11:05 ngày 27/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Chốt chặn mang tên "Quản lý thị trường" có thật sự hiệu quả?

11:40 26/02/2023

(THPL) - Nếu như biên phòng, hải quan là hai lực lượng chốt chặn quan trọng “đầu nguồn” ở khu vực biên giới, lực lượng quản lý thị trường chính là chốt chặn triệt tiêu hàng lậu, hàng giả, hàng nhái xâm nhập ở nội địa. Tính quan trọng là vậy, song nhiều năm qua, hiệu quả hoạt động của lực lượng quản lý thị trường phải chăng chưa đáp ứng kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp?

Tôi còn nhớ lời đúc kết của ông Trương Quang Hoài Nam khi còn giữ cương vị Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) (Cục chưa nâng thành Tổng Cục) tại kỳ họp tổng kết ngành năm 2014: Đừng nhìn kết quả đánh giá được mất từ lực lượng QLTT đông đảo mà kết luận thị trường ấy như thế nào. Nên nhìn thị trường từ phản ứng của người dân và doanh nghiệp. Mức độ của sự bức xúc ấy sẽ phản ánh rõ nét nhất mức độ, ảnh hưởng của hàng lậu, hàng giả, hàng nhái trên trên thị trường.

Nhắc lại đợt ra quân thanh tra, kiểm tra về mũ bảo hiểm trên toàn quốc cách đây gần chục năm (năm 2014) của lực lượng QLTT. Khi ấy, chỉ trong những ngày đầu ra quân, hàng chục nghìn mũ bảo hiểm giả, nhái, kém chất lượng được thu giữ. Người dân và doanh nghiệp vui mừng khi quyền lợi người tiêu dùng và thương mại được bảo vệ. Tương tự, một năm sau đó (2015-2016), lực lượng QLTT tiếp tục “đánh” vào ngành dược, mỹ phẩm. Hàng loạt cửa hàng tại các TP lớn trên toàn quốc bị đóng cửa để giải trình nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Hàng trăm tỷ đồng xử phạt thu ngân sách nhà nước. Truyền thông rầm rộ đăng tải. Đơn thư cảm ơn tới tấp. Vị thế của lực lượng QLTT được nâng thêm một bậc...

Song chỉ vài tháng sau, mọi chuyện lại trở về trạng thái như cũ. Mũ bảo hiểm dỏm được bày bán tràn lan với giá thấp hơn 1/3 so với các hãng sản xuất. Tất nhiên, đó là những chiếc mũ bảo hiểm giả, nhái, kém chất lượng có nguồn gốc từ phía bên kia biên giới. Hay như chuyện dược phẩm, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc được chào bán công khai trên mạng, với muôn hình vạn trạng, giá rẻ đến chóng mặt. Tôi đã được theo chân nhiều đoàn tái kiểm tra đột xuất của QLTT tại TP Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, v.v...sau những chiến dịch kể trên. Tại những điểm bán hàng mũ bảo hiểm, dược, mỹ phẩm do người dân và doanh nghiệp phản ánh, lực lượng QLTT cơ sở đã tỏ ra lãnh đạm, thờ ơ với vụ việc. Một lãnh đạo cấp cao của Cục QLTT thời đó đi cùng đã bức xúc điện thoại cho lãnh đạo chi Cục. Sau đó là kiểu lâu lâu hóa bùn, biên bản xử phạt vài triệu đồng không đánh giá đúng bản chất sự việc. Vị lãnh đạo cao cấp của Cục QLTT ngày ấy lắc đầu bảo: Không có chức năng bổ nhiệm là thế đó. Cục quản lý hành chính, văn bản, còn bên dưới con người lại trực thuộc Sở Công thương. Nói họ đâu nghe, Cục cũng không thể kỷ luật, chỉ có đề xuất. Làm theo hay không lại là câu chuyện không thể kiểm soát.

Biên bản xử phạt chưa đánh giá đúng bản chất sự việc

Nói lại câu chuyện trên để cho thấy một thực trạng năm này giống như năm tới, đó là lối mòn ra quân rầm rộ thì “yên”, rồi sai phạm đâu lại hoàn đấy. Hay, trên bảo dưới không nghe, liệu có phải là tham nhũng? Tất nhiên hiện nay, Cục QLTT đã trở thành một mối, nâng thành Tổng Cục, đồng nghĩa với việc tập trung quyền lực. Song, thực trạng năm xưa vẫn tồn tại và chưa bao giờ "giảm nhiệt".

Trong cuộc họp mới đây nhất của ngành, Tổng Cục trưởng Tổng Cục QLTT Trần Hữu Linh đã nhấn mạnh tình trạng giảm bớt các đoàn thanh kiểm tra “vào rồi lại ra”. Nhưng không phải không còn những “bất bình thường” khi thị trường là biện chứng khách quan nhất cho công tác điều hành và quản lý.

“Trong năm 2022, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) trên cả nước đã tổng thanh kiểm tra 70.902 vụ, phát hiện và xử lý vi phạm 43.989 vụ (tăng 6% so với năm 2021), xử lý vi phạm hành chính thu ngân sách nhà nước 490 tỷ đồng (tăng 14% so với năm 2021), chuyển cơ quan điều tra 127 vụ việc có dấu hiệu tội phạm, tịch thu hàng hóa trị giá 96 tỷ đồng... Có khoảng 35.000 cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất, trong tỷ lệ xử phạt rất cao, cứ 10 vụ thì xử phạt đến 8 - 9 vụ, giảm được tình trạng các đoàn đi về tay không như những năm trước”, ông Trần Hữu Linh cho biết.

Thị trường chính là thước đo hữu hiệu nhất về tính hiệu quả của lực lượng QLTT

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương đã từng giơ cao những tút thuốc lá lậu chất vấn địa phương về việc vì sao hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc dễ ràng lọt vào nội địa. Trước đó, Đài truyền hình Việt Nam cũng đăng tải những clip về việc vận chuyển hàng lậu dễ dàng qua các chốt chặn biên giới, thâm nhập sâu đến chợ truyền thống. Hay các loạt phóng sự “con voi chui lọt lỗ kim”, “nghề cửu vạn”, “tôi đi làm hồ”, “biến tướng dốc Quýt”, “chuyện Hang Dơi”... được báo giới phản ánh tình trạng nhức nhối của buôn lậu qua biên giới, rồi thẩm lậu vào nội địa, trong khi các lực lượng chức năng như biên phòng, hải quan, quản lý thị trường, công an kinh tế “đều bất lực”...

Trả lời chất vấn của ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương, các đại biểu Quốc hội địa phương lúc đó đều không đưa ra những biện giải phù hợp. Những kết luận vẫn là: Chờ kiểm tra lại và sẽ có “trả lời bằng văn bản” gửi tới.

Thượng tầng chưa bàn đúng sai. Nhưng cấp thấp thị trường là lời giải thích hữu hiệu nhất. Một câu chuyện nhiều năm nay luôn hiện hữu: Thị trường có sản phẩm gì mới, ít ngày sau giới tiểu thương bên kia biên giới đã chào bán sản phẩm tương tự. Thậm chí, những sản phẩm “đặt hàng” với mẫu mã yêu cầu, ít ngày sau hàng nhái tương tự cập bến tại nhà chủ mua, với giá thấp hơn nhiều lần so với chính hãng.

Trong thời đại công nghiệp 4.0, đâu là thật giả không thể định lượng bằng mắt thường

Tôi đã từng chứng kiến đại diện Công ty Sao Vàng trước sản phẩm săm lốp xe máy của công ty và hàng giả, hàng nhái cũng không thể phân biệt đâu là do mình sản xuất, và phải cho đi kiểm hóa mới biết đúng sai. Hay cũng một nồi cơm điện, mua tại siêu thị với tem phiếu đảm bảo nhưng thực ra lại thuộc lô hàng lậu làm giả từ Trung Quốc, và điều đáng nói là nói lại nghiễm nhiên tại vị ở một nơi có tính đảm bảo bậc nhất về chất lượng? Trong hàng trăm nghìn sản phẩm hiện nay, với sự tinh vi của công nghiệp 4.0, đâu là thật đâu là giả không thể định lượng bằng mắt thường. Và vì sao hàng lậu được lọt vào sâu như vậy? Phải chăng tính hiệu quả của lực lượng QLTT cần phải nghiêm túc đánh giả lại.

Chỉ biết rằng, thương hiệu dày công xây dựng của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Quyền lợi người tiêu dùng bị xâm hại. Và chỉ khi câu chuyện “đến cái tăm còn làm giả” vẫn còn tồn tại, thì thước đo thị trường như phần trên đã nhấn mạnh không thể từ những con số tổng kết được đưa ra trong báo cáo.

Một Cục trưởng Cục QLTT ở một tỉnh biên giới đã từng đập bàn bức xúc chỉ vì lực lượng CSGT phối hợp chậm chễ nên không thể dừng một xe hàng chở hàng lậu để kiểm tra thu giữ. Vị Cục trưởng này cho rằng không chỉ sự phối hợp hiện nay giữa các lực lượng còn nhiều bất cập, mà bản thân chất lượng chuyên môn của lực lượng QLTT không đồng đều. Chỉ riêng hai điểm mấu chốt này thôi, khó khăn nhân thêm từ nội tại.

Có thể hiểu nôm na, một hàng lậu, hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại sẽ gồm 3 lực lượng chính vây quanh, bắt đầu là biên phòng, hải quan, rồi đến QLTT, đan xen những mắt xích là công an kinh tế. Chính phủ đã kết hợp 4 lực lượng trên thành Ban 389 Quốc gia, rồi xuống Ban 389 các địa phương, do người đứng đầu, hoặc phó lãnh đạo ủy nhiệm phụ trách. Sức mạnh tập thể rõ ràng được nâng tầm, song sự phối hợp xưa nay vẫn nhiều bất cập, khúc mắc. Nói cách khác, chỉ một khâu “có vấn đề”, tính hiệu quả trong công tác chống buôn lậu bị giảm xuống. Việc dừng xe chặn hàng chậm chễ chỉ là một ví dụ nhỏ trong hàng nghìn biến hóa trong đời sống thường nhật hiện nay.

Lực lượng QLTT là lực lượng duy nhất không có trường đào tạo chuyên nghiệp

Điểm mấu chốt thứ hai là chất lượng người thực thi công vụ. Có lẽ lực lượng QLTT là lực lượng duy nhất không có trường đào tạo chuyên nghiệp của riêng mình, dù Tổng Cục QLTT hiện nay đã kết hợp đào tạo bậc đại học với trường ĐH kinh tế quốc dân nhưng sâu xa cũng chỉ là phương thức “ở nhờ” nên chưa thực sự hiệu quả. Bên cạnh đó, đào tạo nghiệp vụ cũng chỉ dừng ở cấp cán bộ đi học có chỉ tiêu. Trong số 376 đội QLTT trên cả nước, với hàng nghìn cán bộ, viên chức, liệu bao nhiêu trong số ấy sẽ được đào tạo nghiệp vụ trong năm? Chưa kể năm nay đã khác năm trước về bản chất, khi buôn lậu, hàng giả hàng nhái, gian lận thương mại ngày một tinh vi, khó lường.

Ông Vương Trí Dũng, nguyên Chi Cục trưởng Chi Cục QLTT Hà Nội (nay là Cục QLTT Hà Nội) từng nói: ngành QLTT xưa nay thường là nơi "gửi gắm con cháu", hoặc nhân sự các đơn vị khác chuyển về, vì đâu có trường đào tạo chuyên nghiệp. Nói cách khác, nghiệp vụ vừa làm vừa học. Trau dồi kiến thức cũng chỉ là tích lũy kinh nghiệm nhiều năm rồi truyền tải lại trong lực lượng. Sự đồng đều không nhất quán trong một đơn vị cũng khiến cho hiệu quả công tác không được đảm bảo.

 

Tuấn Việt

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu