16:59 ngày 28/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Sau kỳ nghỉ Tết, số ca mắc tại nhiều địa phương tăng kỷ lục

10:49 15/02/2022

(THPL) - Theo thống kê, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, tình hình dịch COVID-19 tại nhiều địa phương diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng nhanh và có nhiều trường hợp tử vong.

Tại Hà Nội, theo bản tin dịch COVID-19 ngày 14/2 của Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong 24 giờ qua TP phát hiện thêm 3.507 ca bệnh mới, trong đó có 557 ca cộng đồng. Trong nhiều ngày gần đây, số mắc hàng ngày của Hà Nội dao động trong khoảng 2.700- gần 3.000 ca.

Bệnh nhân phân bố tại 477 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (160); Chương Mỹ (154); Đống Đa (137); Nam Từ Liêm  (125); Bắc Từ Liêm (110). Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 175.245 ca. 

Tới hết ngày 13/2, tại Hà Nội (bệnh viện Trung ương và TP) đang có hơn 87.800 F0 đang điều trị, tăng hơn 3.400 F0 so với ngày 12/2. 

Theo thống kê của Bộ Y tế tới hết ngày 13/2, Hà Nội đang có 2.072 ca bệnh F0 mức độ trung bình (tăng 29% so với trung bình 7 ngày trước). Số bệnh nhân nặng, nguy kịch là 595 ca, giảm 1%, riêng số bệnh nhân phải thở máy là 517 ca.

Theo báo Sức khỏe và Đời sống, tại Hà Nam, sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần số ca F0 trên địa bàn tỉnh Hà Nam tăng mạnh. Đến 14/2 là ngày thứ 6 liên tiếp Hà Nam ghi nhận trên 200 F0. Hiện toàn tỉnh còn 3.859 ca mắc COVID-19 (2.425 bệnh nhân đang chờ cấp mã), trong đó 23 ca nặng phải chuyển điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Số bệnh nhân còn lại đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến của tỉnh, các cơ sở thu dung điều trị COVID-19 trên địa bàn và điều trị tại nhà.

Do số F0 tăng nhanh nên Hà Nam đã chính thức đưa Cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 của TP Phủ Lý (đặt tại xã Tiên Hiệp) đi vào hoạt động. Như vậy tất cả 6/6 huyện, thị, thành phố của tỉnh Hà Nam đều có từ 1-2 cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19.

Sau kỳ nghỉ Tết, số ca mắc tại nhiều địa phương tăng kỷ lục. Ảnh minh họa

Riêng tại TP Phủ Lý (địa phương ghi nhận số ca mắc cao nhất toàn tỉnh Hà Nam với 1.847 bệnh nhân) hiện đang xây dựng các kịch bản, phương án sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch xảy ra trong thời gian tới. Đồng thời tiếp tục áp dụng biện pháp thu dung, điều trị F0 tại nhà, tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát, quản lý các trường hợp F0, F1.

Ngành y tế tỉnh Hà Nam đề nghị các cơ quan, tổ chức và người dân chủ động test tầm soát để phát hiện sớm F0 trong cộng đồng.

Tại Hải Dương, sau kỳ nghỉ Tết, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng nhanh và có nhiều trường hợp tử vong. Riêng trong ngày 14/2, địa phương này phát sinh thêm 1.915 bệnh nhân mới và 1 bệnh nhân tử vong.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Hải Dương, đến hiện tại trên địa bàn có 49 ổ dịch COVID-19 xuất hiện ở 8 huyện, 1 thị xã và 2 thành phố. Trong đó, huyện Kim Thành, Tứ Kỳ, thị xã Kinh Môn có số ổ dịch nhiều nhất.

Tại huyện Kim Thành đến hôm nay có 10 ổ dịch; trong đó 9 ổ dịch ở các xã gồm: Kim Anh, Kim Đính, Kim Tân, Tuấn Việt, Thượng Vũ, Kim Xuyên, Ngũ Phúc, Đại Đức, thị trấn Phú Thái và 1 ổ dịch công ty Leo Industries Far Eart VN (xã Tuấn Việt) với 162 ca mắc mới.

Thị xã Kinh Môn hiện có 9 ổ dịch với 164 bệnh nhân mắc mới tại các phường: Minh Tân, Hiến Thành, Thái Thịnh, Hiệp Sơn, An Lưu, Hiệp An, Long Xuyên, Minh Hòa, Phạm Thái. Riêng huyện Tứ Kỳ có 6 ổ dịch phát sinh thêm 86 ca bệnh ở xã An Thanh, công ty GFT và 4 trường tiểu học: Đại Hợp, Phượng Kỳ, Hà Kỳ, An Thanh.

Tại Nam Định, theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Nam Định cho thấy, trong một tuần sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, số ca mắc COVID-19 mới trên địa bàn tăng cao, bình quân ghi nhận trên 1.200 ca/ngày, gấp gần 3 lần so với dịp trước và trong Tết. Đặc biệt, liên tiếp trong các ngày 12 và 13/2, số ca mắc mới lần lượt là 1.842 và 1.894. Ngày 14/2, con số này có giảm song vẫn ở mức 1.362 ca.

10/10 huyện, thành phố của tỉnh Nam Định liên tiếp ghi nhận các chùm ca bệnh cộng đồng có yếu tố dịch tễ phức tạp, có liên quan đến khu công nghiệp, chợ, doanh nghiệp, cơ quan, nơi tập trung đông người.

Nguyên nhân khiến số ca mắc COVID-19 tại Nam Định tăng cao trong những ngày qua được cho là do trong dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu giao thương, lễ hội nên việc đi lại, tập trung đông người của người dân tăng cao. Ý thức người dân trong chủ động phòng, chống dịch bệnh COVID-19 chưa cao, làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Đồng thời một số đơn vị, địa phương có lúc còn lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch…

Theo TTXVN cho hay, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, chiều 14/2, Văn phòng UBND tỉnh Nam Định có thông báo, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, địa phương, đơn vị chấn chỉnh, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo, chính quyền, cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân hạn chế di chuyển đến các tỉnh, thành phố khác, nơi đông người khi không thực sự cần thiết; không tổ chức các hoạt động tập trung đông người; vận động nhân dân tổ chức lễ cưới, lễ tang trong phạm vi gia đình, quy mô nhỏ gọn và cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện quy định phòng, chống dịch.

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND các huyện, thành phố tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm việc tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội trên địa bàn tỉnh, nhất là những lễ hội nổi tiếng, thường có số lượng người về tham dự đông như: Lễ hội chợ Viềng Xuân (huyện Vụ Bản và Nam Trực) họp vào đêm mùng 8 tháng Giêng; lễ hội Khai ấn đền Trần (thành phố Nam Định) tổ chức vào đêm 14, rạng sáng 15 tháng Giêng...

Tú Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu