03:05 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Sức sống mới của làng đúc Mỹ Đồng

Thảo Nguyên | 09:23 01/10/2022

(THPL) - Vốn là làng nghề truyền thống với các lò đúc thủ công, đến nay, làng đúc Mỹ Đồng (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), đã phát triển thịnh vượng, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã được thành lập, là lá cờ đầu của Thủy Nguyên về phát triển kinh tế.

Làng Mỹ Đồng có nghề đúc truyền thống lịch sử hàng trăm năm. Xưa kia, Mỹ Đồng chủ yếu đúc lưỡi cày phục vụ sản xuất nông nghiệp và một số sản phẩm gia dụng, sản phẩm tiêu thụ chủ yếu ở một số vùng lân cận. 

Năm 1938, một con tàu ngoại quốc vào lấy hàng tại cảng Hải Phòng và bị hỏng bộ phận giữ thăng bằng đuôi, gọi là “con rùa đối trọng”, nặng khoảng 1 tấn. Thợ đúc làng Mỹ Đồng đã đồng tâm hiệp lực ngày đêm đúc “con rùa đối trọng" thay thế đúng mẫu và lắp đặt hoàn chỉnh trước sự ngỡ ngàng, khâm phục những người ngoại quốc. Tiếng tăm của nghề đúc Mỹ Đồng từ đó mà vang xa. 

Sản phẩm đúc của Mỹ Đồng xuất khẩu sang nhiều nước

Những năm kháng chiến chống Pháp, làng tham gia sản xuất vũ khí, máy in phục vụ cuộc chiến chống xâm lược của dân tộc. Nhiều thợ giỏi của làng tham gia vào các xưởng đúc vũ khí của quân đội.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, nghề đúc nhiều giai đoạn bị mai một, nhiều lò đúc đóng cửa do không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, cả xã mới có khoảng 10 hộ dân làm nghề đúc gang, đồng, nhôm, quy mô nhà xưởng nhỏ bé. Tuy nhiên, ngọn lửa nghề âm ỉ cháy trong tâm thức của những người con làng Mỹ Đồng, nên dù khó khăn vẫn có những người nỗ lực dồn cả tâm huyết để tìm hướng đi cho làng nghề. 

Lửa nghề luôn rực cháy trong mỗi người thợ làng Mỹ Đồng

Với tư duy kinh doanh nhạy bén, kinh nghiệm sản xuất được trao truyền từ nhiều thế hệ và sự sáng tạo không ngừng nghỉ, giờ đây, Mỹ Đồng phát triển làng nghề theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường. Đến nay, toàn xã có gần 100 hộ đúc gang, 15 hộ đúc đồng, hàng chục xưởng, doanh nghiệp cơ khí, rèn, dịch vụ đi kèm.

Mặc dù chỉ có những xưởng, doanh nghiệp, hợp tác xã quy mô vừa và nhỏ nhưng nhiều mặt hàng đúc, cơ khí đạt chất lượng cao cung cấp cho ngành xây dựng, giao thông vận tải,  đóng tàu, lắp ráp xe máy, cơ khí chính xác như chân vịt tàu thủy, bạc biên, tăng bua, vỏ mô-tơ điện, máy bơm, chân máy khâu, khung xe máy. Nhiều sản phẩm như: nắp ga, cột đèn đúc bằng gang, bếp nướng... đã xuất khẩu sang nhiều nước: Nhật, Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc.....

Xưởng sản xuất cột đèn cung cấp cho thị trường trong nước và xuất kẩu

Nhiều thợ giỏi, nghệ nhân của làng Mỹ Đồng đã có đóng góp tích cực vào những công trình văn hóa, nghệ thuật quan trọng của đất nước.  Tiêu biểu là nghệ nhân Nguyễn Văn Soái, chính ông là người đã nghiên cứu kỹ thuật đúc đồng và thi công công trình Đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Bắc Sơn ở Quảng trường Ba Đình (kiến trúc sư Lê Hiệp là tác giả). Công trình cao 7,2 mét, ghép bằng những phiến đồng tổng lượng đúc 32 tấn, hoa văn tinh xảo. 

Đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Bắc Sơn là công trình kiến trúc mang ý nghĩa văn hóa - chính trị - lịch sử sâu sắc

Năm 2001, khu công nghiệp làng nghề Mỹ Đồng hình thành, là mô hình kinh tế hiệu quả, tạo công ăn việc làm cho không chỉ lao động địa phương mà còn thu hút nhiều lao động các địa phương khác, đặc biệt lao động vùng cao. Kinh tế phát triển tạo điều kiện văn hóa, xã hội phát triển mạnh mẽ. 

Những năm gần đây, sản lượng ngành đúc đạt hơn 20 nghìn tấn/ năm, giá trị sản xuất đạt khoảng 500 tỷ đồng, thu hút gần 3000 lao động địa phương và các nơi, trở thành ngành kinh tế chính của địa phương.

Nghề không phụ người, từ một địa phương nghèo, kinh tế kém phát triển, nhờ tinh thần đổi mới sáng tạo, chịu thương chịu khó, Mỹ Đồng trở thành một trong những lá cờ đầu phát triển kinh tế của Hải Phòng.

Thảo Nguyên

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu