15:57 ngày 22/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Lực lượng Quản lý thị trường tăng cường giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu

Lưu Kỳ (tổng hợp) | 09:42 12/02/2022

(THPL) - Trước diễn biến của thị trường xăng dầu trong cả nước có nhiều biến động phức tạp, bám sát chỉ đạo của Bộ Công Thương tại Công điện số 517/CĐ-BCT ngày 28/1/2022 về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu và chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), lực lượng QLTT trên cả nước đã và đang tăng cường quản lý địa bàn, kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình kinh doanh xăng dầu.

Theo báo cáo của Cục QLTT Thái Nguyên, ngày 10/2/2022, trong quá trình rà soát, Đội QLTT số 1 đã đã phát hiện cửa hàng xăng dầu Duy Biên thuộc Chi nhánh Công ty Cổ phần H2T Thăng Long, có địa chỉ tại tổ dân phố Hợp Thành, phường Thắng Lợi, TP. Sông Công, tỉnh Thái Nguyên tạm ngừng hoạt động bán xăng dầu. Quá trình làm việc với đại diện chủ cơ sở, xác định được cửa hàng xăng dầu Duy Biên đã có hành vi ngừng bán hàng nhưng không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định. Đội QLTT Số 1 tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và đề xuất người có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt theo quy định.

Trong khi đó, tại tỉnh Đắk Lắk, qua giám sát, kiểm tra, tính đến hết ngày 9/2/2022, các đội QLTT phát hiện trong tổng số 457 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh có 19 cửa hàng đang tạm nghỉ bán, dừng hoạt động (trong đó có 3 cửa hàng do nhân viên, chủ cơ sở là F0, F1; 16 cửa hàng nghỉ bán do hết xăng dầu).

Những cửa hàng kinh doanh xăng dầu đang hoạt động đều thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về kinh doanh xăng dầu như: niêm yết giá bán lẻ xăng dầu đầy đủ, bán đúng giá theo quy định. Tuy nhiên, các chủ doanh nghiệp cho biết cửa hàng của họ đang phải bán cầm chừng, mỗi lít xăng dầu bán ra thị trường lỗ từ 100 - 700 đồng, chưa tính các khoản chi phí lương, nhân viên, điện, khấu hao, hao hụt… Xăng loại Ron A95-III hiện là loại được tiêu thụ nhiều nhất nhưng các cửa hàng bán lẻ đang phải bù lỗ để phục vụ người dân, doanh nghiệp, chủ yếu các cơ sở kinh doanh đang bán hàng tồn kho từ đợt nhập hàng lần trước, nhập thêm được đến đâu bán đến đó nên loại xăng này đang là mặt hàng khan hiếm trên thị trường.

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, giám sát kinh doanh xăng dầu.

Tại tỉnh Lạng Sơn, các đội QLTT trực thuộc Cục QLTT tỉnh cũng tổ chức quản lý địa bàn, giám sát hoạt động kinh doanh đối với 99 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Qua giám sát không phát hiện các hành vi vi phạm liên quan.

Tại Đắk Nông, đến ngày 10/2/2022, Cục đã chủ trì phối hợp với Sở Công Thương, Công an tỉnh tiến hành kiểm tra nhanh hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn toàn tỉnh. Đến 15 giờ 30 đã kiểm tra phát hiện 8 cửa hàng xăng dầu ngưng bán hàng, một số cửa hàng còn xăng hết dầu hoặc còn dầu hết xăng. Chưa phát hiện đơn vị nào có hành vi đầu cơ găm hàng, tăng giá trục lợi.

Qua kiểm tra cho thấy, trên địa bàn còn 8 đơn vị đóng cửa, nguyên nhân là đã hết xăng dầu để bán, đã đặt hàng nhiều ngày song chưa thể nhập hàng từ nhà phân phối.

Làm việc với các đơn vị cho biết sẽ ngay lập tức bán lại nếu nhập được xăng dầu, họ không muốn bị mất khách mặc dù thời điểm này bán là lỗ nhưng sẽ cố gắng để phục vụ người dân.

Ngoài ra, các tỉnh Hà Tĩnh, Phú Thọ, Bình Định,… nhìn chung các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn đều chấp hành đúng các quy định của pháp luật về hoạt động xăng dầu và cam kết đáp ứng đủ nguồn hàng cung cấp cho người tiêu dùng.

Song song với hoạt động kiểm tra, giám sát, lực lượng QLTT đã tổ chức tuyên truyền pháp luật đến các cơ sở kinh doanh nhằm phòng ngừa các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, đồng thời bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

Trước đó, tại cuộc họp khẩn ngày 9/2 về tình hình đảm bảo cung ứng xăng dầu thị trường trong nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu Tổng cục QLTT, Cục QLTT các địa phương chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan chức năng cùng cấp tiến hành kiểm tra thường xuyên, đột suất với tần suất dày 1 - 2 ngày/lần để kịp thời phát hiện xử lý sai phạm. Chú ý, kiên quyết xử lý theo đúng quy định, phạt kịch khung theo Nghị định 95; phối hợp với cơ quan chức năng như Sở Công Thương, Vụ Thị trường trong nước, UBND các tỉnh thành phố, đề nghị lãnh đạo Bộ Công Thương rút giấy phép kinh doanh hoặc có những điều chỉnh kịp thời, hợp lý.

Lưu Kỳ (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu