10:00 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Thép Việt Nam: Cơ hội trong thử thách

13:45 22/06/2020

(THPL) - Sau đại dịch COVID-19, ngành thép Việt Nam thực sự đang phải đối chọi với muôn ngàn thách thức. Đặc biệt, sự dịch chuyển của các ngành cơ khí từ các nước công nghiệp phát triển về Việt Nam hiện nay đang đòi hỏi những đón đầu rất lớn về công nghệ, tự động hóa, máy móc, nhà xưởng, cũng như chuỗi mắt xích những giá trị thặng dư của một ngành công nghiệp then chốt. Ngành thép Việt Nam sẽ bắt nhịp ra sao, đây thực sự là cơ hội lớn trong thử thách không hề nhỏ?

Các doanh nghiệp thép đang đón đầu những dịch chuyển của các công ty nước ngoài về Việt Nam

Tạp chí Thương hiệu và Pháp luật đã có những cuộc phỏng vấn với những nhân vật đầu ngành để làm rõ thêm những cơ hội và thử thách của ngành thép nói chung và kết cấu thép nói riêng. Đó là những sự chuẩn bị để đón đầu những dịch chuyển của các công ty nước ngoài về Việt Nam? Là việc nâng cấp công nghệ giải pháp để tăng năng suất sản xuất? Là năng lực cạnh tranh và công cuộc cải tổ tự bản thân doanh nghiệp? Vai trò quản lý cũng như những chính sách phù hợp của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp? Cuộc cách mạng 4-0 và những sản phẩm chất lượng tương ứng? 

Ông Nguyễn Thế Tuyển, Phó Chủ tịch Hội kết cấu thép miền Bắc: “Muốn dịch chuyển đi lên, DN phải có thêm nhiều công nghệ hiện đại”

Sau đại dịch COVID-19, không chỉ ngành thép đang phải đối chọi với muôn vàn khó khăn và tìm chọn hướng đi phù hợp sẽ là căn nguyên của sự phát triển mới.

Theo báo cáo của Hội kết cấu thép miền Bắc, đơn hàng của các doanh nghiệp đã giảm đi rõ rệt trong 5 tháng đầu năm, khoảng 1/3 khối lượng so với cùng thời điểm của năm 2019. Do vậy, để bù đắp thiệt hại trong 7 tháng cuối năm và chuẩn bị kế hoạch tăng trưởng trong năm 2021, các doanh nghiệp sẽ phải tận dụng triệt để hoàn thành các đơn hàng trong nước và nước ngoài còn tồn tại, đón đầu các đơn hàng mới.

Muốn vậy, tôi cho rằng, các doanh nghiệp kết cấu thép nói riêng sẽ phải tận dụng nguồn lực để cải tạo và nâng cấp nhà máy, đón những nguồn kết cấu thép mới vào Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng không thể bỏ qua khâu then chốt khác là những sản phẩm thép phụ trợ. Các doanh nghiệp cần tiếp tục xây dựng thêm những nhà máy nhỏ hoặc các khu các khu phân xưởng nhỏ sản xuất các phụ kiện cho các nhà máy lớn. Nguồn lợi ích từ đây đem lại sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, điều mà thực tế đã chứng minh, là hướng đi đúng dướng. Bây giờ, chúng ta có thể làm những nhà máy phụ trợ, phụ kiện, sau này, sự tích lũy vượt bậc chúng ta có thể làm những nhà máy lớn hơn, có thể sản xuất chính.

Ông Nguyễn Thế Tuyển, Phó Chủ tịch Hội kết cấu thép miền Bắc

Hiện nay, thực tế cho thấy, thế giới đang có những sự dịch chuyển của các chuỗi cung ứng ngành thép rất lớn, đặc biệt sau hiệp định Việt Nam vừa ký với EU vừa qua. Do vậy, muốn đón đầu nguồn đó, tôi nghĩ rằng phải chắc chắn đảm bảo có được một lượng kết cấu thép rất khổng lồ. Ngoài ra, các nhà máy cơ khí ở Việt Nam, các nhà máy kết cấu thép phải chuẩn bị thêm nhiều máy móc hiện đại, thay đổi công nghệ hiện đại và quan trọng hơn cả là đào tạo những nhân viên để bắt kịp xu thế mới, giảm sức lao động, tăng năng suất lao động sản xuất. Nguyên lý giản đơn, nguồn hàng đổ vào khi chúng ta không có sự chuẩn bị, hoặc nền tảng không phù hợp, cơ hội sẽ dành nước khác.

Tất nhiên, không thể bỏ qua yếu tố tiên quyết là sự điều hành của Chính phủ thông qua những chính sách phù hợp để khôi phục nền kinh tế sau đại dịch. Với ngành thép, đó là chính sách thông thoáng hơn trong cấp phép đầu tư để tìm kiếm các nguồn FDI mới vào Việt Nam. Tiếp đến là những chính sách tập trung, chĩa mũi nhọn triệt để vào các định hướng kinh tế của ngành thép. Thế giới hiện nay, ngoài Việt Nam, nguồn đón dòng FDI còn có cả Ấn Độ, Indonesia. Doanh nghiệp của họ thực hiện phát triển sản xuất rất mạnh và rất bài bản, chuyên nghiệp. Sự tập trung của các quốc gia này là sự cạnh tranh không nhỏ với các doanh nghiệp trong nước. Tôi hay nói vui với các thành viên của hội là chính sách Việt Nam cần làm phải trên “nóng” dưới “cũng nóng”, chứ trên “nóng” dưới “lạnh” thì không thành công được. Chính sách chính là kim chỉ nan, phải là cơ hội thực sự cho doanh nghiệp không chỉ ngành thép.

Ông Hồ Hồng Thiên, Chủ tịch HĐQT Weldcom: “Sự cạnh tranh tạo áp lực phù hợp sẽ cải thiện lợi thế cạnh tranh của cả ngành với thế giới”

Đến giờ phút này, tôi có thể khẳng định, đại dịch COVID 19 và cuộc cách mạng 4.0 hiện nay thực sự là cơ hội trong thử thách. Tôi nói vậy là hy vọng các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, các doanh nghiệp kết cấu thép trong trong nước phải tự cải tổ mình để thu hẹp khoảng cách phát triển công nghệ với các nước thành danh trên thế giới.

Bây giờ, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng cho việc đó, đặc biệt khi chúng ta đã có một thời gian đủ lượng để dịch chuyển ngành cơ khí từ các nước công nghiệp phát triển về Việt Nam.

Phải chăng đây thực sự là cơ hội khi làn sóng dịch chuyển ngành cơ khí từ các nước phát triển về các nước đang phát triển? Thực tế đang chứng minh, sự dịch chuyển đang về Việt Nam thay vì các nước châu Á khác như Trung Quốc, Ấn Độ, một số nước Đông Nam Á khác như Thái Lan, Indonesia, Malaysia… Có nhiều doanh nghiệp lớn như AMEC, IPC… đã và đang tham gia các công trình trọng điểm như SVĐ Quatar, đã xuất khẩu nhiều quốc gia tại châu Âu, châu Á.

Ông Hồ Hồng Thiên, Chủ tịch HĐQT Weldcom

Rõ ràng, việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp Việt Nam đã thể hiện sự đảm bảo việc đủ tiêu chuẩn, sự đồng đều để sản xuất ra hàng loạt. Ngoài ra, điều đó cũng thể hiện việc đầu tư hiện nay không còn là tự phát, hay xu thế dòng chảy máy bãi, các rác thải công nghệ của những năm trước mà là những sản phẩm chất lượng phục vụ lợi ích lâu dài. Sự phát triển là từ đó.

Với Weldcom, đơn vị chuyên cung cấp các giải pháp công nghệ không chỉ lĩnh vực kết cấu thép, chúng tôi đã chuẩn bị bằng việc đầu tư cho nghiên cứu phát triển theo chiều sâu, định hướng lên các công nghiệp 4.0. Đó là những nền tảng tự đông hóa để nâng cao năng suất lao động, ít phụ thuộc vào kinh nghiệm của những công nhân lành nghề. Đó là chuỗi quản lý hệ thống máy móc được tự động hóa, là những giải pháp và dịch vụ cung cấp tiến tới một chi phí thấp nhất, chất lượng sản phẩm không ngừng nâng cao. Là những thiết kế giải pháp dây chuyền, tích hợp tự động hóa vào dây chuyền, kết hợp phần cứng, phần mềm CAM, phần mềm thiết kế, cũng như hệ thống kết nối vạn vật IOT để quản lý nhà máy theo công đoạn tự động hóa.. Đây là nền tảng thiết kế một nhà máy kết cấu thép thông minh, cũng như các nhà máy cơ khí thông minh thay vì phải đi mua, phân mảnh. Tôi cho rằng, doanh nghiệp muốn phát triển không thể tách rời tự nâng cao công nghệ của sản xuất.

Ngoài ra, tất nhiên không thể không nhắc tới yếu tố cạnh tranh nữa. Tôi cho rằng, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp kết cấu thép là khách quan, là tất yếu của việc chuyển từ theo cơ hội thị trường, có nhiều yếu tố ảnh hưởng kinh doanh. Nay, chuyển sang sản xuất kinh doanh có hệ thống. Việc cạnh tranh tạo áp lực phù hợp sẽ cải thiện lợi thế cạnh tranh của cả ngành với thế giới. Chúng ta cần tận dụng tốt cơ hội này.

Ông Nguyễn Thái Sơn, PGĐ Công ty Ống thép Hòa Phát: “Tương lai của phát triển phải là công nghệ”

Ông Nguyễn Thái Sơn, PGĐ Công ty Ống thép Hòa Phát

Trong đại dịch COVID-19, ngành ống thép tuy không thiệt hại nặng nề song rõ ràng hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty Hòa Phát có sụt giảm. Theo báo cáo, Quý 1/2020 sản xuất kinh doanh giảm 10%. Tuy nhiên, do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nên chúng tôi vẫn duy trì được công việc. Sau dịch bệnh, sản lượng và doanh thu đã tăng trưởng trở lại, đặc biệt trong tháng 5 và tháng 6, ống théo Hòa Phát đã tăng trưởng 15-20%.

Tôi cho rằng, đó không phải là mục tiêu chính của sự phát triển, đặc biệt trong thời đại 4.0 hiện nay. Tương lai của phát triển phải là công nghệ, tạo nên chất lượng sản phẩm, là điều then chốt để gây dựng nên thương hiệu đối với người tiêu dùng. Chúng tôi áp dụng nhiều công nghệ, ví dụ như phần mêm bravo tính năng suất, lương, chi phí sản xuất. Toàn bộ hệ thống SP các công đoạn đều áp dụng mã vạch kiểm soát hàng tồn kho để truy suất nguồn gốc, kiểm soát chất lượng sản phẩm. Là một doanh nghiệp có 25 năm sản xuất ống thép, chất lượng sản phẩm là kim chỉ nan để duy trì vị trí dẫn đầu trong thị trường Việt Nam.

Hiện tại Hòa Phát có tỷ lệ doanh thu nội địa 97, 98%. Chúng tôi đặt mục tiêu xuất khẩu tăng 3-5% vào các thị trường ở nước ngoài trong thời gian tới.

Tuấn Việt (thực hiện)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu