05:18 ngày 30/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Top 5 mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu tỷ USD trong quý I/2024

07:12 02/04/2024

(THPL) - Theo Bộ Công Thương, với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá trong quý I/2024 đã có những khởi sắc. Đáng chú ý, đến hết quý I/2024, đã có 5 mặt hàng nông lâm thủy sản vào top câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD gồm: Gỗ và lâm sản; cà phê; thủy sản; gạo; rau quả.

Theo báo cáo Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2024 ước đạt 65,09 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 34 tỷ USD. Tính chung quý I/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá ước đạt 178,04 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 93,06 tỷ USD.

Đóng góp vào kết quả trên, đến hết quý I/2024, đã có 5 mặt hàng nông lâm thủy sản vào top câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD gồm: Gỗ và lâm sản; cà phê; thủy sản; gạo; rau quả.

Với mặt hàng gỗ và lâm sản, theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, hết quý I/2024, xuất khẩu gỗ và lâm sản thu về 3,61 tỷ USD. Hiện Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Canada, Anh là các thị trường xuất khẩu chính gỗ và lâm sản Việt Nam. Năm 2024, ngành Lâm nghiệp phấn đấu giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 15,2 tỷ USD, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ là trên 14,2 tỷ USD, tăng khoảng 6% so với năm 2023.

Với cà phê, hết quý I/2024, xuất khẩu cà phê thu về 1,9 tỷ USD, tăng 54% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số kỷ lục lịch sử so với cùng kỳ những năm trước đó.

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT công bố, giá cà phê xuất khẩu trung bình quý I/2024 đạt 2.373 USD/tấn, tăng 6,8%. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), từ đầu năm đến nay, giá cà phê xuất khẩu trung bình ở mức rất cao, lên đến 3.200 USD/tấn.

Gỗ và lâm sản; cà phê; thủy sản; gạo; rau quả là 5 mặt hàng xuất khẩu tỷ USD trong quý đầu năm. Ảnh minh hoạ

Cũng theo ông Hải, từ đầu năm đến nay giá cà phê tăng liên tục, thời điểm cao nhất 102.000 đồng/kg. Bên cạnh mặt lợi là bà con nông dân bán được giá cao cũng xảy ra một số vấn đề như hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng. Từ việc người nông dân không bán cho nhà xuất khẩu mà bán cho đại lý, thương lái dẫn tới đứt gãy chuỗi cung ứng. Giá cà phê tăng cao cũng khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí thua lỗ, không giao hàng đúng hạn. Nhiều người lo lắng, giá cà phê quá cao sẽ khiến các nhà rang xay nước ngoài tìm kiếm nguồn cung mới.

Với mặt hàng thuỷ sản, quý I/2024, xuất khẩu thủy sản thu về 1,86 tỷ USD. Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) là top 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất thủy sản Việt Nam trong quý I/2024. Trong đó, xuất khẩu sang trường Hoa Kỳ bứt phá mạnh hơn hẳn, với mức tăng trưởng 16% đạt 330 triệu USD; xuất khẩu sang Nhật Bản tương đương cùng kỳ; trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) tăng 15%.

Năm 2024, ngành thủy sản đã đặt ra mục tiêu, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 1,3 triệu ha. Tổng sản lượng thủy sản hơn 9,27 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác hơn 3,5 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng hơn 5,6 triệu tấn (tăng 5% so với ước năm 2023). Kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 9,5 tỷ USD.

Với mặt hàng gạo, hết quý I/2024, xuất khẩu gạo thu về 1,37 tỷ USD; giá xuất khẩu gạo trung bình đạt 661 USD/tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù, tình hình thế giới vẫn sẽ có nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu gạo đã có những tín hiệu lạc quan ngay từ những tháng đầu năm 2024. Dự kiến xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục khởi sắc, hướng tới cột mốc kim ngạch 5 tỷ USD.

Liên quan đến ngành gạo, mới đây, Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) vừa chốt hợp đồng 300.000 tấn gạo với các nhà cung cấp. Theo thứ tự, các doanh nghiệp Thái Lan trúng thầu với sản lượng nhiều nhất 117.000 tấn, đứng thứ 2 là Việt Nam 108.000 tấn, phần còn lại từ Pakistan và Myanmar.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, đây cũng là năm thị trường gạo thế giới được dự báo sẽ có nhiều biến động cả về sản lượng, nhu cầu và các chính sách liên quan từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu. Do vậy, đổi mới sản xuất và linh hoạt điều hành xuất khẩu gạo sẽ là điều kiện quan trọng để ngành lúa gạo Việt Nam đạt tăng trưởng như kỳ vọng.

Với mặt hàng rau quả, theo Bộ NN&PTNT, xuất khẩu rau quả thu về 1,23 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt và vượt 1 tỷ USD ngay trong quý đầu tiên của năm. Điều này cho thấy ngành rau quả có nhiều triển vọng tăng trưởng trong thời gian sắp tới. Các thị trường tiêu thụ quan trọng vẫn là Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Thái Lan, Nhật Bản…

Năm 2024, xuất khẩu rau quả kỳ vọng tiếp tục tạo sự bùng nổ nếu dừa tươi và sầu riêng đông lạnh được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho rằng, nếu sầu riêng đông lạnh Việt Nam được cấp phép, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sẽ tăng thêm 30% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này mỗi năm. Còn dừa tươi được dự đoán sẽ mang về 500 - 600 triệu USD từ thị trường tỷ dân.

Bên cạnh những kết quả tích cực, phía Bộ Công Thương cũng cho rằng, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024, nhất là xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như châu Âu, châu Mỹ sẽ có cả những thuận lợi và đối mặt với những thách thức.

Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải, thuận lợi là thị trường các hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư. Cùng với đó, nhu cầu thị trường thế giới nói chung và khu vực thị trường châu Âu, châu Mỹ từng bước phục hồi do lạm phát đã bắt đầu có xu hướng giảm từ cuối năm 2023 và có khả năng tiệm cận mức mục tiêu các Ngân hàng Trung ương đề ra cho năm 2024 (ECB và FED - 2%).

Hơn nữa, việc các nước công nghiệp phát triển tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hoá nguồn cung, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đa dạng hoá đầu tư sẽ giúp Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu…

Bên cạnh thuận lợi là những khó khăn, đó là kinh tế toàn cầu đang bước vào một thời kỳ mới với nhiều rủi ro và thách thức khó đoán định. Tăng trưởng kinh tế thế giới và các nước khu vực châu Âu - châu Mỹ trong năm 2024 được dự báo thấp hơn so với năm 2023. Xung đột địa chính trị tiếp tục kéo dài và bất ổn tiếp tục có nguy cơ lan ra các khu vực khác. Xu hướng phi toàn cầu hoá đang tiếp tục trỗi dậy mạnh mẽ. Chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng.

Hiện các nước phát triển quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, an toàn cho người tiêu dùng đang tiếp tục là tiền đề để dựng lên những tiêu chuẩn, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu.

Việc các nước đa dạng hóa nguồn cung ngoài Trung Quốc, tập trung vào một số đối tác gần thị trường và đối tác tương đương với Việt Nam như Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh... sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam...

Trước những nhận định trên, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, cần theo dõi sát diễn biến thị trường và thay đổi chính sách của các đối tác để đề xuất các giải pháp phù hợp, phát triển đa dạng các thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường mới. Đồng thời, tiếp tục kịp thời thông tin với các Hiệp hội ngành hàng về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường.

Chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các khu vực thị trường thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Cuối cùng là cần khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có, đẩy nhanh đàm phán, ký kết các FTA, liên kết kinh tế mới để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu.

Thanh Mai (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu