07:04 ngày 20/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Cư trú (sửa đổi)

14:23 14/11/2020

(THPL ) - Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 10, chiều 13/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nhiều dự án luật quan trọng, trong đó có Luật Cư trú (sửa đổi).

Theo kết quả biểu quyết, có 449/455 (chiếm 93,15%) đại biểu tham gia biểu quyết thông qua Luật Cư trú (sửa đổi), theo đó đa số các đại biểu nhất trí quy định sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy đã cấp chỉ được dùng đến hết ngày 31/12/2022.

Luật Cư trú sửa đổi gồm 7 chương, 38 điều quy định về việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, việc đăng ký, quản lý cư trú, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân, cơ quan, tổ chức về đăng ký, quản lý cư trú.

Kết quả biểu quyết (Nguồn: PLO)

Theo quy định, sau khi luật có hiệu lực thi hành thì sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31/12/2022. Trường hợp thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khác với thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú.

Do ý kiến còn khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã gửi phiếu thăm dò ý kiến của các đại biểu. Sau khi bỏ phiếu thăm dò, kết quả cho thấy đa số đại biểu đồng ý phương án cho phép người dân được tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp cho đến hết ngày 31/12/2022 để chứng minh thông tin về nơi cư trú.

Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, cho biết việc kéo dài hiệu lực của sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy đến năm 2022 nhằm tránh làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, gây phiền phức cho người dân; đồng thời tránh tạo áp lực lớn cho cơ quan quản lý, đăng ký cư trú tại thời điểm luật mới có hiệu lực thi hành.

Ngoài ra, một trong các điểm mới quan trọng được nhiều người quan tâm là Luật đã bỏ điều kiện riêng đăng ký thường trú vào các thành phố trực thuộc Trung ương. Việc đăng ký thường trú của công dân tại các tỉnh, thành trong cả nước được thực hiện theo quy định chung.

Trước đó, trong các phiên thảo luận, điều kiện đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ là nội dung được các đại biểu quan tâm, thảo luận. Giải trình thêm về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, trên cơ sở các ý kiến thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu thăm dò ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Kết quả lấy phiếu cho thấy, trong số 402 đại biểu gửi ý kiến có 235 đại biểu tán thành với phương án 1 quy định điều kiện đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ là phải bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8m2 sàn/người. Trong khi đó, 153 đại biểu tán thành đồng ý với phương án 2 quy định điều kiện đăng ký thường trú là đã đăng ký tạm trú trong cùng phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ 1 năm trở lên. Do đó, dự thảo Luật đã tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu theo hướng phải bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu.

Thời điểm có hiệu lực của Luật cũng là nội dung được quan tâm trong các phiên thảo luận trước đó. Đa số ý kiến nhất trí quy định Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021. Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định thời điểm Luật có hiệu lực thi hành muộn hơn, có thể từ 1/1/2022.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, sau khi xem xét và tập hợp ý kiến các cơ quan liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật là từ ngày 1/7/2021 như đề nghị của Chính phủ và ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội.

Thanh Thanh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu