19:46 ngày 18/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Thanh Hóa: Công nhận nhiều làng nghề, nghề truyền thống

15:07 23/06/2022

(THPL) – UBND tỉnh Thanh Hóa vừa tổ chức cuộc họp công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống tỉnh Thanh Hóa. Tại Hội nghị đã xem xét công nhận 18 nghề và làng nghề đủ điều kiện, gồm 5 nghề truyền thống, 7 làng nghề, 6 làng nghề truyền thống.

Xem xét công nhận 18 nghề và làng nghề truyền thống

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo năm 2022, Thanh Hóa có 18 hồ sơ đề nghị xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề và nghề truyền thống.

Sau khi xem xét hồ sơ và tham khảo ý kiến của các ngành chức năng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị Hội đồng xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống năm 2022 cho 18 nghề và làng nghề đủ điều kiện, gồm 5 nghề truyền thống, 7 làng nghề, 6 làng nghề truyền thống.

Làng nghề dệt thổ cẩm ở Cẩm Thủy, Thanh Hóa.

Sau khi các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến, Hội đồng đã tiến hành bỏ phiếu công nhận các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống năm 2022.

Kết quả: 100% phiếu đồng ý nghề dệt thổ cẩm bản Na Chừa, xã Mường Chanh, huyện Mường Lát; nghề mộc thôn Long Thịnh, thôn 1 Yên Lược, thôn 2 Yên Lược, thôn 3 Yên Lược, thôn 1, thôn 3, thôn 4 xã Thuận Minh; nghề làm kẹo lạc thôn Phú Cường, thôn Phú Thọ xã Phú Xuân, huyện Thọ Xuân; nghề làm mắm tép thôn Trung Tâm và thôn Trung Chính, xã Yến Dương; nghề đan cót thôn Yên Thôn, xã Hà Hải, huyện Hà Trung được công nhận là nghề truyền thống.

Các đại biểu tại hội nghị

Có 7 thôn được công nhận là làng nghề sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh, gồm: thôn 3, thôn 4 xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn, thôn Ngọc Diên 1, thộn Ngọc Diên 2, thôn Chính Đa, thôn Phú Lương, thôn Thanh Xuân, xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương.

Làng nghề truyền thống được công nhận, gồm: nghề sản xuất rượu cần thôn Tân Thành, xã Thành Lâm, huyện Bá Thước; nghề làm miến gạo, thôn Phú Cường, xã Phú Xuân; nghề làm nón lá ở các thôn 3, thôn 4 xã Thọ Lộc, huyện Thọ Xuân.

Riêng hai làng nghề làm nước mắm Khúc Phụ, thôn Hợp Tâm, thôn Bắc Sơn xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa Hội đồng thống nhất cần khảo sát thêm và để lại xem xét công nhận ở lần sau.

Nghề đúc đồng ở Thiệu Trung, Thiệu Hóa.

Phát biểu kết luận hội nghị ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng ghi nhận và biểu dương Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương đã có rà soát, đánh giá sát sao, lập hồ sơ đề xuất công nhận nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống trên địa bàn. Từ đó, đã hỗ trợ các nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống phát triển bền vững và ngày càng hiệu quả.

Để nghề, làng nghề phát triển bền vững và ngày càng hiệu quả hơn nữa các địa phương cần tăng cường đào tạo, ứng dụng công nghệ, phối hợp với các cơ quan tuyên truyền đẩy mạnh quảng bá sản phẩm làng nghề, từ đó thúc đẩy phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ và ngày càng tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống của người dân, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nông thôn mới.

Đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa sớm hoàn tất hồ sơ trình UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét, ra quyết định công nhận các nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống năm 2022.

Chú trọng phát triển nhiều nghề, làng nghề truyền thống

Theo đó việc phát triển các nghề truyền thống có ý nghĩa lớn đối với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động ở địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, hiện nay, nghề truyền thống cũng đang gặp phải những khó khăn, thách thức, nhất là về vốn, quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ, đầu tư công nghệ... Vì vậy, việc tìm các giải pháp căn cơ cụ thể để phát triển bền vững nghề truyền thống là vô cùng cần thiết.

Tại huyện Quảng Xương là địa phương nổi tiếng với nghề sản xuất chiếu cói truyền thống. Hiện, toàn huyện có hơn 500ha diện tích đất trồng cói, tập trung ở các xã Quảng Phúc, Quảng Trường, Quảng Khê, Quảng Long, Quảng Ngọc và Quảng Văn; sản lượng cói đạt gần 7.000 tấn/năm.

Nghề bánh gái Tứ Trụ ở huyện Thọ Xuân.

Để nâng cao hiệu quả kinh tế từ nghề trồng và chế biến sản phẩm từ cói, những năm qua, huyện Quảng Xương đã có nhiều cơ chế, khuyến khích, động viên, tạo điều kiện cho những hộ có tâm huyết với nghề được vay vốn để đầu tư mua máy dệt chiếu, mở rộng sản xuất; duy trì và mở rộng vùng trồng cói để đáp ứng yêu cầu nguồn nguyên liệu cho sản xuất. Bên cạnh đó, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, truyền nghề; khuyến khích phát triển các sản phẩm trên cơ sở ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm về mẫu mã, kiểu dáng; nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, huyện còn chú trọng thành lập các HTX để hỗ trợ người dân sản xuất cũng như trở thành “cầu nối” giúp người dân tiêu thụ sản phẩm; tham gia các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm. Hiện, toàn huyện có khoảng 450 máy dệt chiếu, các loại máy kéo sợi, máy may bìa...

Nghề nuôi tằm kéo tơ ở Thiệu Đô, Thiệu Hóa.

Nghề dệt chiếu cói Quảng Xương không chỉ mang lại lợi nhuận cao cho các hộ chủ máy mà còn giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương, với thu nhập từ 3 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Đa dạng về mẫu mã, bền về chất lượng nên chiếu cói Quảng Xương không chỉ thu hút khách hàng trong tỉnh mà còn chiếm lĩnh ở thị trường ngoài tỉnh, như Ninh Bình, Nam Định, Nghệ An, Hưng Yên... và xuất bán ra các nước như Trung Quốc, Lào, Thái Lan.

Không chỉ có vậy là một trong những “đất nghề” của xứ Thanh, huyện Thọ Xuân được biết đến với các nghề, như làm bánh lá răng bừa, đan nón lá, nem nướng, bánh gai, kẹo lạc, nghề mộc... Với mục tiêu duy trì, phát triển nghề truyền thống, huyện đã ưu tiên một phần kinh phí hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa của người dân.

Nghề rèn xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc.

Bên cạnh đó, thông qua các chương trình, dự án, huyện thực hiện lồng ghép nguồn kinh phí nhằm khuyến khích các cơ sở sản xuất đầu tư các loại máy móc hiện đại, nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; nhất là tạo điều kiện hỗ trợ phát triển thị trường đối với các sản phẩm truyền thống đặc trưng của huyện.

Hiện nay, một số nghề truyền thống đang phát triển mạnh tại các địa phương trong tỉnh, như: đúc đồng Trà Đông, mây tre đan Hoằng Thịnh, mộc Đạt Tài, bánh gai Tứ Trụ, chiếu cói Nga Sơn, dệt nhiễu Hồng Đô... Tuy đa dạng, phong phú nhưng vấn đề đặt ra là làm thế nào để duy trì và phát triển các sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Nghề trạm khắc đá ở Nhồi.

Khó khăn của các nghề truyền thống hiện nay là nguồn vốn đầu tư cho sản xuất còn hạn chế, hầu hết các cơ sở sản xuất trong làng nghề chủ yếu là nông hộ, quy mô nhỏ lẻ, thiếu kinh nghiệm quản lý sản xuất; chưa chú trọng đầu tư máy móc thiết bị, công tác quảng bá sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định. Bên cạnh đó, việc thiếu hụt lao động tay nghề cao là một trong những lý do khiến nhiều làng nghề chậm phát triển và có nguy cơ mai một. Vì vậy, thời gian tới, các địa phương cần hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ứng dụng khoa học - kỹ thuật, cải tiến thiết bị, đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Mở rộng quy mô đào tạo và đa dạng các hình thức dạy nghề nhằm tạo ra những người có trình độ sản xuất, kinh doanh giỏi, có khả năng tiếp nhận những nghề mới; khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi dạy nghề, truyền nghề và thiết kế mẫu mã kiểu dáng sản phẩm để tạo ra các sản phẩm giữ được nét truyền thống và đáp ứng được thị hiếu, nhu cầu của thị trường. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá các sản phẩm truyền thống của địa phương, các hội chợ triển lãm, khai thác thị trường tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, đơn giản hóa thủ tục vay vốn để các hộ kinh doanh, doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn được tiếp cận vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Hi vọng trong thời gian tới, với sự quan tâm đầu tư đúng đắn của tỉnh Thanh Hóa nhiều làng nghề, nghề truyền thống sẽ được quan tâm tạo điều kiện phát triển hơn nữa để sớm đưa tỉnh Thanh Hóa thành một tỉnh phát triển toàn diện về mọi mặt, trong đó việc phát triển nghề, làng nghề truyền thống là một thế mạnh của người dân xứ Thanh.

Duy Duẩn

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu