21:48 ngày 21/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Tăng liên kết để nâng cao giá trị xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ thương hiệu Việt

Hoàng Yến | 14:50 07/10/2024

(THPL) - Hiện nay, xu hướng tăng trưởng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt bình quân 8%/năm. Theo các chuyên gia, con số này có thể tăng lên nếu các làng nghề nói chung và ngành thủ công mỹ nghệ (TCMN) nói riêng giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến áp dụng khoa học kỹ thuật; nhân lực; bảo tồn kỹ thuật truyền thống; nắm bắt xu hướng của thị trường tiêu thụ, và đặc biệt là gia tăng sự liên kết giữa các doanh nghiệp, làng nghề, liên kết trong quá trình tạo ra sản phẩm và kết nối với thị trường quốc tế.

Chia sẻ về kinh nghiệm xuất khẩu mặt hàng TCMN thông qua sàn thương mại điện tử, bà Hoàng Thị Thanh Tâm, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sáng tạo Đông Dương (Indochina JSC) cho rằng, hàng TCMN xuất khẩu có yêu cầu khá cao về tiêu chuẩn chất lượng, tính thẩm mỹ. Để có thể đi cùng nhau, phát triển bền vững, cạnh tranh với các đối thủ mạnh trên thế giới, các doanh nghiệp Việt cần tăng tính liên kết cao hơn khi kinh doanh trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới. Ví dụ, với đơn hàng lớn, nếu 1 doanh nghiệp làm phải mất 7 tháng, nhưng nhiều doanh nghiệp kết hợp làm sẽ rút ngắn được thời gian, giảm chi phí, giá thành, dễ có thêm đơn hàng. Khi đó, sản phẩm TCMN thương hiệu Việt sẽ hiện diện nhiều hơn trên phạm vi toàn cầu.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp & PTNT, cho rằng: các doanh nghiệp, làng nghề không chỉ tăng cường kết nối với nhau mà còn cần tăng cường kết nối tiêu thụ các sản phẩm TCMN với thị trường quốc tế, đặc biệt thông qua nền tảng mạng xã hội. Cụ thể, các làng nghề cần phát triển kỹ năng số, đẩy mạnh hoạt động bán hàng trực tuyến, cũng như triển khai công tác xúc tiến thương mại từ trực tiếp sang hình thức trực tuyến. Bởi nền tảng mạng xã hội giúp hỗ trợ các chủ thể sản phẩm kể câu chuyện về nguồn gốc xuất xứ, về quá trình sản xuất sản phẩm, từ đó tạo ra được niềm tin và cảm xúc với người tiêu dùng. Đây là cách làm hiệu quả để xúc tiến quảng bá, giới thiệu về truyền thống và nét văn hóa của sản phẩm, đưa sản phẩm chinh phục thị trường quốc tế.
Ở góc nhìn về kết nối trong quá trình tạo ra sản phẩm TCMN, theo ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu hàng Thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft), có thể nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm làng nghề thông qua việc liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất với nhà thiết kế mẫu mã chuyên nghiệp để cho ra sản phẩm mới có thiết kế đẹp hơn, áp dụng công nghệ thông tin giúp sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có nhiều thông điệp hơn về giá trị nhân văn và giá trị văn hóa. “Nếu chúng ta đầu tư vào phát triển hệ thống thiết kế một cách bài bản cho ngành thủ công ở Việt Nam thì kim ngạch xuất khẩu cho ngành không chỉ dừng lại con số gần 3 tỷ USD như hiện nay, mà có thể sớm đạt được tốc độ tăng trưởng không dưới 30% hằng năm và đạt con số 10 tỷ USD đến năm 2030”, ông Ngọc nhận định.

Hoàng Yến

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu