10:58 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Quảng Xương-Thanh Hóa: Xưởng sản xuất giày da được xây dựng không phép, lấn chiếm đất nông nghiệp

Duy Duẩn | 15:11 26/08/2022

(THPL) - Xưởng sản xuất giày da (có địa chỉ tại thôn 4, xã Quảng Giao, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) được xây dựng sai phép, lấn chiếm đất nông nghiệp với nhiều hạng mục. Công trình này đã tồn tại suốt nhiều tháng qua, thế nhưng không bị chính quyền huyện Quảng Xương xử lý?

Phản ánh của người dân xã Quảng Giao, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa cho biết, đã nhiều tháng qua, tại địa phương này tồn tại một xưởng sản xuất giày da trên tổng diện tích hơn 9.000 m2 đất, trong đó có 1 phần đất lấn chiếm diện tích đất nông nghiệp của xã Quảng Giao. Hiện tại xưởng giày da này đang có hàng trăm công nhân làm việc mỗi ngày, tuy nhiên, xưởng sản xuất này không có giấy tờ pháp lý như giấy phép xây dựng các hạng mục công trình, đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy…Đến nay, xưởng sản xuất giày da này vẫn ngang nhiên hoạt động mà không bị cơ quan chức năng nào “sờ gáy”, khiến dư luận hết sức bức xúc.

Xưởng sản xuất giày da của Cty TNHH giày Hông Hi Việt Nam tại thôn 4, xã Quảng Giao, huyện Quảng Xương.

Điều đáng nói là nhà xưởng xây trái phép, ngang nhiên lấn chiếm diện tích đất nông nghiệp, không có giấy tờ pháp lý gì, nhưng vì sao tại thời điểm triển khai thi công một công trình lớn với nhiều hạng mục công trình như vậy, chính quyền xã Quảng Giao lại không có biện pháp ngăn chặn, để cho doanh nghiệp bất chấp xây dựng công trình sai phép, đưa vào hoạt động như đã có đầy đủ hồ sơ pháp lý. Đây là một điều phi lý, một người dân xã Quảng Giao cho biết.

Qua thực tế tại Công ty này, được biết, những phản ánh của người dân là hoàn toàn có cơ sở. Xưởng sản xuất tồn tại trên một diện tích đất rất rộng, đã hoạt động trong một thời gian dài, rất quy mô và luôn cửa đóng then cài, (chỉ có công nhân của xưởng sản xuất này mới được ra vào) còn bốn phía đều có tường rào xây kín xung quanh, rất khó tiếp cận.

Bên trong Công ty với dòng chữ Trung Quốc, rất khó tiếp cận vào trong Công ty này.

Trước thực trạng trên, trao đổi với PV của Thương hiệu và Pháp luật, ông Nguyễn Duy Trọng, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Giao, huyện Quảng Xương cho biết, hiện đối với xưởng sản xuất giày da ở thôn 4 của xã là của công ty Hông Hi thuê lại của một hộ dân trên địa bàn xã. Trước đó, hộ dân này xin làm xưởng may mặc SunShine, do ông Lê Bá Minh, trú ở phố Môi, xã Quảng Tâm, TP Thanh Hóa làm Giám đốc và được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án sản xuất may mặc Sunshine. Quyết định do chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký năm 2019.

Ông Minh được ký hợp đồng thuê đất với Sở TNMT tỉnh Thanh Hóa khi mới có chấp thuận chủ trương đầu tư và hợp đồng thuê đất. Sau đó, ông Minh đã tự ý tổ chức xây dựng nhà xưởng. Trong quá trình xây dựng, ông Minh lấn sang đất nông nghiệp của người dân ở thôn 4, xã Quảng Giao. Khi xây lên thì có Công ty TNHH giày Hông Hi Việt Nam có nhu cầu thuê nên họ đã cho công ty này thuê lại để làm giày da, vị Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Giao cho biết.

Việc xây dựng xưởng sản xuất trên diện tích rộng hơn 9.000 m2 không phép, lấn chiếm đất nông nghiệp, nhiều năm nay không bị xử lý.

Cũng theo ông vị Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Giao chia sẻ thêm, nhà xưởng này được xây dựng khi chưa có giấy phép và các thủ tục pháp lý khác, còn xây lấn sang đất nông nghiệp trên địa bàn xã. Hiện UBND xã Quảng Giao đã có báo cáo về UBND huyện Quảng Xương.

Phần đất của ông Minh được chấp thuận làm Công ty may là đất do ông Minh tự thỏa thuận với 8 hộ dân của thôn 4, với tổng diện tích hơn 9.000m2. Trong khi thực hiện thỏa thuận và làm hồ sơ pháp lý, ông Minh xin làm Nhà máy May với chủ trương được chấp thuận là sản xuất và kinh doanh. Nhưng không hiểu lý do gì, khi chưa làm xong thủ tục nhưng ông Minh đã tổ chức xây dựng và cho Công ty TNHH giày Hông Hi Việt Nam (có địa chỉ tại thôn 4, xã Quảng Giao, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, do bà Đỗ Thị Ngà, trú tại xã Cẩm Giàng, huyện Lương Tài, tỉnh Hải Dương làm Giám đốc) thuê lại làm xưởng sản xuất giày da với thời hạn là 20 năm. Việc này chúng tôi đã có báo cáo huyện và đang chờ xử lý của huyện, ông Trọng thông tin.

Để có thêm thông tin đa chiều về sự việc này, PV của Thương hiệu và Pháp luật đã nhiều lần liên hệ để đặt lịch làm việc với Trưởng phòng TN&MT huyện Quảng Xương nhưng vị này không nghe máy điện thoại, PV nhắn tin thì cũng không nhận được câu trả lời. 

Trước sự việc nêu trên, đề nghị UBND huyện Quảng Xương tổ chức kiểm tra, sớm có biện pháp xử lý đối với công trình vi phạm này (nếu có) nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Duy Duẩn

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu