05:53 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Tiêu dùng nội địa của Việt Nam sẽ tăng trưởng trong nửa cuối năm 2022

13:02 13/07/2022

(THPL) - Triển vọng 6 tháng cuối năm, Việt Nam sẽ còn tiếp tục tỏa sáng với động lực quan trọng là FDI và tích cực đẩy mạnh chiến lược phát triển bền vững mà ở đó, tài chính đóng một vai trò quan trọng.

Trong báo cáo mới phát hành về kinh tế Việt Nam, Ngân hàng HSBC đã có những phân tích cụ thể, đưa ra nhận định cũng như cảnh báo những rủi ro mà nền kinh tế sẽ gặp phải trong nửa cuối năm 2022.

Theo đó, năm 2022 của Việt Nam đã khởi đầu bằng những bước đi vững chắc. Kiên trì theo đuổi chiến lược “sống chung với virus”, Việt Nam triển khai chương trình tiêm chủng thần tốc và gỡ bỏ dần các biện pháp phòng dịch giúp phục hồi nhu cầu mua sắm trong nước, bức tranh tiêu dùng nội địa khởi sắc trở lại.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm đã tăng lên 11,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,9% (cùng kỳ năm 2021 tăng 1,9%). Đặc biệt, việc mở cửa hoàn toàn từ giữa tháng 3 đóng vai trò hết sức quan trọng với sự phục hồi của ngành dịch vụ. Nửa đầu năm, Việt Nam đón 602.000 lượt khách quốc tế, gấp 6,8 lần so với cùng kỳ năm trước, cũng là dấu hiệu đáng mừng.

Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng vững chắc với tốc độ 8,48% toàn ngành so cùng kỳ năm 2021, trong đó linh kiện điện thoại tăng 22,2%. Chỉ số PMI ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng từ 51,7 điểm trong tháng 4 lên 54,7 điểm trong tháng 5, mức cao nhất trong 12 tháng qua, trước khi lùi một chút về 54 điểm trong tháng 6.

Báo Công an nhân dân đưa tin, nhờ nguồn FDI ổn định trong nhiều năm đổ vào ngành sản xuất công nghệ, Việt Nam đã vươn mình trở thành một công xưởng sản xuất của thế giới. Quan trọng nhất là động lực tăng trưởng chính của Việt Nam đã bắt đầu chứng kiến những bước phục hồi mạnh mẽ khi tình hình thiếu hụt lao động tiếp tục giảm bớt. Tăng trưởng xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.

Các chỉ số đều tích cực góp phần đưa tăng trưởng GDP quý 2 đạt 7,72% so với cùng kỳ năm trước, đưa tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm lên 6,42%. Tất cả các dấu hiệu đều cho thấy Việt Nam đang trên đà phục hồi ổn định, vững vàng. HSBC đã nâng dự báo tăng trưởng cả năm 2022 lên 6,9% (từ 6,2% và 6.6%), nhiều khả năng tốc độ tăng trưởng của Việt Nam sẽ dẫn đầu khu vực.

“Mặc dù tình hình nhìn chung có vẻ lạc quan, song các yếu tố cản trở tăng trưởng vẫn còn đó. Cụ thể, Việt Nam đang gặp một loạt thách thức trong bối cảnh giá nhiên liệu thế giới tăng cao. Điều đó sẽ khiến chi phí nhiên liệu tăng, ảnh hưởng xấu đến cán cân thương mại của Việt Nam. Trong khi đó, giá dầu tăng cao làm tăng chi phí sinh hoạt của người dân, làm chậm quá trình phục hồi tiêu dùng cá nhân, đặc biệt trong bối cảnh thị trường lao động bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Giá năng lượng thế giới không có dấu hiệu hạ nhiệt đẩy giá dầu trong nước liên tục lên những mức cao kỷ lục mới. Chúng tôi đánh giá xu hướng này sẽ còn tiếp diễn, tạo áp lực ngược lại lên lạm phát. Mặc dù chi phí năng lượng cao, lạm phát thực phẩm ở mức độ vừa phải, sản xuất trong nước tương đối ổn định giúp kìm hãm lạm phát toàn phần”, HSBC nhận định.

Tiêu dùng nội địa lấy lại đà tăng trưởng trong nửa cuối năm 2022. Ảnh minh họa

Theo tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, mới đây ngân hàng Standard Chartered cũng đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 ở mức 6,7% và năm 2023 ở mức 7%.

Theo các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Standard Chartered, lạm phát năm 2022 và 2023 của Việt Nam được dự báo đạt lần lượt 4,2% và 5,5%. Lạm phát hiện vẫn trong tầm kiểm soát.

Giá nhiên liệu gia tăng trong khi đó giá các mặt hàng khác trong rổ lạm phát vẫn ở mức khá thấp. Áp lực giá cả, đặc biệt là thực phẩm và nhiên liệu, có thể sẽ tăng vào nửa cuối năm 2022 và trong năm 2023. Điều này sẽ mang đến những rủi ro đối với sự phục hồi của tiêu dùng nội địa vốn mới chỉ diễn ra được một thời gian ngắn.

Dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì lãi suất chính sách ở mức 4% trong năm 2022 và có thể sẽ thực hiện bình thường hóa chính sách vào Quý 4 năm 2023 với việc tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản lên 4,5%.

Ngân hàng Standard Chartered dự báo, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tiếp tục cảnh giác với các rủi ro lạm phát và bất ổn tài chính, đặc biệt trong bối cảnh các rủi ro địa chính trị còn tiếp diễn.

"Tuy nhiên, chúng tôi dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì cách tiếp cận linh hoạt trong năm nay để hỗ trợ các doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước chưa đưa ra tín hiệu về sự thay đổi trong lập trường, cùng với đó, sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam cũng chỉ vừa mới bắt đầu. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy một khả năng là Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tăng lãi suất sớm hơn dự kiến khi lạm phát ngày càng gia tăng và đồng VND mất giá nhanh hơn dự kiến, đặc biệt là nếu Fed tiếp tục lập trường diều hâu.” ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered, chia sẻ.

Báo Hà Nội mới đưa tin, Bộ Công Thương dự báo thời gian tới, triển vọng về tiêu dùng trong nước sẽ tích cực hơn, sản xuất phục hồi, ngành Du lịch mở cửa... giúp kích thích mua sắm, tiêu dùng. 

Việc Bộ Công Thương cũng như các địa phương đã tổ chức nhiều chương trình kết nối giao thương, tạo chuỗi liên kết, đưa hàng Việt đến người tiêu dùng thời gian qua đã hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao, các chuyên gia cho rằng cần tăng cường hơn nữa mối liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất và phân phối, góp phần ổn định giá thành sản phẩm, dịch vụ. Chuỗi liên kết, hợp tác cần tổ chức toàn diện và đồng bộ, giảm tối đa chi phí, giới thiệu sản phẩm có chất lượng đến với người tiêu dùng, đồng thời tiếp cận các thị trường mới.

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông cho biết, Bộ sẽ theo dõi sát diễn biến cung - cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời nhằm bình ổn thị trường. Bộ cũng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để kiểm soát giá cả hàng hóa đầu vào, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn găm hàng, đầu cơ, thao túng giá.

Bảo An (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu