11:29 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Phú Quốc (Kiên Giang): Công dân khiếu nại đòi quyền lợi trên đất khai hoang

Thắng Nguyễn | 14:11 15/06/2021

(THPL) - Đảo ngọc Phú Quốc với diện tích gần 600km2 là hòn đảo tuyệt đẹp, hội tụ nhiều tiềm năng, lợi thế nổi bật để phát triển du lịch. Tuy nhiên, chính vì tiềm năng trời phú đó cùng với sự quản lý thiếu đồng bộ của chính quyền địa phương qua nhiều thời kì đã dẫn đến nhiều sự biến động về đất đai trên hòn đảo này. Đây là một câu chuyện dài với "nhiều gam màu loang lổ". Nếu không có cơ chế bảo đảm quyền lợi cho người dân đã khai hoang đất thì hiện tượng đơn thư kêu cứu của công dân vẫn sẽ không có hồi kết.

Một phần lý do tạo nên sự biến động đó chính là từ Quyết định số 2163/QĐ-UB về giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 33.307,82 ha đất cho Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng Phú Quốc. Thế nhưng, trước đó hàng ngàn hộ dân đã khai hoang, canh tác trong diện tích này. Sẽ không có gi đáng nói nếu trước khi ban hành quyết định này, các cơ quan chức năng địa phương thống kê đầy đủ các hộ dân đang canh tác, quản lý trong diện tích đất lâm nghiệp này, sau đó có phương án hỗ trợ, di dời người dân đến nơi ở phù hợp.

Quyết định số 2163/QĐ-UB về giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 33.307,82 ha đất

Từ thời điểm quyết định số 2163/QĐ-UB được chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, ông Bùi Ngọc Sương ký vào ngày 16/8/1998, thì nhà ở, đất khai hoang của người dân huyện Phú Quốc (nay là Thành phố Phú Quốc) đã trở thành đất lâm nghiệp. Tuy nhiên, sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 33.307,82ha đất thì việc cắm mốc rừng trong thực tế được triển khai rất chậm. Và dường như Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng Phú Quốc chỉ quản lý quyền sử dụng đất trên sổ sách là chính, còn người dân vẫn trực tiếp sử dụng đất để làm nhà ở, trồng cây và nuôi cá trong 33.307,82ha đất lâm nghiệp nói trên.

Ngay sau khi có quyết định số 2163/QĐ-UB của UBND tỉnh Kiên Giang, việc tranh chấp giữa người dân và cơ quan quản lý nhà nước ngày càng nhiều và phức tạp. Hàng loạt án hành chính liên quan đến các quyết định bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi phần đất tranh chấp này được thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng để giao cho các dự án du lịch, dự án sân golf, biệt thự biển… tại Bãi Trường, tại Gành Dầu, tại An Thới, tại Bãi Thơm. Có thể thấy, chỉ từ một quyết định thiếu khách quan, thấu đáo và có phần phi thực tế, đã đẩy Phú Quốc đi vào một vòng xoáy tranh chấp, khiếu nại đất đai triền miên của người dân nơi đây.

Dân thiệt thòi, chính quyền thờ ơ?

Có một thực tế là nhiều người dân tại Phú Quốc nói chung và An Thới nói riêng đã khai hoang và canh tác một số phần diện tích đất từ trước những năm 1993, nhưng do vướng Quyết định số 2163/QĐ-UB của UBND tỉnh Kiên Giang nên bị coi là lấn chiếm đất công. Và khi có quy hoạch dự án, nhiều người dân nói trên không được bồi thường, hỗ trợ về quyền sử dụng đất cũng như tài sản trên đất. Chính từ sự bất cập đó, người dân vẫn hàng ngày gửi đơn thư đến các nơi để đòi quyền lợi chính đáng của mình.

Tòa soạn Thương hiệu & Pháp luật nhận được đơn phản ánh của gia đình ông Lê Hải Hiên, trú tại tổ 2, khu 7, phường An Thới, TP Phú Quốc. Ông Hiên có trình bày, từ năm 1985 ông đã ra khu vực đất gia đình ông đang quản lý để làm nghề bắt chim và đánh cá. Thời điểm đó ở đây không có người, qua nhiều năm khai khẩn, gia đình ông có dựng nhà và trồng nhiều cây cối trên diện tích đất đó.

Năm 2000, ông Hiên có làm giấy xin xác nhận nguồn gốc đất và được một số hộ sống lâu năm cũng như trưởng ban nhân dân ấp 7 xác nhận. Ảnh: Người dân cung cấp

Ông Lê Hải Hiên, người có ý kiến về việc chính quyền địa phương không bồi thường cho gia đình mình khi thu hồi đất

Thời gian gần đây, ông được biết, diện tích đất gia đình ông đang quản lý bị vào quy hoạch dự án và bên chủ đầu tư đã làm đến sát cạnh diện tích đất gia đình nhà ông. Tuy nhiên, một điều bất ngờ là đến thời điểm hiện tại, gia đình ông không nhận được bất cứ thông báo nào về việc thu hồi, giải phóng mặt bằng và đền bù, hỗ trợ cho gia đình ông. Vì vậy, ông đã gửi phản ánh đến các cơ quan chức năng, báo chí để làm rõ, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho gia đình ông.

Mang theo sự bức xúc từ phía gia đình ông Hiên, phóng viên của Thương hiệu và Pháp luật đã ghi nhận thực tế tại địa phương và được một số người lớn tuổi sinh sống tại đây xác nhận việc gia đình ông Lê Hải Hiên đã khai khẩn và quản lý diện tích đất trên từ những năm 1985.

Ông Nguyễn Hồng Minh, người làm chứng cho ông Lê Hải Hiên

Ông Nguyễn Hồng Minh, sinh năm 1949, trú tại khu 7, phường An Thới cũng xác nhận “ông Lê Hải Hiên năm 85 đã vô trong khu vực hiện nay đang sinh sống phát quang, thổi chim, rồi đến năm 90 về đây là canh tác, trồng trọt và sống tới bây giờ luôn”.

Còn ông Nguyễn Văn Hồng, người làm nghề thổi chim cùng ông Hiên cũng cho hay, "hồi đó (năm 1985 – PV) chỗ này có ai ở đâu, rậm rạm, khó khăn trăm đường. Tôi với anh Hiên cùng làm nghề thổi chim, anh Hiên đã khai khẩn và canh tác diện tích đất đấy từ đó đến giờ. Mà giờ chính quyền lấy giao doanh nghiệp mà không đền bù hỗ trợ là sao? Vậy sao được?". 

Để có thông tin khách quan, đa chiều, phóng viên đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND phường An Thới và được biết, căn cứ theo quyết định số 2163/QĐ-UB của UBND tỉnh Kiên Giang thì phần lớn diện tích đất mà ông Hiên đang phản ánh là thuộc đất rừng phòng hộ do Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng Phú Quốc quản lý. Đến năm 2005, thực hiện theo chủ trương của UBND tỉnh, có đo đạc, lập phương án bồi thường tại dự án là 202ha, trong đó mở rộng lên An Thới là gần 58ha. Dự án do Công ty TNHH MTV PTN Kiên Giang làm chủ đầu tư.

Trong phương án năm 2005, tổng diện tích đất đó là gần 17.000m2, trong đó có hơn 6.000m2 là đất quy hoạch bãi rác do nhà nước quản lý. Hơn 1.000m2 là của một hộ dân khác quản lý. Còn lại là hơn 9.000m2 là đất rừng chưa ai sử dụng(?) (Theo ông Hiên, đây là phần đất mà gia đình ông đã khai khẩn và canh tác từ năm 1985 – PV).

Chính vì không có tên trong phương án bồi thường năm 2005 nên gia đình ông Hiên không đủ điều kiện được bồi thường quyền sử dụng đất. Do dự án cũng kéo dài lâu, mới quay lại hoạt động triển khai, nên UBND phường cũng đã báo cáo về huyện, và ban Bồi thường cũng đang tiếp tục kiến nghị các cơ quan thẩm quyền xem xét việc hỗ trợ cho gia đình ông Hiên, phía UBND phường An Thới thông tin thêm.

Tuy nhiên, theo gia đình Ông Hiên, khi tiến hàng đo đạc, kiểm đếm làm phương án bồi thường năm 2005, gia đình ông không nhận được bất cứ thông báo nào từ UBND xã An Thới (Nay là Phường An Thới – pv). Và gia đình ông thắc mắc, không rõ năm 2005 các cơ quan làm phương án đo đạc có đảm bảo quy trình? Đảm bảo các quy định của pháp luật hay không mà lại bỏ sót gia đình ông?

Trước những sự việc trên, đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang, UBND TP Phú Quốc cũng như các cơ quan hữu quan vào cuộc làm rõ quy trình kiểm đếm, đền bù giải phóng mặt bằng tại dự án do Công ty TNHH MTV PTN Kiên Giang làm chủ đầu tư có đảm bảo đúng quy trình? Đồng thời, làm rõ tiến độ dự án ra sao khi để “treo” trong thời gian dài, gây lãng phí tài nguyên? Đặc biệt, cần xem xét đến trường hợp hộ gia đình ông Lê Hải Hiên để có kết luận khách quan nhất, đảm bảo quyền lợi cho gia đình ông.

Thương hiệu & Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này

Thắng Nguyễn

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu