17:53 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Tết Nhâm Dần 2022: Hàng hóa phong phú, người dân dè dặt chi tiêu

13:18 27/01/2022

(THPL) – Lượng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên Đán Nhâm Dần phong phú, đa dạng cả về số lượng lẫn mẫu mã. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID – 19 nên người dân thắt chặt chi tiêu, lượng mua sắm giảm sút.

Siêu thị bình ổn giá, nhiều chương trình kích cầu mua sắm

Để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân dịp Tết Nhâm Dần, AEON Việt Nam đã chuẩn bị lượng hàng hóa Tết tăng khoảng 15% với những ưu đãi tốt về giá so với Tết Tân Sửu 2021.

Hệ thống siêu thị như Big C, Coop Mart...., trưng bày hàng hóa Tết tăng gấp 2 – 3 lần so với những tháng bình thường, ở những không gian, vị trí phù hợp, thuận “tầm mắt” khách hàng. Các siêu thị cũng tung ra các chương trình khuyến mại, giảm giá, quà tặng.... hấp dẫn nhằm kích cầu tiêu dùng.

Giỏ hàng Tết với những mặt hàng thiết thực, giá cả hợp lí được các nhà bán lẻ lựa chọn đưa ra thị trường. 

Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) đã thực hiện dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu, với tổng giá trị lên đến gần 6.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm trước.

Trong đó, phần lớn ngân sách ưu tiên đầu tư cho trữ lượng nhóm hàng bình ổn thị trường, gồm: gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản. Còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm khác và các loại đặc sản Tết.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc Khối vận hành hoạt động Co.opmart, từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tại điểm bán lẻ của Saigon Co.op sẽ diễn ra chuỗi chương trình giảm giá trực tiếp đến 50% cho hơn hàng nghìn sản phẩm Tết và 10 ngày cận Tết có thể tiếp tục giảm giá sâu hơn để giảm áp lực mua sắm cho người dân.

Trong kế hoạch cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nhâm Dần 2022 trên địa bàn TP.HCM, Sở Công Thương TPHCM cho biết, doanh nghiệp bình ổn thị trường chuẩn bị nguồn vốn dự trữ, cung ứng hàng hóa cho 02 tháng Tết là 19.881 tỷ đồng. Trong đó, giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 7.221 tỷ đồng.

Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết (từ ngày 01 đến 30 tháng Chạp), tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị là 11.024 tỷ đồng, hàng bình ổn thị trường hơn 4.182 tỷ đồng.

Sở Công Thương Hà Nội cũng ban hành kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 trên địa bàn thành phố. Theo đó, tổng giá trị hàng Tết sẽ đáp ứng đủ nhu cầu của khoảng 10,33 triệu người hiện đang sinh sống, làm việc, học tập tại đây. Giá trị hàng hóa ước đạt khoảng 39.000 tỷ đồng (tương đương với kế hoạch phục vụ Tết năm 2021). 

Thông tin từ bà Phạm Thị Ngọc Lan, Phó Giám Co.op Food miền Bắc, đơn vị đã tập kết nguồn hàng, cũng như dự kiến các đơn hàng để làm việc với các nhà cung cấp, nhằm đảm bảo giá cả bình ổn.

Theo bà Ngọc Lan, do 2 năm dịch COVID – 19 hoành hành nên người tiêu dùng tính toán thắt chặt chi tiêu. Do đó, đơn vị bán lẻ cũng tính toán để đưa ra những combo hàng hóa thực sự phù hợp với người tiêu dùng, đồng thời với sự hỗ trợ tốt từ phía nhà cung cấp. Chính vì vậy, người dân sẽ không phải quá lo lắng khi móc hầu bao mua sắm Tết.

Bà Tạ Thị Minh Hợp - giám đốc cung ứng hệ thống bán lẻ VinMart/VinMart+ - cho hay, nhà bán lẻ đã dự báo sức mua Tết Nhâm Dần 2022 giảm nhẹ so với cùng kỳ Tết 2021 vì trong năm nhiều người bị giảm thu nhập, tỉ lệ thất nghiệp cao dẫn đến khách hàng thắt chặt chi tiêu. Người tiêu dùng sẽ có xu hướng chỉ tập trung chủ yếu vào các mặt hàng cơ bản như: hàng tươi sống, thực phẩm thiết yếu và một số mặt hàng có tính thời vụ như bánh kẹo, bia, nước giải khát, rượu... chứ không vung tiền mua hàng hóa xa xỉ, nặng tính hình thức.

Nắm bắt được xu hướng sắm Tết trong "thời kỳ COVID", các nhà sản xuất cũng tập trung vào các nhóm mặt hàng thiết yếu, cắt giảm chi phí ở mẫu mã, hình thức để hạ giá thành, tiết kiệm tiền cho người tiêu dùng. Đồng thời, nhà sản xuất cũng tính toán chia nhỏ gói hàng với nhiều mức giá để người dân dễ dàng lựa chọn hơn. 

Cửa hàng bán lẻ vắng khách, mua sắm online tăng

Do đại dịch COVID -19 đã ròng rã 2 năm cùng các đợt phong tỏa kéo dài khiến thu nhập của người dân giảm sút, buộc họ phải tính toán, tiết kiệm chi tiêu. Chính vì vậy, xu hướng mua sắm hàng Tết Nhâm Dần chỉ tập trung vào các mặt hàng thiết yếu: thực phẩm, bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm thông thường, giá cả phải chăng chứ không săn lùng các mặt hàng “độc, lạ”, giá “trên trời”.

Lượng khách sắm Tết sụt giảm nhiều so với những năm chưa có dịch COVID - 19

Chị Phạm Minh Ngọc, chủ cửa hàng tiện ích trên phố Hoàng Đạo Thành (Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, năm nay, sức mua sắm Tết tại cửa hàng của chị sụt giảm mạnh, chỉ bằng 60% so với những năm chưa có dịch. Nếu như những Tết trước, khách hàng chen chúc, chờ đợi xếp hàng thanh toán thì năm nay khá vắng vẻ, bán buôn chỉ túc tắc. Chị cũng hạn chế nhập bánh kẹo, rượu bia, thực phẩm... nước ngoài đắt tiền, xa xỉ bởi khách hàng rất tính toán, cân nhắc để tiết kiệm chi phí mua sắm.

Anh Nguyễn Trung Nghĩa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Tết này, tôi cắt giảm việc tặng quà, biếu xén, một mặt do kinh tế không dồi dào như trước, mặt khác cũng hạn chế vào nơi tập trung đông người, hạn chế đi lại, tiếp xúc để phòng tránh bệnh dịch. Năm nay xác định không tụ tập khách khứa, bạn bè.... nên nhu cầu tiêu thụ thực phẩm, hàng hóa sẽ giảm nhiều”.

Thống kê từ các nhà bán lẻ, siêu thị cho thấy, nhu cầu mua sắm của người dân trong tuần áp Tết không tăng mạnh, lượng khách hàng mua sắm trực tiếp không đông, nhưng mua "online" tăng mạnh. Tuy nhiên, những mặt hàng người dân lựa chọn mua "online" vẫn không nằm ngoài xu hướng những mặt hàng giá cả phải chăng, không cầu kì mẫu mã, hình thức. Hàng hóa sản xuất trong nước, đặc sản vùng miền được ưu tiên lựa chọn. 

Thông tin từ siêu thị WinMart, Big C cho thấy, dịch COVID-19 khiến lượng khách hàng mua sắm trực tiếp giảm đáng kể, nhưng xu hướng mua sắm tiêu dùng online trong dịp Tết tăng đến 300%. Nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm online, các siêu thị đã triển khai dịch vụ đi chợ hộ, đặt hàng qua các ứng dụng Mobile Banking, ví điện tử hay QR Code, áp dụng nhiều ưu đãi cho khách mua hàng trực tuyến.

Các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa cho người dân trong dịp Tết cũng cam kết đảm bảo nguồn hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và cam kết bình ổn giá bán hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, hạn chế hiện tượng tăng giá đột biến tại các chợ truyền thống.

Để bảo đảm công tác phòng chống dịch, Sở Công Thương Hà Nội đề nghị các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ bố trí thêm lực lượng nhân viên phục vụ, mở thêm quầy thanh toán, mở rộng các hình thức thanh toán trực tuyến (QR code, thẻ thanh toán, ví điện tử…), bố trí nhân viên phân luồng khách đến mua hàng, thanh toán để phục vụ nhân dân nhanh chóng, đồng thời hạn chế lây nhiễm dịch tại điểm bán.

Minh Khuê

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu