23:08 ngày 11/11/2024 | HOTLINE : 094.210.6666 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội cấp sổ đỏ cho người đã chết (kỳ 3): Tội làm giả, khai khống hồ sơ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

21:10 30/05/2017

(THPL) - Với việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất cho một ngôi nhà còn đang tranh chấp và cho cả...người chết, có thể thấy rõ cán bộ địa chính phường Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Xí nghiệp quản lý nhà Hoàn Kiếm cố tình lợi dụng chức vụ, quyền hạn trái pháp luật, tiếp tay cho việc khai khống hồ sơ nhằm gạt bỏ trắng trợn quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, một trong những quyền cơ bản được quy định trong Hiến pháp, và quyền thừa kế tài sản chính đáng của công dân.

Sau loạt bài cấp sổ đỏ cho người chết của UBND quận Hoàn Kiếm và Xí nghiệp quản lý nhà Hoàn Kiếm, PV Thương hiệu và Pháp luật đã liên hệ đặt lịch làm việc nhưng cả một tuần qua, không hề nhận được phản hồi từ đại diện các đơn vị này.

Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp - cho biết: “Trong Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, chưa có quy định nào về vấn đề cấp sổ đỏ cho người chết. Thứ nhất, vấn đề được cấp sổ đỏ phải thỏa mãn các điều kiện tại Điều 99, 100 Luật Đất đai 2013. Tuy nhiên, pháp luật chỉ đề cập đến những điều kiện nào để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chứ chưa đề cập quy định về người đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thứ hai, về mặt lý luận, khi thực hiện một giao dịch dân sự cần đòi hỏi một người có đủ năng lực hành vi dân sự và năng lực pháp luật, tuy nhiên, khi một người đã chết thì đương nhiên những giao dịch dân sự sẽ không thể thực hiện được, kể cả những giao dịch đang thực hiện cũng sẽ bị vô hiệu". 

Luật sư Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái - trao đổi PV Thương hiệu và Pháp luật.

Theo Luật sư Thái, việc nộp đơn cấp sổ đỏ bắt buộc do người xin cấp nộp đơn, trường hợp nhiều người cùng sử dụng đất thì phải thông qua giấy ủy quyền để một người đại diện xin cấp nộp đơn. Tuy nhiên, nếu người đứng tên trên hợp đồng thuê nhà với nhà nước đã chết thì tất nhiên mọi hợp đồng pháp lý khác cũng bị vô hiệu. Nên không thể nào có trường hợp người chết mà có thể được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được, chỉ trừ trường hợp người chết có di chúc để lại thừa kế.

Trong trường hợp, người chết để lại di chúc thừa kế cho những người nào, thì đương nhiên những người đó có quyền xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhưng trước khi xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo di chúc.

Trong trường hợp người chết không để lại di chúc, thì tài sản của người chết sẽ được coi là di sản thừa kế và được chia cho những người thừa kế theo pháp luật.

Người chết đứng tên chủ sở hữu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo quy định của pháp luật, các hàng thừa kế gồm có: Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại. Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Như vậy, những người này có quyền xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng những đồng thừa kế cần thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế tại văn phòng công chứng.

Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Như vậy, những người đồng thừa kế sẽ có quyền xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng cần phải thực hiện khai nhận di sản thừa kế ở văn phòng công chứng.

Về hành vi cán bộ Xí nghiệp Quản lý nhà Hoàn Kiếm, UBND quận Hoàn Kiếm làm giả hồ sơ, thiếu trách nhiệm khi cấp sổ đỏ cho người đã chết, thành viên trong gia đình khai khống hồ sơ, Luật sư Nguyễn Hồng Thái cho biết: Hành vi cán bộ nhà nước làm giả hồ sơ, khai khống hồ sơ cấu thành tội “Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, được quy định tại Điều 281 Bộ luật Hình sự 1999, sừa đổi bổ sung năm 2009”.

Theo đó, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến 5 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm: Có tổ chức, phạm tội nhiều lần, gây hậu quả nghiêm trọng, phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 đến 15 năm. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.

Như vậy, cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình trong cơ quan nhà nước để khai khống hồ sơ, làm giả hồ sơ, làm sai quy trình, thủ tục, mà gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước hay lợi ích hợp pháp của công dân thì sẽ bị áp dụng chế tài xử phạt còn tùy theo mức độ vi phạm để xử tương ứng theo các khoản đã quy định của pháp luật.

>>> Hà Nội: Quận Hoàn Kiếm ngang ngược cấp "sổ đỏ" cho người đã chết, người sống mất chỗ ở (Kỳ 1)

>>> Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội cấp sổ đỏ cho người đã chết: Do sai sót hay có sự tiếp tay của chính quyền phường?

Nguyễn Hiếu

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu