12:57 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Thanh Hóa: Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị nâng cao năng lực cạnh tranh cấp cơ sở trong Bộ chỉ số DDCI hàng năm

14:55 11/05/2022

(THPL) – Tại Hội nghị lần đầu công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện (DDCI) năm 2021 tại tỉnh Thanh Hóa, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã đề nghị các ngành, các địa phương cần tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Thanh Hóa, góp phần đưa Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tiếp tục được cải thiện trong thời gian tới.

Sáng nay ngày 11/5, UBND tỉnh Thanh Hoá tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện (DDCI) năm 2021.

Tham dự hội nghị có các ông: Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các Ban Tuyên giáo, MTTQ, UBKT…. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương và các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp (DN) tỉnh Thanh Hóa.

Các đại biểu tại Hội nghị.

Về phía đại biểu Trung ương, có Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hoàng Quang Phòng; Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Giám đốc Dự án PCI, Đậu Anh Tuấn.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đại diện lãnh đạo Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa báo cáo quá trình triển khai khảo sát Bộ Chỉ số DDCI năm 2021, bảo đảm các nguyên tắc thực tế, chính xác, khoa học, minh bạch, đặc biệt là mang tính bảo mật cao.

Theo đó, Ngày 10/11/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 4511/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025.

Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa trao biểu trương cho các đơn vị đạt thành tích cao.

Bộ Chỉ số DDCI Thanh Hóa được xây dựng gồm 8 chỉ số thành phần: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin, tính năng động và vai trò của người đứng đầu, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ DN, thiết chế pháp lý, tiếp cận đất đai. Trong đó, các chỉ số từ 1 đến 7 được dùng để chấm điểm, xếp hạng đối với nhóm 25 sở, ban, ngành cấp tỉnh; các chỉ số từ 1 đến 8 được dùng để chấm điểm, xếp hạng đối với nhóm 27 UBND cấp huyện, thị xã, thành phố.

Ngoài ra, DDCI Thanh Hóa còn khảo sát thêm một số nội dung tuy không phù hợp để tính điểm xếp hạng giữa các đơn vị trong cùng một nhóm, nhưng lại có tác động lớn tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN, có ý nghĩa quan trọng đối với môi trường kinh doanh của tỉnh, như: Gia nhập thị trường, đào tạo lao động, hiệu quả của hệ thống cơ quan tư pháp, vai trò của hiệp hội, nhu cầu hỗ trợ của DN.

Ông Đỗ Minh Tuấn, Phó bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trao kỹ niệm trương cho các đơn vị cấp cơ sở đạt tóp đầu.

Ngay sau khi tỉnh Thanh Hóa ban hành đề án, là đơn vị được giao chủ trì, VCCI Thanh Hóa đã chủ động và tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan để khẩn trương triển khai các nội dung của đề án, bám sát các mục tiêu, yêu cầu, nguyên tắc, tiến độ đã được phê duyệt. Đơn vị đã tập hợp danh sách các DN, HTX, hộ kinh doanh trên cơ sở danh sách từ Cục Thuế tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng 52 đơn vị tham gia đánh giá.

Trong quá trình lựa chọn DN tham gia khảo sát, VCCI Thanh Hóa cũng đã chủ động phối hợp chặt chẽ với 3 hiệp hội DN lớn của tỉnh là: Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa, Hiệp hội Doanh nhân nữ tỉnh Thanh Hóa, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ công tác lựa chọn DN bảo đảm cơ cấu và tính trung thực, khách quan.

Ông Đỗ Minh Tuấn, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị.

Sau khi lựa chọn cơ cấu DN, đã có 4.450 DN được lựa chọn để gửi phiếu khảo sát bản in. Ngoài khảo sát bằng phương pháp bưu chính, cán bộ khảo sát đã đa dạng hóa các hình thức khảo sát trực tiếp, khảo sát online, khảo sát qua điện thoại… để bảo đảm tiến độ đề ra. Kết quả, có 1.124 đơn vị tham gia khảo sát với 2.048 phiếu khảo sát hợp lệ để đưa vào xử lý dữ liệu tính toán, xếp hạng.

Kết quả công bố Bộ chỉ số DDCI Thanh Hóa năm 2021, khối các đơn vị sở, ngành có 5 đơn vị xếp hạng tốt gồm: Sở Công Thương, Cục Hải quan tỉnh, Sở Tư pháp, Văn phòng UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh. Trong đó, đứng đầu bảng xếp hạng là Sở Công Thương với số điểm 78,66 điểm. Có 13 đơn vị được xếp thứ hạng khá và 4 đơn vị xếp ở thứ hạng chưa tốt. 3 đơn vị có số phiếu phản hồi thấp không đủ điều kiện khách quan để đánh giá là: Ban Dân tộc, Sở Nội vụ và Kho bạc tỉnh.

Ở khối các huyện, thị xã, thành phố, có 7 đơn vị xếp ở nhóm tốt gồm UBND các huyện: Thọ Xuân, Nông Cống, Nga Sơn, Như Thanh, Mường Lát, Đông Sơn, Quan Sơn. Trong đó, UBND huyện Thọ Xuân đứng đầu bảng xếp hạng với 87,55 điểm. Có 17 đơn vị xếp thứ hạng khá và 3 đơn vị xếp ở thứ hạng chưa tốt.

Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa đã thể hiện sự kỳ vọng: Với kế hoạch đánh giá bộ chỉ số DDCI hàng năm, tập hợp tiếng nói của cộng đồng DN một cách khách quan sẽ góp phần nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ hành chính công từ cấp cơ sở, từ đó tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong thời gian tới.

Theo lãnh đạo VCCI cho biết, để đánh giá DDCI là sự trao quyền cho DN, nhà đầu tư, để họ đóng góp tiếng nói và giám sát các hoạt động điều hành kinh tế từ cấp cơ sở. Việc làm này sẽ đặt các các sở, ngành, địa phương của tỉnh vào tâm thế thường trực cải cách và nâng cao chất lượng hành chính công, thay vì việc rà soát, cải cách mỗi khi xảy ra sự cố.

Phát biểu tại hội nghị công bố Bộ Chỉ số DDCI tỉnh Thanh Hóa năm 2021, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, khẳng định: Trước yêu cầu khách quan phải cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Thanh Hóa, tạo môi trường thuận lợi nhất cho thu hút đầu tư phát triển, các Nghị quyết, chương trình hành động của BCH Đảng bộ tỉnh đã xây dựng những lộ trình cụ thể trong việc cải thiện thứ hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng (SIPAS) nằm trong nhóm tốt của cả nước. Để từng bước hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng và phê duyệt Đề án đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và UBND cấp huyện tỉnh Thanh Hóa, với mục tiêu tạo sự chuyển biến trong các khâu cải cách hành chính, hỗ trợ DN, nhà đầu tư và người dân từ cấp cơ sở.

Để tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự đột phá trong thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, góp phần phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra, sớm đưa Thanh Hóa trở thành một tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, là một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị các cấp, các ngành, VCCI Thanh Hóa và cộng đồng DN tập trung nỗ lực, phấn đấu cao hơn nữa trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao, hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa cho các DN, nhà đầu tư khi thực hiện đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh công khai, minh bạch, thuận lợi, trong đó ưu tiên đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền số để dẫn dắt, thúc đẩy kinh tế số, xã hội số phát triển. Nghiên cứu, bám sát thực tiễn của địa phương, đơn vị để chủ động, tích cực, sáng tạo thực hiện có hiệu qủa Khâu đột phá về đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, giai đoạn 2021 - 2025; trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, tăng cường cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính để phục vụ người dân, DN ngày càng tốt hơn theo phương châm “4 tăng, 2 giảm, 3 không”.

Cùng với đó, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh cũng khẳng định, kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện tỉnh Thanh Hóa năm 2021 công bố ngày hôm nay phải là sản phẩm có ý nghĩa và tác dụng mạnh mẽ để các ngành, các địa phương, đơn vị tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Thanh Hóa, góp phần đưa Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tiếp tục được cải thiện trong thời gian tới. Đồng thời, đề nghị các DN nâng cao trách nhiệm, kịp thời phản ánh, kiến nghị, đối thoại với người đứng đầu chính quyền địa phương các cấp để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng cũng phải thực sự công tâm, khách quan trong việc trả lời mẫu phiếu khảo sát đánh giá DDCI tỉnh; nâng cao tính phản biện, góp ý hoàn thiện quy trình, phương pháp và nội dung phiếu khảo sát đánh giá DDCI tỉnh Thanh Hóa hàng năm.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các cấp, các ngành trong tỉnh và cộng đồng DN tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ VCCI Thanh Hóa hoàn thiện phương pháp, quy trình, nội dung đánh giá DDCI tỉnh Thanh Hóa; trong đó, VCCI Thanh Hóa cần phải thực sự cầu thị, tiếp thu với tinh thần đổi mới, năng động, mở rộng tham khảo các địa phương trong toàn quốc để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Đề án đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và UBND cấp huyện tỉnh Thanh Hóa, làm cơ sở để nâng cao chất lượng khảo sát, đánh giá kết quả DDCI của tỉnh hàng năm bảo đảm thực chất, khách quan, minh bạch; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới.

Duy Phúc

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu