09:18 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Thị trường BĐS năm 2022: Thời điểm “vàng” để phục hồi tích cực

09:54 17/05/2022

(THPL) - Năm 2021 dù bị tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19 nhưng thị trường bất động sản vẫn nóng từ Bắc đến Nam. Bước sang năm 2022, nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng: Hoạt động kinh doanh bất động sản vẫn tiếp tục được đánh giá tích cực vì đây là kênh đầu tư ưu tiên so với các phần còn lại như vàng, chứng khoán và gửi tiết kiệm.

Thị trường BĐS có nhiều “điểm sáng”

Theo nhận định của các chuyên gia BĐS: Nếu đại dịch Covid-19 được khống chế tốt, 2022 sẽ là một năm đầy sôi động của thị trường BĐS. Các động lực quan trọng nhất phải kể đến chính là sự nỗ lực của Chính phủ nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án cơ sở hạ tầng trọng yếu và tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, tốc độ phủ vắc-xin cao và việc đường bay quốc tế được mở lại.

Tại thị trường Hà Nội, giá bán sơ cấp căn hộ tăng 13%, phân khúc cao cấp có mức tăng cao nhất, đứng sau là trung cấp và bình dân. Trong khi đó, tại thị trường TP.HCM, giá bán sơ cấp căn hộ cao cấp gần như đi ngang, bình dân và trung cấp tăng nhẹ với mức tăng khoảng 6%. Căn hộ siêu sang, ngược lại giảm mạnh.

Nếu đại dịch Covid-19 được khống chế tốt, 2022 sẽ là một năm đầy sôi động của thị trường BĐS.

Đối với đất nền, giá nhiều khu vực phía Nam tăng mạnh. Tại TP.HCM, giá bán cao nhất 97 triệu đồng/m2, thấp nhất 48 triệu đồng/m2. Đứng sau đó là Bà Rịa - Vũng Tàu với mức cao nhất 51,2 triệu đồng/m2 và thấp nhất 6 triệu đồng/m2. Long An đứng vị trí thứ ba với mức giá cao nhất 52,7 triệu đồng/m2 và thấp nhất 13 triệu đồng/m2.

Hầu hết các giao dịch trên thị trường cũng tập trung ở phân khúc đất nền với tỷ lệ chiếm 60% tổng giao dịch thành công trong năm 2021. 39,6% giao dịch thành công là chung cư, nhà liền thổ. Hà Nội và TP.HCM là hai thị trường sôi động thu hút sự quan tâm hàng đầu của nhà đầu tư với 91% các giao dịch diễn ra.

Đánh giá về triển vọng thị trường BĐS trong năm 2022, ông Phạm Anh Khôi - Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Tài chính Bất động sản (FINA) khẳng định tại buổi Tọa đàm thường niên FinGroup Invest Summit như sau: “Cơ hội đầu tư bất động sản vẫn luôn luôn còn, dù giá bất động sản đã tăng cao trong suốt năm 2021. Về lâu dài, thị trường bất động sản còn được hỗ trợ bởi cơ sở hạ tầng, đầu tư công với gói hỗ trợ kinh tế lên đến gần 350.000 tỷ đồng, trong đó có gần 114.000 tỷ đồng tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng. Cơ sở hạ tầng phát triển đến đâu, bất động sản sẽ tiềm năng đến đó”.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam chia sẻ: “Dự báo trong năm 2022, nguồn cung trên thị trường BĐS chưa có nhiều cải thiện, do thủ tục đầu tư Dự án vẫn chưa thể tháo gỡ triệt để vướng mắc. Xu hướng giá BĐS tiếp tục tăng ở mức cao, thậm chí có thể mạnh hơn, lực đầu tư vẫn hút vào thị trường này. Tuy vậy, với những nỗ lực của Nhà nước trong quản lý, kiểm soát dịch bệnh, dự báo thị trường BĐS trong năm 2022 là tương đối tươi sáng”.

Đa số các ý kiến đều nhận định, khi đầu tư công, nhất là các dự án về hạ tầng được triển khai sẽ là động lực giúp thị trường bất động sản tăng trưởng mạnh trong năm 2022 và những năm sau đó. Tuy nhiên, cũng cần phải có những chính sách, nhất là chính sách thuế, công khai quy hoạch, phát triển đô thị... để loại bỏ những cơn sốt đất ảo do đầu nậu, cò đất tung tin thổi giá làm nhiễu loạn thị trường như năm 2021.

Nhà đầu tư cần cẩn trọng

Dù thị trường BĐS được dự báo sẽ sôi động trong năm 2022 nhưng tình hình dịch bệnh tiếp tục gây ra một số hạn chế thì tính thanh khoản của tài sản là rủi ro lớn nhất. Do đó, để tránh những rủi ro không đáng có, nhiều chuyên gia đã đưa ra một số lời khuyên cho các nhà đầu tư khi mua bất động sản để ở hoặc đầu tư trong thời gian tới.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay thị trường BĐS vẫn tồn tại những thách thức như siết chặt tín dụng từ hệ thống ngân hàng, sự phát triển nóng và sốt giá ở nhiều địa phương thông qua hoạt động đấu giá gây ra tâm lý hoang mang cho người dân... Tuy nhiên, sau những cú “vấp ngã”, nhà đầu tư trở nên nhạy bén và chặt chẽ hơn trong việc xuống tiền.

Trong năm 2022, thị trường BĐS vẫn có nhiều xung lực mới và phục hồi dựa vào một loạt chính sách vừa được Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh BĐS, gói tài chính, tiền tệ kích cầu nhằm đẩy mạnh phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông kỹ thuật, kết nối vùng có tác động mạnh cho thị trường phát triển.

“Mặc dù thị trường có nhiều lực hút mới nhưng vẫn tồn tại nhiều vấn đề nổi cộm, kéo dài từ những năm trước như sai phạm trong quản lý đất đai, đầu cơ, đẩy giá... Cùng với đó là những sai phạm phát sinh mới như gian lận trong hoạt động chứng khoán, trái phiếu DN, lũng đoạn thị trường thông qua hình thức đấu giá đất, cùng với đó là lạm phát tăng cao làm giá BĐS leo thang”... Nhiều chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư cần phải cẩn trọng khi xuống tiền.

TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, nếu muốn đầu tư vào đâu thì cần nhìn 4 yếu tố: Kết nối và tiềm năng kết nối; sự quan tâm, quyết liệt của chính quyền địa phương; sự quan tâm của nhà đầu tư lớn...

Đặc biệt, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam Sử Ngọc Khương nhấn mạnh: Để tránh những rủi ro không đáng có, nếu nhà đầu tư mua BĐS để ở, sinh sống thì cần cân nhắc đến hạ tầng và tiện tích xung quanh. Nếu các nhà đầu tư lướt sóng, đầu tư ngắn hạn thì cũng phải cân nhắc lại phương án kinh doanh cũng như giảm thiểu kỳ vọng vì thị trường bây giờ không phải kiểu “lướt sóng” của nhiều năm trước nữa. Do vậy, nhà đầu tư cần phải cẩn thận, kết hợp với giảm sử dụng đòn bẩy tài chính, vay ngân hàng khi mà thời gian chờ đợi quá lâu thì công việc lướt sóng của nhà đầu tư sẽ bị hạn chế bởi vì tiền lãi tăng nhưng biên độ lợi nhuận lại không bù đắp được số tiền lãi.

Huyền Chi

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu