhà thầu Hàn Quốc, ông Lee Sang hyun phát biểu: Trong quá trình thi công dự án, chúng tôi rất mong nhận được sự chỉ đạo, giúp đỡ, tạo điều kiện của các Bộ, Ban ngành Trung ương các đồng chí lãnh đạo Bộ GTVT, Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, Quỹ hợp tác và phát triển kinh tế Hàn Quốc EDCF, Ban Quản Lý dự án Đường sắt, tổ chức tư vấn, giám sát, chính quyền địa phương, các cơ quan thông tấn báo chí để dự án được triển khai thuận lợi nhất, đóng góp tích cực vào sự phát triển cơ sở hạ tầng của mạng lưới đường sắt Việt Nam nói chung và của kinh tế vùng nói riêng.

Đại diện nhà thầu thi công Hàn Quốc phát biểu tại lễ triển khai dự án. 

Tháo gỡ “nút thắt cổ chai” đường sắt

Dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh, được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 1890/QĐ-BGTVT ngày 6/7/2010 và được điều chỉnh tại Quyết định số 3351/QĐ-BGTVT ngày 6/12/2027 để đàm phán, ký kết Hiệp định vay EDCF và điều chỉnh được phê duyệt tại Quyết định số 2215/QĐ-BGTVT ngày 27/11/2020.

Dự án gồm 2 gói thầu, gói XL01 thi công xây dựng 2 hầm đường sắt, tổng chiều dài 935m, thời gian thực hiện 23 tháng do liên danh Công ty Ilsung - Tập đoàn Đèo Cả thực hiện. Trong đó, hầm 1 dài 620m, hầm 2 dài 393m, khổ hầm 10m, thiết kế theo tiêu chuẩn hầm đường sắt cấp I. Được biết Liên danh IlSung - Đèo Cả đã vượt qua 02 liên danh khác để trúng gói thầu này. Gói XL02 thi công xây dựng các công trình cầu, đường sắt, thông tin tín hiệu và các công trình còn lại do liên danh Ilsung - Tổng Công ty công trình đường sắt (RCC) thực hiện, thời gian thi công 22 tháng.

Phối cảnh tuyến đường sắt khu vực đèo Khe Nét

Sau lễ triển khai thi công, nhà thầu sẽ huy động lực lượng lớn nhân sự, thiết bị để chính thức triển khai xây dựng. Dự án đèo Khe Nét được xác định là “nút thắt cổ chai” trong tuyến đường sắt Bắc – Nam, sau khi hoàn thành sẽ cải thiện kết cấu hạ tầng đường sắt, nâng cao tốc độ, rút ngắn hành trình chạy tàu tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh trong những năm tới, bảo đảm hoạt động giao thông vận tải đường sắt thống suốt, trật tự, an toàn, nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải.

Sự chủ động Đèo Cả phát triển lĩnh vực đường sắt

Việc đầu tư vào hạ tầng đường sắt được Đèo Cả xác định là hướng đi mới của tập đoàn trong giai đoạn 5-10 năm tới. Để chuẩn bị nguồn lực cho các dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, Đèo Cả đã tổ chức nghiên cứu thực tiễn quá trình đào tạo ngành đường sắt - metro của các nước tiên tiến như Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản,… thông qua các trường như Học viện Công nghệ Singapore (IT), Trường quản trị kinh doanh Hiroshima (Nhật Bản) nhằm chọn lọc “nhập khẩu” chương trình và chuyên gia đào tạo.

Tháng 1/2024, Viện Nghiên cứu - Đào tạo Đèo Cả khai giảng chương trình đào tạo chuyên ngành Xây dựng đường sắt - metro, mở đầu cho chuỗi hoạt động của Tập đoàn Đèo Cả tham gia phát triển nhân lực cho ngành giao thông, “đón đầu” và đáp ứng nhu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực, đặc biệt trong lĩnh vực đường sắt - metro.

Tháng 3/2024, Đèo Cả hợp tác với Trường Đại học Đông Á thành lập Viện Đào tạo thực hành Đèo Cả, trong đó phối hợp triển khai các khóa đào tạo kỹ sư thực hành đường bộ,  đường sắt - metro đến các bậc sau đại học.

Tập đoàn Đèo Cả hướng tới mục tiêu thành lập Trường đại học Đèo Cả - định hướng là đơn vị đào tạo nhân lực chất lượng cao, có năng lực “thực chiến” phục vụ ngành giao thông vận tải uy tín hàng đầu trong nước.

Tên dự án

Dự án Cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét, tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh

Cơ quan thẩm quyền quyết định đầu tư

Bộ Giao thông vận tải

Chủ đầu tư

Ban Quản lý dự án đường sắt

Thời gian thực hiện

  2/2024 – 12/2025

Địa điểm dự án

Huyện Tuyên Hóa, Tỉnh Quảng Bình, Việt Nam

Quy mô

Tổng chiều dài: 6.819m (Xây mới: 4.564m, Cải tạo: 2.255m)

Công trình chính: 2 hầm, 3 cầu và 1 ga

Tú Chi

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu