13:32 ngày 23/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Quốc hội chính thức thông qua Luật Biên phòng Việt Nam

13:46 12/11/2020

(THPL) - Chiều ngày 11/11, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Biên phòng Việt Nam với tổng số phiếu tán thành là 94,61% trong số 462 đại biểu tham gia bỏ phiếu.

Theo đó, với 462 đại biểu Quốc hội đã tham gia biểu quyết Luật Biên phòng Việt Nam, trong đó có 456 đại biểu tán thành, đạt tỷ lệ 94,61%; có 4 đại biểu không tán thành, chiếm tỷ lệ 0,83%; 2 đại biểu không biểu quyết.

Với kết quả này, Luật Biên phòng đã được Quốc hội thông qua, sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Báo Nhân dân đưa tin, trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ Luật, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết riêng cho Điều 5 và Điều 10, theo đó thông qua Điều 5, với tỷ lệ 92,74% đại biểu tán thành, thông qua Điều 10 với tỷ lệ 91,08% tán thành.

Được biết, Luật Biên phòng Viêt Nam gồm 6 chương; 36 điều quy định về nhiệm vụ biên phòng, lực lượng và phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng; hợp tác quốc tế về biên phòng, Lực lượng Bộ đội Biên phòng; Bảo đảm và chế độ, chính sách về biên phòng và Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân thực thi nhiệm vụ biên phòng.

Quá trình nghiên cứu xây dựng dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam đã được thực hiện theo đúng quy định, bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; tuân thủ đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm tính minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, dễ thực hiện; vấn đề bình đẳng giới và yêu cầu cải cách thủ tục hành chính được bảo đảm; không làm cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Trên cơ sở ý kiến thảo luận đóng góp của đại biểu tại kỳ họp, Uỷ ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội đã kiến nghị Quốc hội xem xét phê chuẩn.

Kết quả biểu quyết thông qua Luật Biên phòng Việt Nam (Nguồn: Internet)

Việc Luật Biên phòng Việt Nam được Quốc hội thông qua sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc. Phát huy sức mạnh tổng hợp xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới toàn dân rộng khắp, xây dựng nền biên phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc ở khu vực biên giới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Theo báo Lao động, trước đó vào ngày 21/10/2020, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam. Dự án Luật Biên phòng Việt Nam đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 47. Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này gồm 6 chương, 36 điều, quy định chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, hoạt động, lực lượng, bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về biên phòng.

Những nội dung của dự thảo Luật tiếp tục xin ý kiến Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, gồm: Tên gọi, khái niệm "Biên phòng" và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; chính sách của Nhà nước về biên phòng; nhiệm vụ biên phòng; lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng; các hành vi bị nghiêm cấm; nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân; phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng; hợp tác quốc tế về biên phòng; vị trí, chức năng của Bộ đội Biên phòng; nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng; quyền hạn của Bộ đội Biên phòng; hình thức quản lý, bảo vệ biên giới; biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới; trang bị của Bộ đội Biên phòng; bảo đảm về biên phòng và chế độ, chính sách về biên phòng; bố cục của dự thảo Luật; trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…

Được biết, từ năm 2019 đến nay, bộ đội biên phòng đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng bắt giữ, xử lý 1873 vụ, 3.025 đối tượng tội phạm về ma tuý, thu giữ hơn 6,1 tấn ma tuý các loại. Trong ngăn chặn phòng chống COVID-19 vừa qua, lực lượng bộ đội biên phòng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý, đưa đi cách ly 20.368 đối tượng xuất nhập cảnh trái phép.

Tú Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu