18:02 ngày 29/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Tiếp bài “Ba Vì, Hà Nội: Bến bãi VLXD không phép hoạt động nhiều năm” – Bài 2: Hệ lụy khôn lường

09:10 17/01/2022

(THPL) - Không chỉ ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng đường bộ; tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường, các bến bãi VLXD (các bến thủy nội địa) trái phép còn phá vỡ quy hoạch bến thủy nội địa; đe dọa đến sự an toàn hệ thống đê điều. Và đặc biệt là nguy cơ thất thu thuế cho nhà nước.

Ngang nhiên đóng cọc, san lấp, lấn chiếm lòng sông.

Hoạt động bến bãi không phép đã và đang diễn ra một cách nhộn nhịp, công khai tại nhiều địa phương trên địa bàn TP Hà Nội. Trong đó, tại xã Minh Quang, huyện Ba Vì đang là một trong những “điểm nóng”. Thương hiệu & Pháp luật đã có bài phản ánh: “Ba Vì, Hà Nội: Bến bãi VLXD không phép hoạt động nhiều năm, chính quyền xử lý “lấy lệ”?”.

Theo đó, các bến bãi VLXD không phép trên địa bàn xã Minh Quang đã hoạt động trong thời gian dài, trong khi vai trò quản lý của chính quyền địa phương còn hạn chế, xử lý sai phạm có dấu hiệu “lấy lệ”, “nửa vời”. Điều này đã tạo nên những hệ lụy khôn lường và bức xúc trong dư luận.

Hệ lụy thứ nhất, đến từ các hoạt động thương mại, vận tải VLXD tại các bến bãi không phép kể trên. Cụ thể, các đoàn xe tải trọng lớn ra vào các bến bãi “ăn hàng” gây ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng đường bộ; tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường.

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, ra vào những bến bãi không phép này là những “binh đoàn” xe tải trọng lớn, chủ yếu là loại xe “4 chân”. Hầu hết các xe tải này đều có dấu hiệu quá khổ, quá tải, hoạt động bất kể ngày đêm, làm rơi vãi cát xuống đường gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn tới đời sống của người dân ven đường.

Các xe tải trọng lớn sau khi được đắp cát cao thành ngọn, che chắn qua loa, rồi di chuyển theo đường ĐT414 (đường ĐT87A) xuôi hướng trung tâm thành phố Hà Nội. Do cát được xúc trực tiếp từ tàu lên xe tải, nên lượng nước trong cát rất lớn. Cộng thêm số lượng xe vận chuyển cát tương đối nhiều, đã khiến cho cả trục đường mà đoàn xe tải này chạy qua đều bị tắm ướt, cát cũng theo đó mà rơi khắp dọc đường, gây trơn trượt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường và bức xúc trong nhân dân.

Xe chở cát cao thành ngọn, cát rơi vãi dọc đường, gây bức xúc cho nhân dân.

Chứng kiến đoàn xe chở cát lộng hành bất kể ngày hay đêm, một người dân sống trên tuyến đường ĐT414 bức xúc, đoàn xe chạy nhiều đến nỗi mà chiều xuôi theo hướng trung tâm TP Hà Nội ướt đẫm cả một bên, không những thế bằng mắt thường có thể thấy làn đường bị tắm ướt này bị xuống cấp hơn làn đường còn lại rất nhiều. Sợ nhất là mấy cây cầu, ngày nào cũng phải oằn mình chịu đựng sự “áp bức” của đoàn xe tải này thì chẳng mấy chốc thì hỏng.

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, trên đoạn đường mà đoàn xe này chạy qua có đến 3 cây cầu và tất cả đều cắm biển hạn chế tải trọng tối đa là 13 tấn. Tuy nhiên, theo một người trong ngành vận tải đánh giá mỗi xe tải chở cát như trên thì tổng trọng lượng phải từ 40 – 50 tấn. Nếu đánh giá về tải trọng này là chuẩn xác, thì đoàn xe vận chuyển VLXD kể trên là một trong những “thủ phạm” chính dẫn đến việc những con đường có dấu hiệu xuống cấp, nứt nẻ như hiện nay.

Ông Trần Quang Hảo – Phó Chủ tịch UBND xã Minh Quang cũng thừa nhận hệ lụy này: “Các bến bãi bây giờ nó phá đường, làm hỏng đường, cát rơi vãi không thể nào tránh khỏi, bà con nhân dân phản ánh cũng chính xác thôi. Công an huyện cũng lên phạt nhiều rồi, nhưng nó (bến bãi không phép – pv) chủ yếu hoạt động ban đêm nên cũng khó”.

Biển cắm hạn chế tải trọng tối đa cho phép qua cầu là 13 tấn. Thế nhưng những cây cầu này hàng ngày vẫn phải "oằn mình" chịu đựng hàng đoàn xe quá khổ quá tải chạy qua.

Hệ lụy thứ hai, các bãi VLXD trái phép này đều đi kèm với sự hình thành các bến thủy nội địa trái phép, điều này làm phá vỡ quy hoạch bến thủy nội địa; thay đổi kết cấu dòng chảy; đe dọa đến sự an toàn hệ thống đê điều.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại mỗi bến thủy trái phép này, lượng tàu neo đậu rất lớn, mỗi điểm có từ 2 đến 3 máy xúc hoạt động bốc dỡ VLXD liên tục (hoặc máy bơm, bơm cát trực tiếp từ tàu neo đậu dưới sông lên bến tập kết). Theo người dân nơi đây cho biết, mỗi ngày có đến hàng trăm tàu cát cập các bến thủy nội địa trái phép này để “xả hàng”. Lượng VLXD được bốc dỡ ở các bến thủy trái phép này có ngày lên đến hàng vạn khối.

Không những thế, để tối đa năng suất bốc dỡ VLXD, chủ các bến đã cho đóng nhiều cọc sắt, san lấp tạo mặt bằng, lấn chiếm lòng sông. Điều này cũng gây ảnh hưởng đến kết cấu dòng chảy, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, nhất là vào mùa lũ.

Như vậy, bến bãi không phép sẽ làm phá vỡ quy hoạch bến thủy nội địa như phá vỡ lượng hàng hóa; ảnh hưởng mục tiêu phát triển bến thủy nội địa đồng bộ, hiện đại trên địa bàn TP Hà Nội. Hơn thế nữa, điều này đang trực tiếp đe dọa đến sự an toàn hệ thống đê điều trên địa bàn Huyện Ba Vì nói riêng.

Bến bãi VLXD không phép hoạt động nhiều năm, gây ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng đường bộ; tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường.

Và hơn hết, hệ lụy thứ ba mà các bến bãi VLXD không phép này gây ra là gây thất thu thuế cho nhà nước, lợi ích chỉ “chảy” vào túi một số cá nhân, mà hệ quả thì phần đa nhân dân phải gánh.

Do là các bến bãi không phép, nên việc kiểm soát đối với phương tiện ra vào cũng như lượng hàng hóa là rất khó; đặc biệt khó có thể kiểm soát nguồn gốc VLXD. Như vậy, nhà nước không thể thu thuế với các hoạt động của các bến bãi này, mặc dù các bến bãi hoạt động rất nhộn nhịp và với quy mô lớn. Do không phải đóng các loại thuế liên quan cũng như khó kiểm soát được ngồn gốc VLXD nên sẽ ảnh hưởng đến chi phí và giá thành thương mại các loại VLXD, có nguy cơ gây phá giá và nhiễu loạn thị trường VLXD.

Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước chỉ được bổ sung khi lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt theo các quy định của pháp luật tại các bến bãi không phép này. Nhưng có lẽ số tiền phạt đó không thấm là bao so với lợi nhuận mà các chủ bến bãi này thu về.

Như vậy, các bến bãi không phép kể trên, ngoài việc bị xử phạt một số tiền nhất định, hầu như không phải chịu bất kỳ ràng buộc nào với Nhà nước, thậm chí trách nhiệm với xã hội như đảm bảo an ninh trật tự. Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước còn bị thất thu, xã hội phải gánh những hệ lụy khôn lường từ các bến bãi “tặc”, trong khi lợi ích thì chỉ về túi một vài cá nhân. Điều này đã nên gây nên sự bức xúc trong nhân dân, dư luận. Vậy để sảy ra những hệ lụy nêu trên, trác nhiệm thuộc về cá nhân, tổ chức nào? Thương hiệu & Pháp luật sẽ tiếp tục phân tích trong bài 3: “Ba vì, Hà Nội: Bến bãi VLXD không phép hoạt động nhiều năm – Trách nhiệm thuộc về ai?”

Thương hiệu & Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.

Bến bãi VLXD không phép hoạt động nhiều năm - Hệ lụy khôn lường

Thắng Nguyễn - Ngọc Tân

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu