17:23 ngày 18/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu

19:03 03/03/2022

(THPL) - Ngày 3/3, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ Thường kỳ tháng 2/2022.

Dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng dự phiên họp.

Trong buổi sáng, phiên họp tập trung thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm; tình hình thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; dự thảo chương trình phòng chống dịch COVID-19 giai đoạn năm 2022-2023; công tác chuẩn bị tổ chức SEA Games 31.

Theo báo VOV, phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tháng 2 có Tết Nguyên đán, tình hình quốc tế và trong nước có thuận lợi nhưng có nhiều khó khăn, áp lực lạm phát các nước tăng cao, giá nguyên vật liệu, cước vận tải tăng cao, giá xăng dầu tăng nhanh; tình hình chính trị, quân sự ở Ukraine... cũng tác động tình hình trong nước.

Cùng với đó, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhất là các ca nhiễm do biến chủng Omicron lan nhanh, đặc biệt là sau Tết. Tuy nhiên, nước ta vẫn kiểm soát tình hình; số ca mắc tăng nhanh ở phía Bắc, nhất là Hà Nội, nhưng vẫn kiểm soát các ca chuyển nặng, ca tử vong.

Trong bối cảnh khó khăn như vậy, toàn Đảng, toàn quân, cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực, cố gắng phấn đấu bằng tất cả khả năng. Do đó, tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm tiếp tục có chuyển biến tích cực, khởi sắc, tiếp tục đà phục hồi trên tất cả các lĩnh vực cả về công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, khôi phục thị trường lao động, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm cho nhân dân đón Tết vui tươi, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm. Trong dịp Tết, các ban ngành đã rà soát các đối tượng chính sách, khó khăn, hỗ trợ các yêu cầu lương thực thực phẩm, bảo đảm mọi người, mọi nhà có Tết.

Bắt đầu bước sang tháng thứ 3 của quý I/2022 xuất hiện những khó khăn mới, do đó, Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận kỹ, đánh giá chính xác tình hình, dự báo tình hình tác động kinh tế-xã hội tháng 3 và quý I để đề ra mục tiêu sát với tình hình, có những nhiệm vụ, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo điều hành linh hoạt, sáng tạo, phù hợp tình hình, tạo đà quý I tiếp tục phục hồi và phát triển kinh tế nhanh và bền vững, làm nền tảng thúc đẩy kinh tế-xã hội cả năm 2022 đạt được mục tiêu như Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra và Quốc hội giao nhiệm vụ. Thủ tướng yêu cầu, các đại biểu dành thời gian đánh giá tình hình, dự báo tình hình chính xác để có nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, hiệu quả.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. Ảnh: TTXVN

Tại phiên họp, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng đã phát biểu thảo luận, tập trung đánh giá, phân tích, dự báo tình hình và đề xuất các mục tiêu, giải pháp tiếp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống dịch COVID-19. Trong đó các đại biểu dành nhiều thời gian phân tích kỹ và đề xuất giải pháp thích ứng, khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của tình hình Ukraine, công tác chuẩn bị, kịch bản tổ chức SEA Games 31 trong các tình huống, diễn biến dịch COVID-19; thúc đẩy giải ngân các gói tín dụng phục hồi kinh tế, đầu tư công, các công trình giao thông trọng điểm; chính sách cho lao động mắc COVID-19.

Theo báo Chính phủ, sau khi nghe các ý kiến thảo luận, phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong tháng 2, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của các cấp chính quyền, của nhân dân, doanh nghiệp kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn được giữ vững; an ninh lương thực, an ninh năng lượng được bảo đảm. Nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển ổn định. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm, tăng cường. Chú trọng công tác bảo đảm đời sống nhân dân; Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại được đẩy mạnh. Thông tin, truyền thông được tăng cường, nhất là phục vụ phòng, chống dịch.

Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng cũng chỉ rõ những khó khăn, thách thức như số ca mắc mới, chuyển nặng tăng, gia tăng áp lực lên hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; một bộ phận người lao động phải nghỉ việc để điều trị, cách ly gây tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời.

Ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn tiềm ẩn rủi ro. Lạm phát chịu sức ép từ thiếu hụt nguồn cung, chi phí logistic, giá xăng tăng cao. Đặc biệt, diễn biến tình hình chính trị, kinh tế thế giới phức tạp, khó lường, tác động không nhỏ đến những nền kinh tế có độ mở lớn như nước ta.

Thủ tướng dự báo, tình hình tháng 3 và những tháng tới sẽ tiếp tục có khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi và thời cơ, nhiều diễn biến không dự báo được. Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thời gian tới.

Trước hết, các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi, bám sát, nắm chắc tình hình, diễn biến thế giới và khu vực có liên quan tới các lĩnh vực chỉ đạo, điều hành để chủ động xử lý, giải quyết theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Thứ hai, tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và thực hiện nghiêm các công thức, phương châm phòng chống dịch đã được tổng kết. Bộ Y tế đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh; nghiên cứu, đánh giá tình trạng kháng thể bảo vệ trước SARS-CoV-2 trên phạm vi cả nước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu.

Thủ tướng chỉ đạo thành lập Tổ công tác đặc biệt giải quyết các vấn đề có liên quan tới tình hình Ukraine do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng.

Nhiệm vụ thứ tư là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ, phối hợp chặt chẽ, chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác. Nghiên cứu một số chính sách về thuế, phí để giảm chi phí đầu vào; nâng cao năng lực sản xuất xăng dầu trong nước, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo, xử lý các vấn đề liên quan.

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, nhất là liên quan tới công tác phòng chống dịch, giá cả nguyên vật liệu, xăng dầu…

Cùng với đó, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, nhất là đầu tư cho hạ tầng; kiên quyết điều chỉnh vốn của các bộ, ngành địa phương chưa phân bổ xong kế hoạch vốn trong tháng 3, sau đó kiểm điểm trách nhiệm. Phân bổ vốn tích cực, đúng hướng, khả thi đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tích cực giải ngân vốn ODA, vốn vay nước ngoài.

Thủ tướng nhấn mạnh, cần bám sát chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tập trung hoàn thiện các đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư bảo đảm chất lượng, tiến độ.

Trong tháng 3, các bộ, ngành, địa phương phải hoàn thành phương án, kế hoạch triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và theo phân công.

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện dự thảo chương trình phòng chống dịch bảo đảm sát tình hình để sớm trình ban hành trong tuần này.

Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi, nắm chắc tình hình công nhân, lao động, với các tranh chấp giữa người lao động và người sử dụng lao động cần đánh giá đúng bản chất, xử lý theo quy định pháp luật, giải quyết thỏa đáng, bảo đảm quyền lợi chính đáng của các bên.

Trong tháng 3, các bộ, cơ quan phải hoàn thiện nghị định quy định về cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan, nhất là cơ cấu tổ chức bên trong.

Một nhiệm vụ quan trọng khác là tiếp tục tháo gỡ khó khăn, ách tắc cho người dân và doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh.

Thủ tướng yêu cầu, công tác thông tin truyền thông cần phản ánh kịp thời, chính xác, khách quan tình hình, chú trọng thông tin hướng dẫn người dân và doanh nghiệp trong phòng chống dịch, thúc đẩy phục hồi sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, an dân, phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu.

Thủ tướng lưu ý tập trung chuẩn bị thật tốt cho SEA Games 31. Tiếp tục giải quyết các công việc tồn đọng, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án, doanh nghiệp thua lỗ; rà soát, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là chăm lo cho những người khó khăn, yếu thế, vùng sâu, vùng xa. Việc giải quyết vấn đề hàng hóa tồn đọng tại biên giới cửa khẩu phải vừa có giải pháp trước mắt, vừa có giải pháp lâu dài.

Thủ tướng nêu rõ, phải tiếp tục bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thúc đẩy các hoạt động đối ngoại, hội nhập sâu rộng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an dân.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần "không để đầu năm thong thả, cuối năm vất vả", phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, linh hoạt, sáng tạo trong điều hành, đạt kết quả ngay trong quý I, tạo đà cho cả năm 2022 là năm chiến thắng dịch bệnh, phục hồi nhanh, phát triển bền vững.

Tuấn Kiệt (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu