15:49 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Thừa Thiên Huế: Cơ sở đào tạo nuôi trồng thủy sản để hoang phế trong khi sinh viên thiếu chỗ học

13:51 11/06/2021

(THPL) - Trung tâm đào tạo thực hành thực tập nuôi trồng thủy sản ở Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế đã xây dựng được 10 năm. Thời gian qua, cơ sở này ngày càng xuống cấp nghiêm trọng và hoang phế, trong khi sinh viên ngành nuôi trồng thủy sản không có cơ sở thực hành thực tập ở trường nên phải đi xa. Một sinh viên đã tử vong khi đang thực tập ở nơi khác.

Nhằm hỗ trợ các trường đại học đào tạo ngành nuôi trồng thủy sản, Bộ Thủy Sản (trước đây) đã phê duyệt dự án "Xây dựng Trung tâm đào tạo thực hành, thực tập nuôi trồng thủy sản Trường Đại học Nông Lâm – Huế” theo Quyết định số 641/QĐ-BTS, ngày 23 tháng 5 năm 2007. Đến ngày 27 tháng 5 năm 2009, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra quyết định số 1488/QĐ-BNN-NTTS về việc phê duyệt điều chỉnh dự án và kế hoạch đấu thầu dự án xây dựng trung tâm đào tạo thực hành, thực tập nuôi trồng thủy sản Trường Đại học Nông Lâm Huế với kinh phí 33.190.000.000 đồng. Công trình được đưa vào sử dụng năm 2011.

Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ thủy sản được đầu tư trên 33 tỷ đồng. Ảnh: Nguyễn Phương 

Với nguồn ngân sách nhà nước đầu tư trên 33 tỷ vào năm 2009, tỉnh Thừa Thiên Huế và các địa phương ở miền Trung mơ ước có nguồn lực lao động được đào tạo có tay nghề tốt, kết hợp với việc sản xuất con tôm giống sạch bệnh - là một giải pháp giúp ngành nuôi trồng thủy sản ở đây phát triển, như Quyết định số 399/QĐ-TTg ngày 11 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về ‘Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2015”.

Theo tìm hiểu của PV, kể từ khi xây dựng xong cho đến nay, sau 10 năm, mục tiêu dự án đầu tư là đào tạo thực hành, thực tập cho sinh viên ngành Thủy sản Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế đã không đáp ứng được như mong muốn của Bộ NN&PTNT đề ra. Là một cơ sở nằm ở vị trí trong khu du lịch bãi biển Thuận An, Phú Thuận của tỉnh Thừa Thiên Huế, nhưng vì không có hệ thống xử lý chất thải nên cơ sở này đã không thể tiến hành nuôi trồng thủy sản, nhà cửa thiết bị ngày một hoang tàn, lãng phí.

Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ thủy sản xuống cấp trầm trọng và nhếch nhác bề bộn . Ảnh: Nguyễn Phương 

Được biết, cuối năm 2019, các cựu sinh viên của Khoa Thủy sản của Trường ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây đã đề xuất hỗ trợ nhà trường nâng cấp, phục hồi cơ sở này, để vừa phục vụ việc thực hành thực tập cho sinh viên vừa tổ chức sản xuất tôm giống sạch bệnh cho các địa phương ở Thừa Thiên Huế và các tỉnh miền Trung. Trường Đại học Nông Lâm đã đề nghị với Đại học Huế nhưng giám đốc Đại học Huế đã không cho phép Trường Đại học Nông Lâm hợp tác với công ty nuôi trồng thủy sản của cựu sinh viên.

Đầu năm 2021, Khoa Thủy sản đã đưa sinh viên đi thực hành thực tập nuôi tôm tại Công ty CP thực phẩm BIM – Đồng Hòa tại tỉnh Kiên Giang. Trong thời gian thực tập, cuối tháng 4 vừa rồi, em sinh viên H. V. Th. lớp Nuôi trồng thủy sản 52B đã bị điện giật chết tại cơ sở này. Đây là một rủi ro cho sinh viên và một đau đớn quá lớn với gia đình em. 

Trao đổi với PV của Thương hiệu và Pháp luật, ông Trần Thanh Đức – Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Huế cho biết: Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ thủy sản hiện nay được đầu tư vào năm 2006. Đây là một chương trình dự án của ngành thủy sản và được xây dựng hoàn thành vào năm 2012. Năm 2013 thì được đưa vào sử dụng, từ đó đến nay, các công trình trên cơ sở là công trình cũ, chủ yếu là nhà trường quản lí sử dụng cho việc đào tạo, chỗ ở, học tập và nghiên cứu khoa học.

Ông Đức chia sẻ, việc một sinh viên của trường không may thiệt mạng trong khi đi thực tập là rất đau xót và đáng tiếc đối với gia đình và nhà trường. Trong 12 năm qua, cũng có một vài trường hợp đáng tiếc như vậy. Sau khi nhận tin, nhà trường đã cử ngay đoàn công tác 4 người trực tiếp xử lý cùng với công ty và gia đình. Hiện nay, theo kết luận của cơ quan pháp y thì chưa có kết quả cuối cùng. Còn việc lo kinh phí mai táng  thì nhà trường sẽ lo hết sức chu đáo.

Theo ông Đức, ngoài các thủ tục của nhà nước, trường hợp em sinh viên này không đóng bảo hiểm tai nạn ở trường, tức là bảo hiểm thân thể. Theo quy định của nhà trường thì có hỗ trợ bao gồm: Khoa Thủy sản 20 triệu, công ty thì lo tất cả chi phí xe cộ đưa đón, và hỗ trợ chi phí ban đầu 30 triệu và 20 triệu để mai táng.

“Như vậy ngoài những chi phí thuê xe và chi phí đi lại thì công ty hỗ trợ 70 triệu. Sau này nếu có kết quả của pháp y thì công ty cũng cam kết có bảo hiểm tai nạn thì công ty sẽ có hỗ trợ. Nguyên nhân hiện nay thì bên cơ quan pháp luật chưa kết luận được” ông Đức nói.

Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ thủy sản xuống cấp trầm trọng và nhếch nhác bề bộn. Ảnh: Nguyễn Phương 

Trao đổi với PV, lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ thủy sản cho biết: Từ khi tiếp nhận trung tâm đến nay, việc xuống cấp ở trung tâm thì đã được nhà trường hỗ trợ tối đa. Hiện tại trung tâm vẫn đang tiến hành thử nghiệm nuôi tôm và không dùng kháng sinh. Hiện nay các đề tài nghiên cứu tại Huế đang được thực hiện qua đề tài liên kết với bên Nhật, nghiên cứu rong biển. Khả năng xử lý nước thải tại trung tâm được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.

Bà Nguyễn Duy Quỳnh Trâm – Trưởng Khoa Thủy sản Đại học Nông lâm Huế– cho biết: Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ thủy sản chuyển giao qua Khoa quản lí kể từ ngày 13-7-2020. Trong quá trình tiếp nhận để quản lí sử dụng, trung tâm này có mục tiêu chính là phục vụ đào tạo cho sinh viên thủy sản, nâng cao tay nghề cho sinh viên thực hành, thực tập các việc liên quan đến thủy sản.

Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ thủy sản xuống cấp trầm trọng và nhếch nhác bề bộn. Ảnh: Nguyễn Phương 

Bà Trâm cho hay, "trung tâm luôn luôn quan tâm đến vấn đề đưa sinh viên về thực tập. Có hơn 96 lượt đã về thực tập từ lúc chúng tôi tiếp quản cho đến nay".

Trưởng Khoa Thủy sản cho rằng, "đây là một sự cố đáng tiếc, rủi ro của gia đình, khoa, và nhà trường, cái này là sự cố ngoài mong muốn của tất cả mọi người. Liên quan đến vấn đề số lượng sinh viên đi thực tập thì hiện nay chúng tôi gửi hơn 100 sinh viên, có 54 sinh viên hiện nay cũng đang thực tập tại công ty BIM này, đang thực tập ngoài Quảng Ninh và có cũng gần 50 sinh viên đang thực tập tại khu nuôi tôm công nghiệp ở tỉnh Kiên Giang".

“Liên quan đến sự cố vừa qua, sau khi nhận được tin, Khoa Thủy sản và các phòng chức năng của nhà trường ngay tức cùng với gia đình vào tận công ty để xử lý vụ việc để đưa sinh viên về quê lo hậu sự và an táng ”, bà Trâm chia sẻ.

Nguyễn Phương

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu