04:55 ngày 05/10/2024 | HOTLINE : 094.210.6666 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Thương hiệu giúp doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ Việt Nam tạo dựng vị thế trên thị trường thế giới

14:16 02/10/2024

(THPL) - Ngành thủ công mỹ nghệ (TCMN) Việt Nam có nhiều tiềm năng để gia tăng giá trị xuất khẩu nhưng vẫn chưa phát triển tương xứng, chưa tạo ra được nhiều sản phẩm mang đậm nét nghệ thuật, văn hóa Việt để có thể khẳng định vị thế vững chắc trên thị trường thế giới. Một trong những nguyên nhân đến từ vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu.

Thực tế hiện nay cho thấy, đa số doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể ngành TCMN có quy mô nhỏ và còn mới nên việc đầu tư xây dựng thương hiệu còn manh mún. Bên cạnh đó, việc dành nguồn kinh phí cho quảng bá thương hiệu cũng còn rất khiêm tốn.

Theo đại diện Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội: nhiều doanh nghiệp làng nghề chưa thực sự chú trọng tới tiếp thị, quảng bá sản phẩm. Nhân sự phụ trách nghiên cứu thị trường, tiếp thị của doanh nghiệp rất ít, trong khi quảng cáo thông qua các đơn vị dịch vụ thì chi phí quá lớn. Do đó, chính các doanh nghiệp, chủ thể cơ sở sản xuất phải chú trọng thay đổi xây dựng thương hiệu sản phẩm thông qua xây dựng thương hiệu cá nhân có uy tín. 

 Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Để xây dựng, quảng bá thành công thương hiệu, kiến tạo vị thế vững chắc cho sản phẩm TCMN Việt Nam trên thị trường thế giới, theo đại diện Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, các doanh nghiệp, làng nghề TCMN cần định vị lại vị trí thương hiệu trên thị trường; xác định điểm mạnh, điểm yếu, lĩnh vực đã làm tốt; lĩnh vực cần thay đổi, nâng cấp để phù hợp với xu thế thị trường …

Doanh nghiệp cũng cần đánh giá được chính xác đối thủ trên thị trường để có chiến lược xây dựng, truyền thông, quảng bá thương hiệu phù hợp. Đối với ngành đặc thù như TCMN, thương hiệu sản phẩm cần được phát triển gắn liền với thương hiệu làng nghề, thương hiệu tập thể, thương hiệu du lịch …

Đặc biệt, trong xu thế công nghệ bùng nổ, cần tận dụng tốt lợi thế của các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, các ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá sản phẩm và thương hiệu.

Điều quan trọng tiếp theo là doanh nghiệp cần đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng máy móc, công nghệ, thiết bị hiện đại để cải tiến mẫu mã, bao bì, thiết kế và chất lượng của sản phẩm; chú trọng đào tạo nghề, truyền nghề, chuyển giao kinh nghiệm từ các thế hệ đi trước để xây dựng nguồn lao động trẻ có tay nghề, chất lượng cao, sáng tạo những sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của thị trường…

Hoàng Yến

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu