00:48 ngày 23/12/2024 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Trần Lê Khánh: "Tôi làm thơ để tìm tri kỷ, không phải đi tìm độc giả"

10:08 26/09/2019

(THPL) - Ngày 25/9 tại Đại học Văn hoá Hà Nội diễn ra giao lưu và toạ đàm với tên gọi Xứ - thơ Trần Lê Khánh.

Nhà thơ Trần Lê Khánh sinh năm 1971. Hiện sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trần Lê Khánh sinh ra tại Kim Bôi, Hòa Binh, tốt nghiệp Đại học Kinh tế TPHCM, và có bằng CFA, bằng cấp về phân tích tài chính quốc tế do Viện CFA, Mỹ cấp năm 2004. Trước kia, nghề nghiệp chính là chuyên gia phân tích đầu tư cho các định chế tài chính trong nước và quốc tế.

Trần Lê Khánh vốn chỉ là người yêu văn chương, không tỏ ra có năng khiếu sáng tác. Kể từ năm 2015 trở đi thì Trần Lê Khánh tập trung vào việc làm thơ và tham gia vào các hoạt động văn chương nghệ thuật.

Nhà thơ Trần Lê Khánh. 

Trần Lê Khánh chú trọng vào thơ lục bát và thơ ngắn. Tập thơ Lục Bát Múa trọn bộ là 756 cặp thơ lục bát hai câu, mỗi cặp được xem như một bài thơ ngắn và được kết với nhau thành một trường ca. Về thơ ngắn, tới nay, Trần Lê Khánh đã làm hàng trăm bài thơ ngắn khác nhau và đã được chọn lọc để xuất bản.

Các tập thơ đã xuất bản (NXB Hội Nhà văn Việt Nam) bao gồm Lục Bát Múa (2016), Dòng Sông Không Vội (2017), Ngày Như Chiếc Lá (2018), Lục Bát Múa trọn bộ (2018), Giọt Nắng Tràn Ly (2019) và dự kiến sẽ xuất bản trong năm 2020 tập thơ Xứ. Ngoài ra, một tuyển tập thơ với tên gọi là “Sự Bắt Đầu của Nước” đã được dịch sang tiếng Anh và dự định in ấn và xuất bản tại Mỹ trong thời gian sắp tới.

Có thể nói Trần Lê Khánh khá có duyên với thể thơ lục bát truyền thống. Và anh biết tạo ra sự khác biệt bằng mỗi bài 2 câu độc lập trong một tập thơ liên hoàn như bản trường ca. Trong bài “Múa cùng lục bát”, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu đã viết: “Lục bát còn là tình. Câu lục bát trông như đôi tình nhân: Nàng cao thước sáu còn chàng cao thước tám. Yêu vận: Họ ôm nhau nơi eo lưng mà dạo chơi. Lục bát có thể cười, lục bát có thể khóc. Có thể lả lướt thướt tha. Có thể khúc kha khúc khuỷu. Có thể bình lặng mặt hồ. Có thể sóng cuồng giông tố. Có thể tỉnh tỉnh, có thể điên điên. Có thể nằm dài. Có thể nhảy múa. Trần Lê Khánh mê lục bát và muốn nó nhảy múa. Trông như một điệu luân vũ là lục bát của Khánh”.

Xuất thân từ nhà kinh tế học rồi gắn vào nghiệp thơ ca, nhiều người đặt câu hỏi với Trần Lê Khánh, anh thích mọi người gọi mình với danh xưng gì, một nhà thơ giỏi hay một người làm kinh tế tốt?

Trần Lê Khánh chia sẻ: “Thật sự tôi không nghĩ là tôi muốn mọi người biết đến tôi như là gì cả. Tôi chỉ muốn những bài thơ khi tôi viết ra có sự đồng cảm và có những tri kỷ. Qua đó mình có thể tìm thấy những mối giao cảm, tương tác. Mình có những danh xưng, mình có những tên gọi nhưng mà nó chẳng có ý nghĩa gì cả. Cái lớn nhất là cảm xúc của mình, tâm thức của mình khi mình còn ngồi viết được, còn sáng tác được thì có bao nhiêu cái danh xưng, bao nhiêu cái tên gọi thì cũng không thể nào đánh đổi được. Nó chỉ là cái công cụ giao diện của mình để tương tác với xã hội. Còn thật sự khi mình ngồi xuống thì cái chân tình, cái tâm hồn của mình quan trọng lắm. Và người làm nghệ sĩ đích thực phải gạt qua tất cả những danh xưng đó…

Tôi cũng không nghĩ mình là một nhà kinh tế hay một nhà thơ mà tôi không là gì cả. Tôi chỉ đang trên hành trình đi tìm cái tôi của tôi thôi”.

Mọi người đến tham gia buổi tọa đàm. 

Anh cũng tâm sự, anh mới làm thơ gần đây. Thời gian đầu khi mới xem về thơ anh cảm thấy thơ của mọi người hay hơn hẳn mình. Trước đây anh cũng có đọc những bài thơ của nhà thơ nổi tiếng nhưng không cảm hết được, mỗi khi trăn trở những câu thơ của mình anh lại đọc thơ của những tác giả Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Khuyến, Bùi Giáng... bởi có những câu thơ anh thấy giống như mình lọc được viên kim cương và ngây người trước những vẻ đẹp của nó. Chính vì vậy khi làm thơ anh đi tìm tri kỷ chứ không phải đi tìm độc giả. “Mỗi lần làm thơ xong tôi có quy luật 90-10, tức là 90% bài thơ tôi có thể chỉ làm trong vài phút khi ý tưởng xuất hiện, nhưng 10% có thể mất 1 tháng để đặt tựa bài thơ, nhìn lại câu chữ, cân nhắc chỉnh sửa lại”.

Các khách mời tham gia tọa đàm Xứ. 

Trả lời thắc mắc của mọi người trong buổi tọa đàm Xứ về điểm tương đồng và khác biệt với nhà thơ Nhật Bản Matsuo Bashō và nhà thơ Ấn Độ Tagore, nhà thơ cũng cho biết, khi chưa làm thơ anh không đọc thơ, khi bắt đầu làm thơ anh mới đọc. Khi đọc thơ Matsuo Bashō, vì không biết tiếng Nhật nên anh chỉ đọc bản dịch qua tiếng Việt nhưng anh nghĩ nghĩ những vần thơ ấy đã bị mất đi nét đẹp nguyên thủy.

Anh nghĩ thơ ngắn tiếng Việt có ích lợi rất lớn so với thơ ngắn tiếng Anh hoặc ngôn ngữ khác như tiếng Nhật. Tiếng Việt đơn âm, một từ không có nghĩa gì hết, không đứng riêng được. Một từ tiếng Anh hoặc tiếng Nhật có rất nhiều nghĩa, khi ghép lại vừa có vần điệu, ngữ nghĩa rất rộng. Khi đặt bút làm thơ ngắn với anh là điều rất tự nhiên.

“Nhiều người cùng hỏi tôi là nghĩ sao hiện nay sự quan tâm về thơ ngày càng giảm? Tôi thì nghĩ trước khi trả lời câu hỏi này cần trả lời thơ là gì?

Khi làm những bài thơ ngắn tôi có cảm giác mình tìm những giọt tinh chất nhất, đâu đó trong sự việc, hình thành phong cách thơ ngắn của tôi. Và tôi giật mình thảng thốt rằng tiếng Việt của mình cực kỳ đẹp, có sức mạnh. Tôi nghĩ mình tiếp tục hành trình đi tìm tri kỷ thì sức mạnh đó, sự đồng cảm chia sẻ đó tôi sẽ tiếp tục.

Tôi thấy khi làm thơ rồi đọc thơ Rabindranath Tagore, hay những nhà thơ khác mở và tìm vẻ đẹp trong đó, tôi nhận thấy đó là những bài thơ rất đẹp.

Việc giống nhau, bắt chước hay sự ảnh hưởng hoặc sự khác biệt, tôi không nghĩ sự khác biệt hay giống nhau, đơn giản thơ là sự tự nhiên trong con người, là hành trình”, Trần Lê Khánh thổ lộ.

Ngân An

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu