03:17 ngày 24/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Sản xuất công nghiệp phục hồi và khởi sắc trong tháng 9/2020

20:09 07/10/2020

(THPL) - Dịch Covid-19 ở nước ta đến nay đã cơ bản được kiểm soát, do đó, nhiều lĩnh vực của nền kinh tế bước vào trạng thái bình thường mới. Sản xuất công nghiệp tháng 9 đã có sự khởi sắc, mở ra hy vọng sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại trong những tháng cuối năm.

Theo thông tin mới nhất từ Bộ Công Thương, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 9 tăng 2,3% so tháng 8 và tăng 3,8% so cùng kỳ. Mặc dù sản xuất công nghiệp (SXCN) đang dần khôi phục, tuy nhiên vẫn còn chậm do ảnh hưởng của thị trường tiêu thụ, nhiều ngành sản xuất quan trọng vẫn gặp nhiều khó khăn. Ðơn cử, dưới tác động của dịch Covid-19, dệt may, da giày, du lịch, hàng không là những ngành chịu thiệt hại lớn nhất.

Ðối với doanh nghiệp (DN) Việt Nam, theo thông lệ hằng năm, thời điểm hiện tại các DN đều có đơn hàng đến cuối năm, thậm chí nửa đầu năm sau, tuy nhiên, hiện chỉ nhận đơn hàng theo từng tháng, thậm chí từng tuần. Các mặt hàng truyền thống, thế mạnh của nhiều DN may là vét-tông, sơ-mi cao cấp hầu như chưa có đơn hàng cho quý cuối năm.

Tương tự với da giày, dự báo đầu ra của ngành này tiếp tục gặp khó, bởi phụ thuộc nhiều vào khả năng khống chế dịch của Mỹ và châu Âu. Ðộng lực lớn nhất cho tăng trưởng của ngành chính là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực. Ðể có thể tận dụng cơ hội từ Hiệp định này, gia tăng xuất khẩu, nhiều DN trong ngành đã lên phương án như: Tái cơ cấu bộ máy, sẵn sàng hạ tầng nhà xưởng, nguyên liệu nhằm đáp ứng các cam kết của Hiệp định, đồng thời tăng cường đầu tư máy móc để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ðiểm sáng hiếm hoi là ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học vẫn duy trì được tăng trưởng khá. Cụ thể, tính chung chín tháng, IIP của ngành tăng 8,6% so cùng kỳ. Riêng trong tháng 8, xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 5,3 tỷ USD, tăng 23,7% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong tám tháng đạt 31,5 tỷ USD. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ngành điện tử dự kiến vẫn bị ảnh hưởng trong quý tiếp theo do diễn biến dịch bệnh phức tạp làm sụt giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm điện tử tại các thị trường Mỹ và EU.

Công nhân Công ty TNHH một thành viên Dệt 8-3 vận hành dây chuyền sản xuất sợi. Ảnh: THANH HÀ

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong các tháng cuối năm 2020, Bộ Công thương cho biết sẽ tiếp tục triển khai hàng loạt giải pháp nhằm lấy lại đà tăng trưởng của SXCN. Trước hết, Bộ sẽ tập trung vào việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp trọng điểm nhằm đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Riêng ngành dệt may, Bộ Công thương đã chủ động làm việc trực tiếp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan cũng như các hiệp hội, DN và đơn vị tư vấn, chuyển giao công nghệ, kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng, các đơn vị phân phối để tạo điều kiện, khuyến khích, kết nối các DN chuyển đổi từ dệt may quần áo sang dệt may khẩu trang vải. Nhiều DN dệt may đã chuyển sang sản xuất khẩu trang vải kháng giọt bắn - kháng khuẩn hoặc thông thường, đáp ứng đầy đủ nhu cầu phòng, chống dịch trong nước, bình ổn thị trường. Ðồng thời, Bộ cũng giới thiệu, hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu khẩu trang vải, tạo công ăn việc làm cho lao động dệt may, giảm bớt khó khăn trong giai đoạn thiếu đơn hàng xuất khẩu quần áo.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương đang tập trung triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy tái cơ cấu trong lĩnh vực SXCN. Trong đó, xác định trọng tâm là tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho SXCN, nhất là một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lớn, có ưu thế của Việt Nam theo hướng bền vững hơn với một số đối tác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Ðộ, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một hoặc số ít đối tác hay thị trường. Ðồng thời, phối hợp chặt chẽ với một số DN FDI đa quốc gia như Samsung, Toyota,... tăng cường tìm kiếm các DN sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước đủ khả năng sản xuất thay thế nguồn nhập khẩu trong ngắn hạn và dài hạn.

Ðể tháo gỡ khó khăn về đầu ra cho SXCN trong bối cảnh dịch bệnh, đại diện Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, sẽ đẩy mạnh triển khai các hình thức xúc tiến thương mại áp dụng các công cụ trực tuyến để duy trì thị trường, kết nối giao thương giữa DN Việt Nam với đối tác có nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường có khả năng phục hồi sớm như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Đồng thời, từng bước mở rộng sang các thị trường khác theo diễn biến của tình hình dịch bệnh...

Đại Vụ Nam (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu